Năm học này, các tỉnh, thành không miễn, giảm học phí sẽ áp dụng khung học phí theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, khung học phí với các cơ sở mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên cụ thể như sau:

Khu vực thành thị, bậc mầm non và tiểu học có mức từ 300-540, THCS từ 300-650, THPT từ 300-650; khu vực nông thôn, bậc mầm non và tiểu học là 100-220, THCS từ 100-270, THPT từ 200-330; vùng dân tộc thiểu số và miền núi, bậc mầm non và tiểu học 50-110, THCS 50-170, THPT từ 100-220 (đơn vị nghìn đồng/học sinh/tháng).

Trên cơ sở khung của Chính phủ, HĐND các tỉnh, TP sẽ quyết định mức học phí cụ thể với từng trường tại từng địa bàn.

Đến thời điểm này, nhiều địa phương trên cả nước đã công bố miễn học phí. Đơn cử, Quảng Ninh hỗ trợ 100% học phí công lập cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh. Dự kiến có 225.374 em được hưởng chính sách với số tiền khoảng 458 tỷ đồng.

Hay tại TP Hải Phòng miễn học phí bậc mầm non và THCS từ năm học 2020-2021 và học sinh bậc THPT được giảm học phí từ năm học 2021-2022. Đến năm học 2022-2023, 100% học sinh các cấp được miễn học phí.

Năm học mới này, lần đầu tiên 100% học sinh trên địa bàn TP Cần Thơ được miễn học phí. Dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ là 308,943 tỷ đồng, được chi từ ngân sách TP.

Bên cạnh các tỉnh, TP đã công bố miễn học phí, đến thời điểm này, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội mới chỉ ra thông báo tạm thời chưa thu học phí cho đến khi có hướng dẫn mới.

Theo dự thảo mới nhất của UBND TP Hà Nội về mức tăng học phí, dự kiến học phí bậc THCS và mầm non 5 tuổi tại các quận nội thành sẽ tăng từ 155.000 (năm 2021) lên 300.000 đồng trong năm học 2022-2023, tức tăng gần gấp đôi so với năm học trước.

Hà Nội cũng dự kiến chia 30 quận, huyện thành 4 vùng, làm căn cứ để xác định mức học phí với các trường mầm non, phổ thông công lập (năm học trước chia 3 vùng thành thị, nông thôn và miền núi). 12 quận nội thành và các phường tại thị xã Sơn Tây sẽ thuộc vùng 1; các thị trấn thuộc 17 huyện ngoại thành là vùng 2; các xã (trừ xã miền núi) của 18 huyện, thị thuộc vùng 3; các xã miền núi còn lại được xếp vào vùng 4.

Theo dự thảo, vùng 1 và 2, học phí năm học này sẽ là 155.000 - 300.000 đồng mỗi tháng. Vùng 3 là 100.000 - 200.000 đồng và vùng 4 là 50.000 - 100.000 đồng/tháng. Học phí bậc THCS và mầm non 5 tuổi (vùng 1) tăng từ 155.000 đồng (năm 2021) lên 300.000 đồng năm học 2022 - 2023, tăng gần gấp đôi.

Học phí THPT vùng 4 theo dự thảo có tỉ lệ tăng cao nhất với 316,67%, tương đương hơn 3 lần, từ 24.000 đồng (năm 2021) lên 100.000 đồng. Đối với vùng 2, học phí được giữ nguyên như năm 2021, riêng bậc tiểu học được miễn học phí.

Cũng theo nội dung dự thảo, các trường công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, học phí dao động trong khoảng 1 - 3,2 triệu đồng một tháng.

Trong trường hợp học trực tuyến, các trường thu 75% mức học phí đã được ban hành (không áp dụng với cấp mầm non bởi trẻ mầm non không học trực tuyến).

Theo kế hoạch, dự thảo trên sẽ được HĐND TP Hà Nội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9, dự kiến diễn ra vào 12/9 tới.

Vừa trải qua đợt dịch Covid-19 kéo dài, kinh tế còn nhiều khó khăn, thông tin về việc tăng học phí đã khiến không ít phụ huynh lo lắng "đứng ngồi không yên".

Chị Nguyễn Thị Hiển (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, con gái học lớp 2, con trai học lớp 6, hiện chị đã mua 2 bộ sách giáo khoa hết hơn 1 triệu đồng. Con trai lớn chuyển cấp, phải có đồng phục mới nên chị đăng ký mua hết hơn 1 triệu đồng nữa.

“Vợ chồng tôi đều là lao động tự do, thu nhập không ổn định. Trải qua đợt dịch Covid-19 kéo dài, khiến kinh tế gia đình càng trở nên khó khăn. Hồi tháng 3 vừa qua, cả nhà mắc Covid-19 phải dùng đến tiền tiết kiệm để chi tiêu. Năm học này, nếu TP tăng học phí là thêm gánh nặng với gia đình. Tôi hi vọng, Hà Nội tạm hoãn tăng học phí”, chị Hiển bày tỏ.

Chung mong muốn, chị Nguyễn Thị Thảo (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, năm nay 2 con của chị vào đầu cấp nên chi phí mua sách vở, đồng phục tăng lên đáng kể. Từ khi nghe thông tin về lộ trình tăng học phí, chị rất lo lắng bởi nguồn thu của gia đình vốn đã eo hẹp, nay nếu phải “gánh” thêm khoản học phí tăng thì cuộc sống gia đình chị “đã khó càng thêm khó”.

Thiết nghĩ, việc tăng học phí là tất yếu để phần nào chia sẻ với ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục và giảm chênh lệch học phí công, tư, khuyến khích trường ngoài công lập phát triển… Tuy nhiên, sau giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19, việc điều chỉnh mức tăng học phí cần có lộ trình và mức tăng phù hợp để chia sẻ “gánh nặng” với các bậc phụ huynh.

Tháng 7/2022, Bộ GD&ĐT đã kiến nghị Chính phủ thực hiện miễn học phí cho toàn bộ học sinh THCS từ năm học 2022-2023 thay vì từ năm học 2025-2026 như lộ trình.

Theo ước tính của Bộ GD&ĐT, ngân sách cấp bù miễn học phí khoảng 11.199,8 tỷ đồng/năm học. Nếu thực hiện đề xuất này thì ngân sách Nhà nước phải tăng thêm là 25.199 tỷ đồng trong giai đoạn 3 năm 2022-2024 (sau khi trừ đi số học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn, học sinh đã được miễn học phí theo quy định tại Nghị định 81).

Riêng với học phí giáo dục mầm non công lập và THPT công lập, năm học 2022-2023, Bộ GD&ĐT đề nghị giữ ổn định học phí như năm học trước đối với cơ sở giáo dục chưa tự bảo đảm chi thường xuyên. 

Hải Hà