Người chiến sỹ cộng sản Lê Xuân Đào

Đồng chí Lê Xuân Đào tên thật là Lê Mạnh Thân, tên thường gọi là Chắt Lũ (SN 1903) trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Phù Xá, tổng Phù Long, nay là xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Lê Mạnh Thân là con đầu của ông Lê Quyến và bà Hoàng Thị Chí. Thuở nhỏ, ông nổi tiếng thông minh, nhanh nhẹn và học giỏi.

Từ một huyện thuần nông, cơ sở hạ tầng thấp kém, công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển chậm, đến nay Hưng Nguyên đang thay đổi từng ngày với diện mạo mới, khởi sắc mới. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 9,16%, riêng năm 2022 đạt 15,7% (cao nhất tỉnh); thu ngân sách tăng lên hàng năm, riêng năm 2022 đạt gần 1.297 tỷ đồng. Đến hết năm 2022, Hưng Nguyên có 17/17 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, 3 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 là 2,2% giảm còn 1,87% (năm 2022); thu nhập bình quân từ 46 triệu/người tăng lên 50 triệu/người.

"Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Xuân Đào mãi mãi để các thế hệ những người con Hưng Nguyên luôn tin tưởng và học tập, noi theo. Nhìn lại quá khứ đầy tự hào của quê hương để hướng tới tương lai với những thành tự mới đó là điều mà toàn đảng, toàn dân Hưng Nguyên đang nỗ lực phấn đấu. Phía trước vẫn nhiều thử thách nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết đồng lòng của Nhân dân, tin tưởng rằng quê hương Hưng Nguyên sẽ ngày càng phát triển giàu mạnh, vững bước đi lên trên con đường đổi mới, hướng tới xây dựng huyện Nông thôn mới trong năm 2023 và là một trong những huyện khá của tỉnh; xứng danh là quê hương Xô Viết anh hùng".

(Bà Nguyễn Thị Thơm, Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên)

Sau khi học xong bậc Sơ học tại trường Pháp - Việt,  Lê Mạnh Thân được bố mẹ cho xuống Vinh theo học lớp Nhì trường Tiểu học Pháp - Việt. Năm 1918 mẹ ông qua đời, ít tháng sau cha ông cũng mất nên phải bỏ dở việc học, tiếp tục nghề chống bè thuê của cha để kiếm tiền nuôi 4 người em.

Vào khoảng cuối tháng 9 âm lịch năm 1923, Lê Mạnh Thân tiếp bước con đường của thế hệ đàn anh xuất dương sang Trại Cày của Đặng Thúc Hứa ở Thái Lan với thẻ căn cước mang tên Lê Xuân Đào. Sau một thời gian được học tập và huấn luyện tại đây, đồng chí Lê Xuân Đào được tổ chức cử về Nghệ Tĩnh để cùng gây dựng cơ sở cách mạng, ông tham gia Đảng Tân Việt.

Sau khi Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), hệ thống tổ chức Đảng ở Nghệ Tĩnh cũng nhanh chóng được thành lập. Tháng 4/1930, Xứ ủy Trung Kỳ cử đồng chí Tôn Gia Tinh về bắt liên lạc với đồng chí Lê Xuân Đào thành lập Chi bộ Trúc - Lam - Giang, gồm 3 đồng chí: Nguyễn Hữu Nhượng bí danh Trúc, quê làng Trung Cần; Nguyễn Thị Quỳnh Nga, còn gọi Thông Phia bí danh là Lam, quê làng Trung Cần; Lê Xuân Đào, còn gọi Chắt Lũ bí danh là Giang, quê làng Phù Xá. Sau đó các chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở phủ Hưng Nguyên lần lượt ra đời. Đến tháng 9/1930 toàn phủ Hưng Nguyên đã có 9 chi bộ, tổng cộng gần 50 đảng viên

Trước phong trào cách mạng sục sôi, những người cộng sản Hưng Nguyên nhận thấy phải phát động quần chúng thật mạnh mẽ để đòi quyền lợi thiết thân cho nhân dân lao động. Ngày 6/9/1930, đồng chí Lê Xuân Đào chủ trì cuộc họp các chi bộ để bàn kế hoạch tổ chức một cuộc biểu tình quy mô lớn. Theo kế hoạch sáng sớm ngày 12/9/1930 quần chúng tập kết tại đình Xuân Hòa, kéo xuống ga Yên Xuân, rồi tiến về phủ lỵ Hưng Nguyên để đưa yêu sách cho Tri phủ. Mặc dù bị đàn áp đẫm máu, nhưng cuộc biểu tình ngày 12/9/1930 đã đi vào lịch sử cách mạng như một bản hùng ca bất diệt.

leftcenterrightdel
Trên quê hương Long Xá hôm nay. Ảnh: Đức Mạnh 

Thực tiễn đòi hỏi phải có một cơ quan lãnh đạo thống nhất trong toàn phủ để lãnh đạo Nhân dân chống khủng bố, tiếp tục đấu tranh. Tháng 10/1930, Phủ ủy lâm thời phủ Hưng Nguyên được thành lập đã tín nhiệm bầu đồng chí Lê Xuân Đào làm Bí thư. Đến tháng 01/1931, đồng chí được điều động làm Trưởng Ban Tài chính Xứ ủy Trung Kỳ.

Vào khoảng giữa năm 1931, các cơ sở Đảng bị địch khủng bố vô cùng dã man. Hầu hết các cán bộ Xứ ủy, Tỉnh ủy đều bị bắt giam hy sinh, công tác tổ chức gặp nhiều khó khăn. Phong trào cách mạng tạm thời lắng xuống. Trước tình hình đó Xứ ủy Trung Kỳ quyết định cử đồng chí Lê Xuân Đào vào Ban chấp hành Tỉnh ủy Nghệ An. Để tránh thiệt hại và bảo toàn lực lượng, Tỉnh ủy Nghệ An chủ trương rút lui vào hoạt động bí mật. Trong hoàn cảnh khó khăn, bị lùng sục nhưng đồng chí Lê Xuân Đào không hề nao núng, đồng chí luôn là chỗ dựa vững chắc cho các đồng chí Tỉnh uỷ.

Ngày 21/3/1932, đồng chí Lê Xuân Đào về xuôi để dự Hội nghị do Xứ ủy triệu tập, họp tại làng Đồng (nay thuộc xã Kim Liên). Đêm 24/3/1932 đồng chí về đến Hưng Nguyên và vào ẩn trong chùa Kẻ Trẹ, ở Đôn Nhượng (nay thuộc xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên) thì không may có kẻ phản bội rình biết rồi báo cho bọn mật thám và Tây đồn. Chúng huy động lính đến vây bọc bắt đồng chí. Biết không thể thoát khỏi, đồng chí Lê Xuân Đào đã rút súng ngắn chống lại. Mặc dù khi bọn địch biết đồng chí đã hết đạn nhưng chúng vẫn sợ, không dám đến bắt nên đã hèn nhát nổ súng giết chết đồng chí. Sự hy sinh của đồng chí Lê Xuân Đào là một tổn thất lớn của Đảng ta, cụ thể là Tỉnh Đảng bộ Nghệ An và Xứ ủy Trung Kỳ.

leftcenterrightdel
Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thị Thơm (áo dài xanh), Chủ tịch UBND huyện Lê Phạm Hùng (ngoài cùng bên phải) cùng đoàn công tác huyện Hưng Nguyên thăm, tặng quà cho bà Lê Thị Liên (con gái út đồng chí Lê Xuân Đào). Ảnh:  Hoa Huệ  

Với 29 tuổi đời và 10 năm hoạt động không mệt mỏi, không khuất phục, đồng chí Lê Xuân Đào đã có nhiều cống hiến cho cách mạng. Đồng chí là tấm gương sáng đã góp phần tổ chức nên cuộc biểu tình 12/9/1930 bất tử trong lịch sử dân tộc và lập nên chính quyền Xô Viết công nông, một hình thức chính quyền sơ khai của giới cần lao ở các nước nông nghiệp thuộc địa là vĩnh viễn trường tồn. Đồng thời, thúc đẩy các đồng chí của mình không chịu lùi bước, quyết vươn lên đấu tranh tới cùng để đưa cách mạng nước nhà đến thành công rực rỡ.

Với người dân Hưng Nguyên, ký ức, niềm tự hào về những tháng ngày sục sôi của người dân mất nước trong cao trào Xô viết mà đỉnh cao là cuộc biểu tình vào ngày 12/9/1930 luôn sống mãi. Cuộc biểu tình lịch sử của hơn 8.000 nông dân làm nên cao trào Xô viết Nghệ -Tĩnh gây chấn động địa cầu.

Gần 93 năm đã trôi qua nhưng các thế hệ người dân trên quê hương Xô Viết anh hùng hôm nay vẫn luôn tự hào và biết ơn cha ông đã làm nên dấu mốc vĩ đại trong lịch sử đấu tranh cách mạng những ngày đầu có Đảng. Ký ức hào hùng đau thương và bài học kinh nghiệm, ý nghĩa lớn lao từ phong trào yêu nước của Nhân dân Hưng Nguyên vẫn mãi còn vẹn nguyên giá trị.

Tự hào quê hương, xã Long Xá phấn đấu đạt nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025

 Xã Long Xá được sáp nhập từ xã Hưng Xá và xã Hưng Long, thuộc huyện Hưng Nguyên, là mảnh đất có bề dày lịch sử truyền thống cách mạng, là điểm khởi đầu của cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Trong thời kỳ đấu tranh chống ách đô hộ của thực dân phong kiến, đã xuất hiện nhiều bậc tiền bối, lão thành cách mạng. Toàn xã có 41 cán bộ lão thành cách mạng, 14 cán bộ tiền khởi nghĩa. Trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, Long Xá luôn là hậu phương vững chắc, đảm bảo “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, biết bao người con của xã đã sẵn sàng xung phong lên đường bảo vệ Tổ quốc và nhiều người đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.

Kết thúc các cuộc chiến tranh, Long Xá có 16 mẹ được công nhận Mẹ Việt Nam Anh hùng, 340 liệt sỹ; trong đó có 76 liệt sỹ hy sinh trong cuộc biểu tình ngày 12/9/1930, trên 266 thương, bệnh binh và nhiễm chất độc hóa học, 2.193 người được tặng thưởng huân, huy chương. Năm 1996, xã Hưng Xá được Chính phủ tặng Bằng khen làng có công với nước; năm 2000 được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, năm 2018 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3 và Hưng Long (cũ) được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 2 và hạng 3.

leftcenterrightdel
Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ và các đoàn thể xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Trang Anh 

Xã Long Xá hiện có diện tích tự nhiên 7,9 km2, dân số 9.431 người, với 2.238 hộ được chia thành 8 xóm. Đảng bộ có 430 đảng viên thuộc 13 chi bộ, trong đó 8 chi bộ nông thôn và 5 chi bộ sự nghiệp. Trên địa bàn xã có 3 di tích lịch sử văn hóa xếp hạng cấp tỉnh là: Đền Xuân Hòa, nhà thờ họ Võ Chi cụ Tú Lang và đền Nghĩa Sơn.

Đến với Long Xá - quê hương của đồng chí Lê Xuân Đào những ngày này, chúng ta thấy một xã nông thôn mới (NTM) tràn đầy sức sống, với hệ thống giao thông liên thôn được nhựa hóa, bê tông hóa, những ngôi nhà kiên cố, nhà cao tầng mọc lên san sát. Hoạt động thương mại - dịch vụ ngày một phát triển đa dạng, phong phú với các loại hình, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày được nâng cao.

“Đồng chí Lê Xuân Đào hy sinh là một tổn thất lớn của Đảng ta, cụ thể là Đảng bộ tỉnh Nghệ An và Xứ ủy Trung kỳ. Nhưng tấm gương sáng của một con người đã góp phần tổ chức nên cuộc biểu tình Thái Lão 12/9/1930 bất tử trong lịch sử dân tộc và tạo lập nên Xô Viết nông dân, một hình thức chính quyền sơ khai của giới cần lao ở các nước nông nghiệp thuộc địa là vĩnh viễn trường tồn. Nó đã thúc đẩy, làm cho các đồng chí của mình không chịu lùi bước, quyết vươn lên đấu tranh tới cùng để đưa cách mạng nước nhà đến thành công rực rỡ” - (Tỉnh ủy Nghệ An).

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Long Xá cho biết: Phát huy truyền thống cách mạng, là quê hương của đồng chí Bí thư Phủ ủy đầu tiên, Đảng bộ và nhân dân Long Xá hôm nay luôn tự hào và đoàn kết, thống nhất chung tay vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, xây dựng quê hương ngày càng phát triển, đạt được nhiều kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực, tạo được nhiều dấu ấn nổi bật.

Đại hội Đảng bộ xã lần thứ I nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định quyết tâm đưa Long Xá trở thành đơn vị có hệ thống chính trị vững mạnh, kinh tế phát triển; chương trình xây dựng NTM nâng cao được Đảng bộ và nhân dân quan tâm thực hiện. Ngay sau Đại hội, nhiều đề án, chương trình hành động được triển khai quyết liệt.

Kết quả sau gần nửa nhiệm kỳ, có nhiều thành tựu nổi bật: Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có bước phát triển vượt bậc, nhiều công trình phục vụ đời sống dân sinh được đầu tư xây dựng, hệ thống đường giao thông được bê tông hóa với tổng chiều dài 28,6km, xây dựng hệ thống giao thông nội đồng, mương tưới, tiêu với tổng trị giá trên 40 tỷ đồng; xây dựng nhà học 3 tầng 21 phòng trường Tiểu học và THCS Long Xá (tại cơ sở 1) và nâng cấp tu sửa, mua sắm cơ sở vật chất dạy học với tổng giá trị 21 tỷ đồng, xây dựng cơ sở vật chất văn hóa gần 9 tỷ đồng. Hai bên các trục đường liên thôn, liên xã là hệ thống bồn hoa cây cảnh tạo nên một diện mạo mới trên địa bàn xã.

leftcenterrightdel
Xã Long Xá đã hoàn thành tiêu chí nông thôn mới nâng cao năm 2022. Ảnh: Đức Mạnh 

Tỷ lệ đường xã được bảo trì hàng năm đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp đạt 100%. 8,5/8,5 km đường xã đoạn qua khu dân cư có rãnh tiêu thoát nước dọc hai bên tuyến đường đạt tỷ lệ 100%, được lắp đầy đủ biển báo, gờ giảm tốc theo quy định. 7,15km đường xã đoạn qua khu dân cư có hệ thống đèn điện chiếu sáng đạt tỷ lệ 100%. 3,1/3,1km đường trục xã có trồng cây bóng mát.

Toàn xã có 100% đường xóm được bê tông hóa; có hệ thống đèn điện chiếu sáng; đường trục thôn, xóm và liên xóm được lắp 138 biển báo giao thông và bố trí 35 gờ giảm tốc tại các nhánh nút giao từ đường trục xóm theo quy định; 100% đường trục chính nội đồng được cứng hóa, đáp ứng yêu cầu sản xuất và vận chuyển hàng hóa.

100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động; có 100% số công trình thủy lợi nội đồng được bảo trì hàng năm; đảm bảo yêu cầu chủ động về phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ..

Xã có 3 trường học trên địa bàn, trong đó có 1 trường đạt Chuẩn Quốc gia Mức độ 2 và 2 trường đạt Chuẩn cơ sở mức độ 1 đạt tỷ lệ 100%. Xã được công nhận đạt Chuẩn xóa mù chữ, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo Bảo tàng Xô viết Nghệ -Tĩnh truyền đạt chuyên đề về thân thế, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Xuân Đào tại Trường THCS Long Xá. Ảnh: Nguyễn Hạnh

Đặc biệt, với quan điểm xây dựng NTM nâng cao là nhằm để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Vì vậy, địa phương luôn ưu tiên phát triển ngành nghề dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp. Tập trung chỉ đạo việc thực hiện Chỉ thị 08-CT/TU của Tỉnh ủy về vận động nhân dân dồn điền, đổi thửa, khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất lớn trong nông nghiệp, xã đã hoàn thành chuyển đổi ruộng đất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây trồng có giá trị thu nhập kinh tế cao vào sản xuất.

leftcenterrightdel
 Đoàn thẩm định, xét công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao tại xã Long Xá. Ảnh: HN

Hiện nay, xã Long Xá đã hoàn thành 100% các chỉ tiêu xây dựng NTM nâng cao theo Quyết định 318 của Thủ tướng Chính phủ và đã được đoàn thẩm định của UBND tỉnh Nghệ An, Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh tổ chức thẩm định để công nhận xã Long Xá đạt xã NTM nâng cao trong năm 2022.

Những thành tựu đã đạt được là tiền đề để Đảng bộ và Nhân dân Long Xá tiếp tục phấn đấu, vươn lên đạt xã NTM kiểu mẫu vào năm 2025 như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đã đề ra. 

leftcenterrightdel
Đời sống vật chất, tinh thần của người dân Long Xá không ngừng được nâng cao. Ảnh: Trang Anh 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Xuân Quế, Bí thư Đảng ủy xã Long Xá phấn khởi: Học tập, noi gương đồng chí Lê Xuân Đào và các bậc tiền bối tiêu biểu của cách mạng Việt Nam, Đảng bộ xã Long Xá tiếp tục quán triệt sâu sắc và kiên trì thực hiện thắng lợi các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Tăng cường công tác tư tưởng, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; nâng cao chất lượng sinh hoạt của các tổ chức Đảng, kịp thời định hướng dư luận, tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân và xã hội.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; cấp ủy, chính quyền đã chú trọng trong việc nâng cao chất lượng gắn với việc tinh giảm bộ máy cán bộ từ xã đến xóm. Đặc biệt là cũng cố, kiện toàn các tổ chức trong hệ thống chính trị sau sáp nhập xã; nêu cao ý chí, khát vọng xây dựng và phát triển quê hương  ngày càng giàu mạnh.

Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng; đề cao, phát huy vai trò trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Kết hợp chặt chẽ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, từ đó nâng cao ý chí tự lực, tự cường, khát vọng cống hiến và sự phát triển của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã nhà.

leftcenterrightdel
Huyện đoàn Hưng Nguyên phối hợp các trường học, các xã tổ chức lễ kết nạp đoàn viên tại "địa chỉ đỏ" - di tích lịch sử cấp tỉnh chùa Kẻ Trẹ, nhân kỷ niệm 120 năm Năm sinh đồng chí Lê Xuân Đào. Ảnh: Nguyễn Ngà

Kỷ niệm 120 năm Năm sinh đồng chí Lê Xuân Đào, những ngày qua, nhiều phong trào thi đua, phần việc thiết thực, ý nghĩa đã và đang được Đảng bộ, quân và dân huyện Hưng Nguyên nói chung, xã Long Xá quê hương ông nói riêng đang thực hiện, tạo nên khí thế sôi nổi, rộng khắp. Tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; phối hợp Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh nói chuyện chuyên đề về thân thế, cuộc đời, hoạt động cách mạng đồng chí Lê Xuân Đào tại một số trường THCS; tổ chức các hoạt động tuyên truyền thông qua các tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền; tổ chức sinh hoạt chuyên đề về thân thế, cuộc đời, hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Xuân Đào tại các chi bộ và các tổ chức chính trị - xã hội. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, xây dựng tin bài, phóng sự trên các báo, đài, tạp chí, trên mạng xã hội. Tổ chức dâng hoa, dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ huyện, chùa Kẻ Trẹ, khu mộ đồng chí Lê Xuân Đào và thăm, tặng quà thân nhân đồng chí Lê Xuân Đào; ra mắt Bản tin nội bộ huyện số đặc biệt...


TRANG ANH