Một kế toán “ôm” nhiều trường!

Ngành Giáo dục của tỉnh Gia Lai đang thiếu trầm trọng kế toán trường học.

Theo thống kê hiện nay, toàn tỉnh đang thiếu hụt khoảng 350 nhân viên kế toán tại các cơ sở giáo dục (hiện tại mới chỉ có 359/708 trường). Trước thực trạng trên, ngành Giáo dục tỉnh phải đưa ra biện pháp “bất đắc dĩ” là một kế toán phải kiêm nhiệm làm việc cho nhiều trường, nhiều xã, trong khi chế độ chi trả kiêm nhiệm lại không có.

Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố Pleiku, toàn thành phố có 66 trường học, thì số lượng kế toán đã thiếu một nửa, mới chỉ 34 trường có kế toán.

Một đại diện Phòng GD&ĐT thành phố Pleiku chia sẻ thêm, vì thiếu người nên kế toán trường này phải kiêm nhiệm “làm thêm” cho trường khác. “Một người làm hai trường thì trong cơ chế này, không thể một nhân viên mà có hai thủ trưởng được, rất bất cập”, vị này nói.

Bất cập hơn nữa, chế độ chi trả cho kế toán kiêm nhiệm là không có. Một người làm hai việc, rất áp lực chưa kể xảy ra sai sót. Thậm chí, có kế toán tại trường học, khi bị đề nghị kiêm nhiệm cho trường khác, đã đòi nghỉ việc.

Tương tự, tại huyện Chư Sê, ông Phạm Văn Hoàng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho hay: “Chúng tôi có 47 trường, mà hiện chỉ có 26 kế toán. Thiếu gần một nửa, không có kế toán để làm việc, chúng tôi cũng đang đau đầu vì vấn đề này".

Trao đổi thêm với phóng viên Báo Thanh tra, một kế toán trường học (xin giấu tên) ở thành phố Pleiku cho biết, công việc bị quá tải, rất vất vả. “Kế toán kiêm nhiệm như chúng tôi, nghĩa vụ thì có mà quyền lợi thì không. Xảy ra sai sót thì chúng tôi phải chịu trách nhiệm, trong khi chế độ lại không có. Trường nào có quy chế chi tiêu nội bộ, thì may ra họ hỗ trợ cho đủ tiền xăng”, người này trình bày.  

Kế toán thiếu dẫn đến chi trả tiền lương, chế độ, phụ cấp khác cho giáo viên cũng bị chậm trễ theo, vô tình ảnh hưởng đến hàng ngàn giáo viên của tỉnh. “Thấy trường người ta ngày mồng 5, mồng 10 là đã trả lương. Trong khi, trường mình chưa có lương, dù không nói ra, nhưng nhiều giáo viên sẽ rất tâm tư”, đại diện một Phòng GD&ĐT của tỉnh Gia Lai nói.

Đề xuất Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh sớm giải quyết khó khăn

Việc thiếu kế toán trường học, khiến lãnh đạo Sở GD&ĐT Gia Lai lo lắng, thừa nhận nhiều trường học đang thực sự khó khăn.

Theo Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT Gia Lai, việc ngưng tuyển dụng kế toán trường học là từ chỉ đạo của Chính phủ, vào năm 2015. Theo đó, vào năm 2015, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 2378 (ngày 08/04/2015) gửi các cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh về việc tiết kiệm tối đa biên chế trong các cơ sở GD&ĐT công lập.

Văn bản nêu rõ: “Các bộ, cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở GD&ĐT thuộc phạm vi quản lý, tạm thời dừng tuyển viên chức chuyên trách làm công tác y tế, tài chính kế toán tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập”.

Trước thực trạng trên, Sở Nội vụ đã có báo cáo gửi Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh nêu lên sự khó khăn khi thiếu kế toán trường học. Đó là, tình trạng thiếu nhân viên kế toán đang gây khó khăn rất nhiều trong hoạt động của các trường học như giải quyết chính sách, chế độ cho viên chức.

Một số huyện có 4 trường THPT nhưng chỉ có 1 nhân viên kế toán, cá biệt có huyện không có nhân viên kế toán nào, trong khi đó khối lượng công việc của họ tương đối nhiều. Nếu không có kế toán thì không thể thực hiện các chế độ chính sách; thu, chi các khoản kinh phí xã hội hóa; tính toán, chi trả kinh phí phục vụ toàn bộ hoạt động của nhà trường.

Đặc biệt, theo Luật Viên chức, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP thì việc tuyển dụng, ký hợp đồng làm việc đối với viên chức là ở một vị trí việc làm cụ thể, do đó việc giao kiêm nhiệm là chưa đúng với quy định của Luật Viên chức, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP. 

Qua kiểm tra thực tế, thực trạng hiện nay việc một kế toán kiêm nhiệm cho nhiều trường ở nhiều xã, phường khác nhau, hiện đang quá tải; chưa có quy định cụ thể cho việc chi trả chế độ kiêm nhiệm đang dẫn đến tình trạng nhân viên kế toán trường học nghỉ việc hàng loạt (huyện Chư Pưh, thị xã Ayun Pa, huyện Đak Đoa, thành phố Pleiku …).

Sở Nội vụ nêu rõ: “Tỷ lệ nhân viên kế toán của tỉnh chỉ mới chiếm 50,7%”.

Từ sự thiết hụt này, Sở Nội vụ đề xuất Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xem xét cho phép tuyển dụng nhân viên kế toán trường học, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương.

Theo kết quả tổng hợp của các cơ quan, địa phương thì sẽ tuyển dụng 170 nhân viên. Nếu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cho phép tuyển dụng, Sở Nội vụ sẽ rà soát thẩm định nhu cầu tuyển dụng nhân viên kế toán phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương và đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Vũ Linh - Nam Phong