Sáng ngày 3/11, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội. Vấn đề ngăn chặn tin giả, tin xấu trên mạng được nhiều đại biểu quan tâm, tranh luận.

Mức phạt thông tin giả chỉ bằng 1/10 so với các nước ASEAN

Đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An) nêu, Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiều giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên mặt trận phòng chống tin giả, thông tin xấu độc trên mạng.

“Tuy nhiên, việc ngăn chặn, xử lý có lúc còn chậm khiến tin giả, xấu độc phát tán rộng, gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, an ninh trật tự, quyền lợi và lợi ích của những tổ chức, cá nhân. Bộ trưởng có giải pháp gì?”, bà An chất vấn.

Chung mối quan tâm, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) nêu, ngăn chặn tác hại của thông tin xấu độc trên không gian mạng là việc không dễ dàng, xử lý một trường hợp đưa tin xấu độc cũng rất khó khăn.

“Nếu xử lý không cẩn thận thì có thể lại là PR cho người muốn nổi tiếng”, đại biểu nói và đề nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu giải pháp căn cơ để xử lý triệt để.

leftcenterrightdel
Đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An)  

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thiện, ban hành các văn bản, thế chế, trong đó định nghĩa rõ các hành vi, quy định quy trình xử lý hành chính, mức phạt và cơ chế chuyển cho cơ quan công an xử lý hình sự.

Để xử lý căn bản, Bộ đã công khai các đầu số điện thoại (156), các trang web để tiếp nhận các thông tin của người dân về các hoạt động vi phạm.

Bộ cũng tiến hành ứng dụng công nghệ thông tin để rà quét, ngăn chặn khoảng 1.700 trang web có dấu hiệu lừa đảo. “Nếu không ngăn chặn những trang này sẽ có khoảng 3,1 triệu người truy cập vào và xác suất bị lừa đảo là rất lớn”, bộ trưởng nói.

Với số điện thoại, bộ tập trung xử lý sim rác (đây là phương tiện để thực thi lừa đảo) với 3 công đoạn lớn.

Đầu tiên, xóa khỏi hệ thống những số thuê bao không có thông tin đầy đủ (đến năm 2022, sim rác bằng 0);

Thứ hai, thông tin không chính xác thì đối soát qua cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Theo Bộ trưởng, Thủ tướng chỉ đạo trong năm nay, cùng lắm là đến đầu năm 2023 là phải xong.

Thứ ba, với 1 người đăng ký nhiều sim, tức là sim không “chính chủ”. “Xử lý xong việc này chúng ta sẽ ngăn chặn đáng kể chuyện dùng số điện thoại để lừa đảo”, ông Hùng nhấn mạnh.

Về xử lý tin giả, Bộ trưởng thừa nhận, “thông tin trên không gian mạng lan truyền rất nhanh, nếu xử lý chậm thì lan truyền rất rộng”. Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền đã nâng tầm xử lý tin giả từ mức thông tư lên nghị định.

Trong nghị định này quy định rõ các hành vi, trách nhiệm của các bên liên quan và thời gian để các nhà mạng phải hạ các thông tin sai sự thật, xấu độc từ 48h xuống 24h, có những thông tin đặc biệt là trong 3h.

“Mức phạt về đưa thông tin giả tăng lên 3 lần, nhưng mức phạt của chúng ta chỉ bằng 1/10 so với các nước ASEAN”, ông Hùng cho biết, bộ sẽ tiếp tục đề nghị Chính phủ xem xét, cân nhắc nâng mức xử phạt, ít nhất là bằng mức trung bình của các nước trong khu vực.

Cần cả xã hội vào cuộc ngăn chặn tin giả, tin xấu độc

Nhấn mạnh việc ngăn chặn thông tin xấu độc thực sự là khó khăn, Bộ trưởng cho rằng, 1 người Việt Nam có gần 4 tài khoản trên mạng xã hội, đây là con số cao.

Giải pháp căn bản, theo bộ trưởng, cần có sự vào cuộc tích cực, chủ động của mọi bộ, ngành, các tổ chức, các gia đình quản lý con cái. “Chỉ khi cả xã hội vào cuộc thì mới có thể giải quyết căn cơ nhưng vấn đề trên không gian mạng. Một mình Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông là hai lực lượng chính, là không xuể”.

Tranh luận lại, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, ngoài đời thực quản lý theo lãnh thổ, địa giới hành chính, còn trên mạng là trên các nền tảng đa quốc gia. Nếu như chỉ dùng biện pháp ngăn chặn thông tin, xử lý tài khoản vi phạm, “chẳng khác gì phòng chống Covid-19 mới dừng ở đeo khẩu trang, cách ly, phong tỏa”.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) 

Theo đại biểu, giải pháp căn cơ nhất phải là nâng cao sức đề kháng, giống như có vaccine đề kháng. Tức là người dân, công chúng không tin, không nghe thông tin xấu độc. Cạnh đó, là phải có thêm nhiều thứ để công chúng có thể đọc được. Nhiều thông tin hay, phản biện, tích cực nhưng phải mang tính thuyết phục cao.

“Chúng ta phải khuyến khích các tờ báo đi thẳng vào vấn đề nóng với thái độ trách nhiệm, không né tránh. Và không phải chỉ khen một chiều mới là hay. Bởi vì thực tế, nếu thuốc bổ uống nhiều cũng có thể gây ngộ độc”, đại biểu Nghĩa nêu.

Với thông tin buộc các nhà mạng phải hạ thông tin xấu, độc trong 24 giờ, đại biểu Phú Yên cho rằng, hiện nay, chỉ sau 5 phút - 10 phút một thông tin độc hại có thể lan tỏa rất rộng.

“Quan trọng nhất là không uống thuốc độc ngay từ đầu. Chứ độc hại đã ngấm vào rồi mới uống giải độc thì mãi mãi chúng ta chạy theo rất vất vả", ông Nghĩa nêu quan điểm, nhấn mạnh trên không gian mạng không thể chỉ sử dụng các biện pháp như trong đời thực.

Đồng tình với đại biểu Nghĩa, Bộ trưởng nói, không chỉ riêng xấu độc, tất cả mọi thứ đều cần “sức đề kháng”.

“Trên không gian mạng, tin giống như không khí. Tin xấu mà nhiều thì không khí bị vấy bẩn. Chúng ta sáng nào cũng đọc thông tin trên mạng nó đầu độc chúng ta. Không khí đầu độc phổi, thông tin đầu độc não”, ông Hùng nhấn mạnh.

Ông giải thích, quan điểm đời thực thế nào thì không gian mạng như thế, tức là cơ quan nào quản lý cái gì trong đời thực thì quản lý cái đấy trên không gian mạng như ngành Công thương quản lý hàng hóa, Văn hóa quản lý thuần phong mỹ tục... Có như vậy mới có đầy đủ nguồn lực làm không gian mạng lành mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, bộ đã có nhiều giải pháp để giáo dục kỹ năng số cho người dân.

“Chúng tôi luôn luôn nghĩ rằng không gian mạng là của chúng ta và mỗi chúng ta có trách nhiệm không gian mạng lành mạnh. Có cơ quan chủ lực như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an nhưng phải cả toàn bộ hệ thống chính trị nữa”, ông Hùng nêu.

Hương Giang