Tạo đà từ nâng cao nhận thức

Trước đây, các hiện tượng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, súng tự chế săn bắn trái phép; đốt rừng làm rẫy, xâm lấn đường biên... có những thời điểm trở nên khá phổ biến ở xã Mô Rai. Tuy nhiên Mô Rai bắt đầu có sự thay đổi khi A Giỗi, người dân tộc Rơ Măm ở làng Le đã tự nguyện đem súng giao nộp cho Đồn Biên phòng Mo Rai, tỉnh Kon Tum.

Súng kíp tự chế lâu nay vốn là vật bất ly thân của người dân Mô Rai cũng như chính A Giỗi. Khi được bộ đội biên phòng đến tuyên truyền, giải thích việc sử dụng súng là vi phạm pháp luật, anh liền giao nộp.

“Trước đây, tôi không hiểu nên đã chế tạo súng để đi săn và làm vật phòng thân. Nhưng khí có bộ đội biên phòng tìm đến, nói cho tôi hiểu về những nguy hiểm khi sử dụng súng tự chế nên tôi đã tự nguyện nộp lại và không bao giờ chế tạo súng nữa” - anh A Giỗi cho biết.

Già làng A Blong, ở làng Le phấn khởi nói: “Không riêng gì A Giỗi mà đồng bào Rơ Măm đã nghe bộ đội, không còn cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, súng tự chế nữa, bà con đã mang nộp hết cho lực lượng chức năng. Bộ đội và các ban, ngành của xã đã tuyên truyền để đồng bào Rơ Măm sống, làm việc theo pháp luật”.

Những năm gần đây, các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội, đặc biệt là việc tự chế vật liệu nổ, súng gần như không còn. Sự hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân đã được nâng lên một bước; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào toàn xã cũng không ngừng được cải thiện.

Theo Thiếu tá Bùi Văn Thành, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mo Rai (Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum), sự đổi thay nói trên là thành quả của việc thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021”. Đặc biệt, hệ thống chính trị xã Mô Rai đã phối hợp tốt với Đồn Biên phòng Mo Rai và Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 (Binh đoàn 15) làm tốt công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân.

leftcenterrightdel
Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 đã triển khai các chương trình, mô hình an sinh xã hội  

Cùng với đó, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 đã triển khai các chương trình, mô hình an sinh xã hội để lồng ghép phổ biến giáo dục pháp luật như: Mô hình “Gắn kết hộ”, “Đội sản xuất kết nghĩa với thôn, làng”, “Trồng lúa nước”; Chương trình “Đổi gạo lấy vũ khí, vật liệu nổ, súng tự chế”, “Bánh chưng xanh”, “Chăn ấm mùa đông”...

Đồn Biên phòng Mo Rai triển khai mô hình như: “Đảng viên đồn biên phòng sinh hoạt tại các chi bộ thôn, làng”, “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi  đồn biên phòng”, “Tủ sách pháp luật”, “Tiếng loa biên phòng”, “Tổ hòa giải”, “Tổ tự quản”, “Ngày pháp luật”... 

Trung tá Nguyễn Đình Kỷ, Phó đoàn trưởng Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 cho biết: Ngoài phối hợp xây dựng các mô hình, trong 5 năm qua, các ban, ngành của xã, Đồn Biên phòng Mo Rai và Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 còn triển khai nhiều hoạt động phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân hiệu như cử cán bộ tham dự các cuộc họp dân ở thôn, làng để trực tiếp nắm bắt dư luận của nhân dân.

“Sau khi lĩnh hội, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, Đoàn đã tiến hành các nội dung phổ biến giáo dục pháp luật; biên soạn, phát hành 30 đề cương và 14 loại tờ gấp tuyên truyền pháp luật với hơn 1.400 tờ phát đến tận tay người dân. Tổ chức 34 đêm diễn văn nghệ lồng ghép tuyên truyền pháp luật, thu hút gần 5.000 lượt người xem; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp cho công nhân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc…” - Trung tá Nguyễn Đình Kỷ cho biết thêm.  

Gỡ nút thắt cho “ốc đảo”

Yếu tố đầu tiên cho một địa phương vốn được xem là “ốc đảo” như Mô Rai phát triển cái đầu tiên cần phải chú ý đến đó là điện, đường, trường trạm. Chính vì thế, thời gian qua Quốc lộ 14C đã được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, với quy mô đường cấp IV miền núi. Việc Quốc lộ 14C được thông suốt toàn tuyến năm 2019, qua Mô Rai đã tạo thuận lợi cho an ninh quốc phòng và sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực vùng biên.

Bên cạnh đó, việc tăng cường sản xuất, phát triển kinh tế cũng được xã chú trọng. Toàn xã có diện tích tự nhiên hơn 58.000 ha, chủ yếu là đất lâm nghiệp, nông nghiệp. Nhìn nhận sự chuyển mình theo hướng tích cực của Mô Rai, anh A Thái, người Rơ Măm ở làng Le cho biết thêm, nay người dân có nhiều sự lựa chọn để phát triển kinh tế. Lợi thế đất nông nghiệp được nhân dân tận dụng tối đa.

“Hiện nay, người dân không chỉ trồng cây sắn (mỳ) cao sản mà các loại cây công nghiệp dài ngày đã bén rễ, cắm sâu trong lòng đất Mô Rai. Cây cao su đã có chỗ đứng vững chắc nơi đây. Làng Le giờ đã trồng nhiều cây công nghiệp dài ngày và đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Các nhà máy chế biến xung quanh đã tạo niềm tin cho nhân dân trong phát triển kinh tế...” - A Thái tự hào cho biết thêm.

Để có được Mô Rai như hôm nay, huyện Sa Thầy đã tạo mọi điều kiện khơi thông các nguồn lực cho sự phát triển của nơi này. Huyện đang lựa chọn mô hình hợp tác xã liên doanh, liên kết với doanh nghiệp, nhà đầu tư chăn nuôi bò sữa để triển khai nhân rộng trên địa bàn. Bên cạnh đó huyện cũng rà soát quỹ đất, giới thiệu doanh nghiệp thực hiện dự án chăn nuôi gia súc theo hướng tập trung...

Bà Y Sâm, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sa Thầy khẳng định, huyện tập trung huy động, kêu gọi doanh nghiệp đến đầu tư, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, nhất là các xã vùng căn cứ cách mạng, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Mô Rai. Bên cạnh đó, huyện quan tâm làm tốt công tác an sinh xã hội, tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn để vùng biên Mô Rai vững bước vươn xa trong tương lai...

Từ một xã nghèo về kinh tế, thiếu thốn về hiểu biết, Mô Rai hôm nay đã vươn lên với đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Nhìn những vườn cao su xanh mướt cho dòng nhựa trắng; những khu ruộng nước trải dài mát mắt; những đàn bò, đàn dê đi chật đường làng... không ai còn nghi ngờ gì về thành tựu phát triển kinh tế ở nơi đây. Nhiều gia đình đã khấm khá lên nhờ vào vườn cao su, ruộng lúa như A Dói với 5ha cao su đã khai thác 3 năm nay; ông A Glá với 7ha cao su cũng bắt đầu cho khai thác; A De hơn 3ha; A Phít đã mạnh dạn chuyển 5ha ruộng bỏ hoang sang trồng mía..., cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Kinh tế ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở Mô Rai từng bước được nâng lên, bộ mặt của một xã biên giới được khởi sắc, bà con nhân dân trong xã đã quan tâm nhiều hơn đến học hành cho con em mình. Và cũng nhờ kiến thức về pháp luật được nâng cao, người dân ngày càng hiểu biết hơn về đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, từ đó áp dụng một cách đúng đắn vào đời sống và phát triển kinh tế.

 

Đức Tuyền