Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ

Là một tỉnh miền Núi, Tuyên Quang có diện tích đất tự nhiên trên 5.800km2, trong đó đất sản xuất nông nghiệp chiếm gần 90%; với trên 80% là dân cư nông thôn, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân còn khó khăn, kết cấu hạ tầng KT-XH chưa đồng bộ.

Với mục tiêu đưa nông nghiệp, nông dân, nông thôn Tuyên Quang bứt phá đi lên, từng bước hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn với sản phẩm có chất lượng, hiệu quả, bền vững góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho nông dân. Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVI) đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 22/5/2016 (sau đây gọi là NQ15)  về “Kiên cố hóa kênh mương; bê tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa; xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên giai đoạn 2016-2020”

NQ15 đã đúng, trúng, phù hợp với tâm nguyện của nhân dân, tạo sức bật cho các vùng nông thôn phát triển, đặc biệt về cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân góp phần xây dựng nông nghiệp hàng hóa và hoàn thành “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020.

Từ mục tiêu, phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” đã được xác định, với sự triển khai bài bản, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng đã huy động sức mạnh tổng hợp để có nguồn kinh phí xây dựng 3 công trình, trong đó đóng góp của người dân có vai trò đặc biệt quan trọng. Người dân đã đồng tình hưởng ứng, tự nguyện đóng góp tiền, ngày công, vật liệu, hiến đất… để tổ chức xây dựng các công trình theo kế hoạch hàng năm.

leftcenterrightdel
Kênh mương bằng cấu kiện bê tông thành mỏng đúc sẵn mặt cắt parabol phát huy hiệu quả tưới tiêu, đường giao thông nội đồng được bê tông hóa giúp nhân dân xã Lăng Can, huyện Lâm Bình đi lại, canh tác hiệu quả 

Trong 5 năm thực hiện NQ 15, toàn tỉnh đã huy động được khoảng 1.366.336,592 triệu đồng để đầu tư xây dựng 3 công trình theo các đề án được phê duyệt, trong đó tổng số kinh phí Nhà nước hỗ trợ để mua cấu kiện kênh bê tông đúc sẵn, cấu kiện nhà văn hóa, xi măng, ống cống là 928.594,084 triệu đồng, chiếm 67,96%; nhân dân đóng góp bằng ngày công, vật tư, vật liệu 437.742,508 triệu đồng, chiếm 32,04% tổng nguồn vốn. Người dân còn tự nguyện hiến 33.249,7 m2 đất tạo mặt bằng thi công xây dựng các công trình.

Đến nay, 03 công trình hạ tầng: kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản gắn với sân thể thao và khuôn viên đã được các xã triển khai đồng bộ, thu được nhiều kết quả quan trọng. Toàn tỉnh đã hoàn thành đưa vào sử dụng 944,87 km kênh bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn, nâng tổng số kênh được kiên cố hóa toàn tỉnh dự kiến đến hết năm 2020 lên 2.871,82 km, đạt 77,36%, vượt 7,36%; hoàn thành đưa vào sử dụng 470,62 km đường nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, nâng tổng số đường nội đồng được bê tông hóa toàn tỉnh dự kiến đến hết năm 2020 lên 702,906 km, đạt 42,87%, vượt 7,87%; đưa vào sử dụng 550 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên, nâng tổng số nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định toàn tỉnh, dự kiến đến hết năm 2020 lên 1.183 nhà, đạt 68,02%, vượt  28,02% so với mục tiêu Nghị quyết số 15 đề ra.

Đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ và tiết kiệm

Ngay sau khi NQ15 được ban hành, HĐND tỉnh đã họp và cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐND ngày 13/7/2016 (sau đây gọi là NQ03) quy định về mức hỗ trợ cụ thể đối với từng loại công trình.

UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt 3 đề án: Kiên cố hóa kênh mương; Bê tông hóa đường giao thông nội đồng và cùng sản xuất hàng hóa; Xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên.

Đồng thời UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo và giao nhiệm vụ các sở ngành, UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn và tổ chức hội nghị triển khai chủ trương, chính sách hỗ trợ đối với 3 loại công trình. Mọi trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng cùng thiết kế mẫu; cách lập dự toán mẫu và trình tự, thủ tục kỹ thuật, đối với 3 loại công trình cũng được quán triệt, phổ biến, hướng dẫn xuyên suốt từ cấp tỉnh xuống cơ sở.

leftcenterrightdel
 Nhân dân xã Lưỡng Vượng, thành phố Tuyên Quang phấn khởi thi công kênh mương bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn

Hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với UBND các huyện, thành phố căn cứ khối lượng 3 công trình dự kiến đầu tư xây dựng theo từng giai đoạn trong các Đề án được phê duyệt và nhu cầu thực tế của nhân dân tiến hành thẩm tra, xây dựng kế hoạch trình HĐND tỉnh thông qua và giao kế hoạch triển khai thực hiện.

Trong đó, giao Sở NN&PTNN là chủ đầu tư cung cấp cấu kiện bê tông thành mỏng đúc sẵn (kênh parabol cốt sợi thép phân tán mác 500), gối đỡ; Sở Xây dựng là chủ đầu tư cung cấp toàn bộ cột bê tông, vì èo thép, xà gồ, tôn lợp, cửa đi, cửa sổ; UBND các huyện, thành phố là chủ đầu tư cung cấp toàn bộ xi măng, ống cống; đồng thời cả 3 chủ đầu tư thực hiện vận chuyển, bốc xếp vật tư, vật liệu đến chân công trình hoặc địa điểm tập kết, thi công.

Trên cơ sở kế hoạch hàng năm được UBND tỉnh phê duyệt, các Sở NN&TPNT, Xây dựng và UBND các huyện, thành phố tổ chức lựa chọn nhà thầu cung ứng cấu kiện, vật tư, vật liệu; đồng thời xây dựng kế hoạch cung ứng, tiếp nhận đến các xã, phường, thị trấn và chỉ đạo nhà thầu cung ứng theo kế hoạch, bảo đảm tiến độ thực hiện.

Các huyện, thành phố đã xây dựng, ban hành  Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ huyện, thành phố về thực hiện NQ15.

Cấp xã, phường, thị trấn cũng thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của tỉnh về hỗ trợ, đầu tư xây dựng 3 công trình và mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện Đề án; tham mưu, đề xuất lựa chọn đầu điểm công trình để đưa vào kế hoạch xây dựng; lập hồ sơ thiết kế tổ chức họp dân thống nhất, huy động nhân công triển khai xây dựng. Khi công trình hoàn thành , thực hiện nghiệm thu, thanh quyết toán kinh phí. Thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên hàng tuần, hàng tháng và báo cáo đột xuất khi được yêu cầu.

leftcenterrightdel
 Nhân dân xã Tân Thịnh, huyện Chiêm hóa chung sức đổ đường bê tông bằng xi măng do Nhà nước hỗ trợ

Nhìn chung, sau 5 năm thực hiện NQ15, mọi trình tự, thủ tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng các công trình được thực hiện đầy đủ; việc nghiệm thu công trình hoàn thành được tiến hành cẩn thận; công tác lập kế hoạch hàng năm đảm bảo sát với thực tế và được thẩm định chặt chẽ; công tác lựa chọn nhà thầu cung ứng cấu kiện, vật tư, vật liệu được thực hiện đầy đủ theo các bước quy định, đảm bảo khách quan, minh bạch, tiết kiệm…

Các sở, ngành liên qua cũng thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra phát hiện những tồn tại, hạn chế để tổ chức khắc phục.

Hàng năm, UBND tỉnh cũng tổ chức kiểm tra tình hình, tiến độ thực hiện tại cơ sở và họp kiểm điểm đánh giá việc triển khai thực hiện, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Vì vậy, Nhân dân càng yên tâm, tin tưởng, đồng sức, đồng lòng đóng góp tiền, ngày công lao động, vật liệu, hiến đất đai ruộng vườn cùng Nhà nước thực hiện thắng lợi NQ15.

Người dân được thụ hưởng

Sau 5 năm thực hiện chính sách hỗ trợ với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” để đầu tư xây dựng 3 công trình thì diện mạo nông thôn đã có nhiều thay đổi, trở thành cầu nối giúp nhân dân đầu tư sản xuất kinh doanh hiệu quả, đời sống được nâng lên.

Với việc kiên cố hóa kênh mương bằng cấu kiện bê tông thành mỏng đúc sẵn mặt cắt parabol cốt sợi thép phân tán mác 500, sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng hầu hết các công trình đã phát huy hiệu quả tốt, khắc phục được hầu hết các tồn tại, hạn chế của giai đoạn trước, đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng thâm canh tăng năng suất cây trồng phục vụ mục tiêu phát triển nông nghiệp hàng hóa của các địa phương.

Ông Phạm Hữu Hợp, trưởng thôn Thái Sơn Tây, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương phấn khởi cho biết, thôn việc được lắp đặt hệ thống kênh mương parabol rất tốt, đảm bảo việc tháo nước rất nhanh, với hệ thống kênh mương cũ thì mất 5 ngày nước mới từ đập về đến cánh đồng nhưng từ khi lắp đặt kênh mương parabol thì chỉ 1 ngày.

leftcenterrightdel
 Đường bê tông nội đồng tại xã Nhân Mục, huyện Hàm Yên

Theo ông Nguyễn Trung Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Phú, huyện Sơn Dương, khi NQ15 xuống tới xã đã được nhân dân rất ủng hộ, sau 5 năm thực hiện, xã đã làm hoàn chỉnh được trên 10km kênh mương parabol đúc sẵn.

Còn theo anh Dương Đình Nhất, xã Kim Phú, thành phố Tuyên Quang, từ khi lắp đặt kênh mương mặt cắt parabol đã đem lại hiệu quả cho bà con rất lớn, chống hạn cho ruộng vườn, tưới tiêu dễ bắt nước, giữ nước, chống úng, chống thụt cho bà con cấy lúa.

Ông Nguyễn Ngọc Đình, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng, nhà thầu cung ứng kênh mương bằng cấu kiện bê tông thành mỏng đúc sẵn cho biết: đây là sản phẩm mới ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực thủy lợi với mặt cắt kênh parabol, cấu tạo lòng máng với bề mặt trơn nhẵn nên đã làm tăng lưu lượng dẫn nước khoản 10-12%, ít xảy ra hiện tượng rò rỉ, thất thoát nước trong kênh, dễ dàng nạo vét bùn đất bồi lắng lòng kênh hơn các loại khác; tổ chức thi công nhanh, quản lý kỹ thuật đơn giản; quá trình quản lý khai thác thuận tiện; khi quy hoạch lại đồng ruộng hoặc điều chỉnh thay đổi tuyến kênh có thể tháo ra, di chuyển và lắp đặt lại vị trí khác thuận lợi, dễ dàng. Đặc biệt, ông Đình còn cho biết, kênh mương đúc sẵn này có tuổi thọ đến 50 năm nếu quá trình vận hành, khai thác đảm bảo đúng kỹ thuật.

Về bê tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, sau 5 năm thực hiện đã mang lại diện mạo mới cho vùng nông thôn, là động lực cơ bản để phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa. Lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn có sự chuyền dịch mạnh nhờ sản phẩm tiêu thụ thuận lợi. Giao thông đã có những tác động trực tiếp và gián tiếp tới các lĩnh vực phát triển KT-XH của tỉnh Tuyên Quang theo hướng nhanh, bền vững; gắn kết vùng, miền trong quá trình phát triển, rút ngắn khoảng cánh giữa thành thị và nông thôn. Từ đó thị trường nông sản được mở rộng, kích thích người nông dân tăng gia sản xuất, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, thu nhập của các hộ tăng, đời sống được nâng lên, góp phần thắng lợi vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn.

Anh Nguyễn Hoàng Quyết, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên vui mừng cho biết, trước đây chưa có đường bê tông nên vận chuyển cam rất vất vả nhưng năm nay xã cho xi măng để làm đường bê tông nên việc vận chuyển sẽ dễ dàng hơn.

Chị Nguyễn Thị Hoa, xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn cho biết được Nhà nước hỗ trợ xi măng, gia đình bỏ ngày công, cát sỏi đổ được con đường dài 250m lên đỉnh đồi; mọi năm chưa có đường bê tông gia đình phải thuê người gánh quả từ đỉnh đồi xuống rất tốn kém, từ khi có đường việc vận chuyển đã dễ dàng hơn.

leftcenterrightdel
 Nhà văn hóa, sân thể thao tổ dân phố tại huyện Na Hang là nơi nhân dân tập thể dục thể thao hàng ngày

Còn theo ông Tống Văn Thuận, xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên, ngày xưa con đường đi lại rất khó khăn, xe máy cũng không đi được, con em đi làm đi học rất vất cả; được Nhà nước đầu tư xi măng nhân dân đã góp công sức làm con đường, trước là để đi lại, sau là thông thương hàng hóa được thuận tiện.

Ông Trần Tất Thắng, thôn Quang Trung 1, xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên cho biết bà con trong thôn đã đổ được con đường rất đẹp giúp cho bà con đi lại, giao lưu, giao thương hàng hóa, sản xuất rất thuận lợi…

Về xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố: các công trình nhà văn hóa hoàn thành đưa vào sử dụng không chỉ là nơi bà con nhân dân hội họp mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, giao lưu thể thao của nhân dân. Hoạt động của các nhà văn hóa đã mang lại hiệu quả tích cực đến đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị của địa phương, các sự kiện trọng đại của đất nước và của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế ở nông thôn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc…

Ông Vi Văn Tiến, thôn Ka Nò, xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình cho biết được Nhà nước hỗ trợ khung nhà, cấu kiện để xây dựng nhà văn hóa, lắp đặt rất thuận tiện, bà con phấn khởi đóng góp một số vật liệu xây dựng được nhà văn hóa khang trang, sạch đẹp, sân thể thao giúp cho bà con luyện tập thể dục thể thao thuận tiện hơn.

leftcenterrightdel
Nhà văn hóa thôn An Phú, xã Tân An (Chiêm Hóa) mới khánh thành đưa vào sử dụng
 trong niềm phấn khởi của nhân dân
 

Còn ông Chẩu Văn Toan, Chủ tịch UBND xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình thì cho hay, NQ15 và NQ03 được bà con rất đồng tình ủng hộ,  toàn xã đã xây dựng được 10 nhà văn hóa gắn với khuôn viên…

Phát biểu tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện NQ15, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm đã biểu dương, đánh giá cao kết quả thực hiện 3 công trình. Với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, hệ thống kênh mương được kiên cố hóa, đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa được mở rộng, nhà văn hóa, thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên được xây dựng đã góp phần quan trọng làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn, đời sống người dân được cải thiện, thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển vững chắc hơn.

Trần Kiên