Sáng ngày 3/11, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Anh (Gia Lai) cho biết nhiều cử tri đánh giá rất cao Bộ Thông tin và Truyền thông đã tập trung cho phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số…

Tuy nhiên, cử tri cũng cho rằng, bộ chưa quan tâm tập trung cho công tác quản lý Nhà nước về mạng xã hội, để các vụ việc xảy ra thì mới tiến hành thanh tra, kiểm tra nên dẫn đến tình trạng “báo hóa mạng xã hội và mạng xã hội thì hoá báo".

Cạnh đó, là lúng túng, chậm xử lý những vi phạm như trường hợp của bà Nguyễn Phương Hằng khi thường xuyên đưa tin, không kiểm chứng, có lời lẽ xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân.

“Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, trách nhiệm của bộ trưởng trong vấn đề này? Cơ quan có thẩm quyền của bộ đã xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để xảy ra việc đó ra sao? Bộ có rút kinh nghiệm gì về việc trên?”, ông Hoàng Anh đặt loạt câu hỏi.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết ông hiểu ý đại biểu muốn hỏi Bộ Thông tin và Truyền thông “say sưa” với công nghệ thì liệu có quên mất mảng thể chế không?...

“Có thể đi hai chân có lúc chân này nhiều hơn chân kia. Nhưng cũng xin báo cáo là chúng tôi vẫn coi thể chế là đầu tiên, lúc nào cũng nói thể chế là số 1”, bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, cũng có một số vấn đề thể chế đi sau, ví dụ vụ livestream của Nguyễn Phương Hằng.

Bộ trưởng cho hay, lúc đấy chúng ta chưa có quy định của pháp luật nào về việc quản lý hành vi livestream như thế nào. Sau khi rà soát, cơ quan chức năng đã hai lần xử phạt hành chính và hiện đã xử lý hình sự.

Về giải pháp, Bộ trưởng Hùng cho hay bộ đã sửa đổi Nghị định 72 và đã trình Thủ tướng, có thể ban hành cuối năm nay.

Trong đó, bổ sung quy định xử lý hình thức livestream trên mạng, như chỉ những người đích danh trên môi trường số mới được livestream, phải cung cấp thông tin thời gian, và nếu bán hàng thì phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế...

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: P.Thắng

Chưa hài lòng, đại biểu Lê Hoàng Anh bấm nút tranh luận và nói 3 nội dung ông đặt ra Bộ trưởng chưa trả lời.

“Tôi đặt ra: Vì sao “báo hóa mạng xã hội và mạng xã hội thì hoá báo”; chậm, túng túng trong xử lý vụ việc vi phạm pháp luật của bà Nguyễn Phương Hằng trên mạng xã hội. Trách nhiệm của Bộ trưởng cũng như việc xử lý tập thể, cá nhân quản lý Nhà nước để xảy ra việc này? Bộ có rút kinh nghiệm việc này như thế nào?”, ông nhắc lại câu hỏi và đề nghị Bộ trưởng chia sẻ thực chất.

Lật lại một số vụ việc mà cơ quan quản lý Nhà nước về thông tin và truyền thông đã xử lý vi phạm trên mạng xã hội, ông thấy rằng, các cơ quan xử lý rất nhanh chứ không phải chỉ như bộ trưởng nói là “thiếu hành lang pháp lý khi vụ của bà Nguyễn Phương Hằng xảy ra”.

“Phải chăng những người vi phạm ít tiền hay không có tiền thì xử lý ngay và luôn được. Còn người có tiền thì sẽ chậm và nghe ngóng trước, xử lý sau”, đại biểu Lê Hoàng Anh chất vấn.

Đáp lại, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cuộc sống diễn biến, chúng ta khi quản lý Nhà nước cũng phải tường minh.

“Tổng Bí thư nói cái gì chín rồi, rõ rồi, đồng thuận rồi thì mới đưa vào luật. Cái gì chưa rõ thì thí điểm, cân nhắc”, ông Hùng nói và cho rằng quản lý Nhà nước phải “chắc tay” mới làm được, chưa “chắc tay” thì không làm.

Cũng theo bộ trưởng Hùng, khi bà Nguyễn Phương Hằng livestream, đó là công nghệ hoàn toàn mới, tất cả thể chế chưa có quy định về việc này. Lúc đó, chúng ta dùng các hình thức khác để xử lý, phạt hành chính và chuyển cơ quan điều tra.

“Bây giờ đưa vào nghị định thì chắc chắn chúng ta sẽ xử lý rất gọn gàng”, Bộ trưởng  nhấn mạnh và nói rõ, "còn chuyện không có tiền thì làm, có tiền thì không làm không, tôi có thể khẳng định các cơ quan của Bộ Thông tin và Truyền thông không có việc này. Giả sử có thể có nhưng tôi không biết, nhưng tôi tự tin nói không có việc này. Không có chuyện Nhà nước xã hội chủ nghĩa lại có chuyện không có tiền thì xử lý, có tiền thì không xử lý”.

Sẽ tổ chức thanh tra các nền tảng xuyên biên giới về quảng cáo

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nêu việc hàng giả hàng nhái chào bán công khai trên Facebook và các mạng xã hội như hàng hiệu trị giá hàng trăm triệu đến tỷ đồng nhưng được chào bán với giá vài chục triệu đồng. Ông đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp.

Thừa nhận tình trạng quảng cáo sai sự thật khá nhức nhối hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, có tình trạng trang thông tin điện tử, báo điện tử bán các khoảng trống trên trang để quảng cáo nhưng buông quản lý

Bộ Thông tin và Truyền thông đã sửa đổi các văn bản; tiến hành thanh tra, kiểm tra và các cơ quan báo chí, trang tin đã ý thức hơn. Việc quảng cáo sai trên các trang này cơ bản đã được xử lý.

Theo ông, vấn đề quảng cáo sai hiện nay chủ yếu xuất hiện trên các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, YouTube, với rất nhiều quảng cáo trái quy định pháp luật.

Vì vậy, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sẽ chính thức tổ chức thanh tra các nền tảng xuyên biên giới về vấn đề quảng cáo. Bộ trưởng cũng đề nghị bộ, ngành địa phương trong thẩm quyền của mình cùng rà soát không gian, lĩnh vực của mình, đánh giá, xử lý việc quảng cáo sai sự thật trên nền tảng xuyên biên giới. 


Hương Giang