Tại đây, trao đổi về cơ hội việc làm của ngành Luật, bà Lê Thị Thanh Huyền - Luật sư điều hành Công ty Luật HTH Global và cộng sự cho biết, hiện nay, nhóm ngành Kinh tế và Luật có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trên 90%, trong đó có rất nhiều ngành được các em thích.

Trước một số thông tin cho rằng ngành Luật thừa nhân sự, sinh viên ra trường khó xin việc, Luật sư Lê Thị Thanh Huyền cho hay, học ngành Luật không chỉ ra trường để làm luật sư, mà thực tế đời sống cần nhiều kiến thức của các sinh viên luật ra trường.

leftcenterrightdel
 Ông Ngô Vương Tuấn, Phó Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô phát biểu tại chương trình 

Hiện, ngành Luật có nhiều chuyên ngành: Luật hiến pháp, dân sự, hình sự, kinh tế… để điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội. Vì vậy khi học luật sẽ làm được rất nhiều công việc khác nhau trong xã hội.

Chính vì thế, thông tin cho rằng ngành Luật thừa nhân sự, sinh viên ra trường khó xin việc không có căn cứ, bởi các bạn sinh viên ra trường có thể làm thẩm phán, công chứng viên, nhà báo…

"Ví dụ, nhiều bạn học sinh thích kinh doanh, muốn làm giám đốc… đều phải hoạt động đúng pháp luật. Ngoài làm đúng chuyên ngành luật như thẩm phán, kiểm soát viên, điều tra viên, ta có thể làm tư vấn pháp luật cho các công ty, tập đoàn… Việc này thực tế có thu nhập rất cao. Theo nhiều thông tin, mức lương trung bình trên 15 triệu thì 90% rơi vào ngành Luật. Cơ hội và thu nhập trải dài trên tất cả các lĩnh vực của ngành này. Cơ hội cũng chia đều cho các bạn đang tham gia buổi đối thoại, tư vấn, hướng nghiệp hôm nay. Tuy nhiên, để theo học ngành này, trước hết các em phải xác định mục tiêu và đam mê", Luật sư Lê Thị Thanh Huyền nói.

leftcenterrightdel
 Luật sư Lê Thị Thanh Huyền, Luật sư điều hành Công ty Luật HTH Global và Cộng sự, chia sẻ tại buổi tư vấn hướng nghiệp 

Theo Luật sư Lê Thị Thanh Huyền, ngành Luật ngoài kiến thức trong nhà trường, cần đòi hỏi kiến thức, kỹ năng mềm như: Thuyết trình, tổ chức công việc, tận dụng các chi tiết hay, đặc biệt trong thời buổi kinh tế hội nhập, thì ngoại ngữ là kỹ năng cực kỳ quan trọng (luật sư thành thạo ngoại ngữ có thu nhập gấp 2, gấp 3 luật sư không có ngoại ngữ).

Tiếp nữa, vấn đề thừa hay thiếu còn phụ thuộc vào chất lượng luật sư như thế nào. Ở trường đào tạo ngành Luật, có nhiều bạn sinh viên đang theo học đã được mời theo các vụ việc.

Từ thực tế trên có thể thấy, sự phấn đấu, học tập, trau dồi kỹ năng mềm, trải nghiệm thực tế sẽ giúp sinh viên có nhiều cơ hội trong ngành này.

Tại chương trình, các chuyên gia từ các trường đại học đã trả lời câu hỏi của học sinh về định hướng nghề nghiệp, chọn ngành, chọn trường; đồng thời đưa lời khuyên cho học sinh trong việc lựa chọn ngành nghề để vừa phù hợp với năng lực bản thân vừa đúng ngành nghề yêu thích…

Chương trình "Đối thoại tư vấn hướng nghiệp về khối ngành Luật - Kinh tế" là hoạt động trong chuỗi chương trình đối thoại, tư vấn hướng nghiệp dành cho học sinh trung học phổ thông trên địa bàn TP Hà Nội do báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với các đơn vị tổ chức.

Chương trình nhằm kịp thời cung cấp cho các học sinh trung học phổ thông những thông tin hữu ích, thiết thực về các ngành học, tư vấn chọn trường, chọn nghề cũng như gặp gỡ trực tiếp với những người thành công trong ngành để giúp các em hiểu và có động lực theo đuổi ước mơ.

Từ tháng 3/2024 tới nay, Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã phối hợp với các đơn vị, trường học tổ chức 3 chương trình đối thoại, tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh THPT tại các trường: THPT Thường Tín (xã Văn Phú, huyện Thường Tín), THPT Lý Thường Kiệt (phường Thượng Thanh, quận Long Biên), THPT Đồng Quan (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên).

Trong tháng 5/2024, chương trình đối thoại, tư vấn, hướng nghiệp sẽ tiếp tục được Báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp tổ chức tại các trường THPT trên địa bàn huyện Chương Mỹ.

PV