"Cơn bão" Fulro qua hồi ức nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk

Tìm lại ký ức những năm tháng "khói lửa" của chính mình trên mảnh đất Tây Nguyên sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, với nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk Lê Chí Quyết, hơn 20 năm công tác tại tỉnh cũng là từng ấy thời gian cùng chính quyền và Nhân dân trên địa bàn chiến đấu hết mình để dẹp yên thế lực phản động Fulro.

Ông Quyết kể, từ sau năm 1975 - 1992, tại Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội diễn biến hết sức phức tạp. Lợi dụng khó khăn đó, các thế lực thù địch và tổ chức phản động Fulro ráo riết hoạt động, tập hợp lực lượng để phục hồi tổ chức, tìm cách móc nối với các thế lực thù địch bên ngoài tiếp tục chống phá Nhà nước.

Bọn Fulro tổ chức thành nhiều cơ sở nhỏ, xâm nhập hoạt động trên diện rộng để tuyên truyền, lừa bịp, lôi kéo người dân trốn vào rừng và bí mật xây dựng cơ sở tại chỗ để dễ bề hoạt động và khống chế dân làng.

leftcenterrightdel
 Ông Lê Chí Quyết được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương. Ảnh: NG

Ông Quyết nhớ rõ, điểm nóng về hoạt động của Fulro trên địa bàn Đắk Lắk thời gian đó tập trung tại K61 (nay là các huyện Cư M'gar, Ea Súp, Buôn Đôn), huyện Buôn Hồ, Krông Búk.

Được sự giúp đỡ của bọn phản động lưu vong, cùng với các loại vũ khí chiếm được sau chiến tranh, Fulro hoạt động hết sức manh động, chúng liên tục tập kích vào các buôn, làng để cướp bóc, giết hại Nhân dân.

Từ năm 1979 - 1986 là giai đoạn khốc liệt nhất trong cuộc chiến chống tổ chức phản động Fulro. Sợ bộ đội, du kích của ta, ban ngày bọn Fulro chui sâu vào trong rừng hoạt động, nhưng địa bàn nào vắng công an, bộ đội là Fulro xuất hiện, dùng súng tấn công, uy hiếp, cướp lương thực, tài sản của người dân. Ai chống cự, chúng giết hại dã man. Dọc tuyến đường từ thị xã Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, đi tỉnh Gia Lai liên tiếp xảy ra các vụ chặn đánh xe trên đường giao thông, làm nhiều người dân thương vong.

Trước diễn biến phức tạp của Fulro, năm 1977, Ban Bí thư Trung ương đã ra Chỉ thị 04/CT-TW về đẩy mạnh việc giải quyết vấn đề Fulro. Ngay sau đó, tỉnh Đắk Lắk đã thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết vấn đề Fulro (Ban Chỉ đạo 04).

Ông Lê Chí Quyết, khi ấy là Phó Ban Chỉ đạo 04 đã hướng theo mục tiêu "nhổ tận gốc" tổ chức phản động này bằng cách cắt đứt sợi dây ủng hộ của đồng bào trong các buôn làng.

Ban Chỉ đạo 04 phối hợp lực lượng vũ trang, dân quân, du kích tổ chức đấu tranh, truy quét Fulro và giúp đỡ những người dân tộc thiểu số lầm lỗi trở về với gia đình.

Đồng thời, tỉnh đã chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể thành lập đội công tác thường xuyên phát động quần chúng, thực hiện “ba cùng” và liên tục bám địa bàn để vận động, thuyết phục người dân không nghe theo Fulro.

Nhờ vậy, hàng trăm tên Fulro nằm vùng và hàng chục cơ sở ngầm của chúng đã bị dân phát hiện, tố cáo. Không những thế lực lượng của ta cũng kêu gọi nhiều tướng, tá của Fulro ra đầu hàng.

leftcenterrightdel
 Ông Lê Chí Quyết xúc động bên bức ảnh trong lần được gặp Bác Hồ vào năm 1966. Ảnh: NG

Quân dân chung sức một lòng

Từ những quyết sách của Đảng, Nhà nước, trong những năm tháng truy quét Fulro lực lượng công an, quân đội và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã đồng lòng, góp sức đẩy mạnh đấu tranh trên nhiều mặt trận để làm tan rã nhiều nhóm Fulro và đưa họ trở về với cộng đồng.

Là người tham gia hàng trăm chiến dịch và đợt đi truy quét Fulro, trong ký ức của cựu chiến binh Hoàng Ngọc Khởi (SN 1963) ở phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột, từng công tác tại Đại đội Trinh sát, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk, “bóng ma” mang tên Fulro từng là nỗi khiếp sợ của dân ta thời bấy giờ.

Ông Khởi bồi hồi nhớ lại: “Thời điểm đó, Fulro rất nhiều, lại hoạt động phức tạp, ta không biết chúng ẩn nấp ở đâu nên mọi người đều luôn trong tình trạng lo sợ, cảnh giác. Kỷ niệm khó quên nhất trong giai đoạn này là những lúc chúng tôi vượt sông Sêrêpốk để đi truy quét Fulro ở Campuchia. Vào mùa mưa, đặc biệt là các tháng 7, 8, 9, nước sông chảy siết vô cùng. Một buổi sáng tháng 8/1988, tiểu đội của tôi vượt sông bị nước cuốn trôi gần hết, dù đã nỗ lực để cứu nhưng có một đồng đội tên là Y Môn Niê đã vĩnh viễn ở lại xứ người”.

Không chỉ vượt sông sâu, băng rừng nhiều gai góc bằng chính đôi chân mình, những chiến sỹ trong Đại đội Trinh sát của ông Khởi vừa phải đi trinh sát, vừa trực tiếp chiến đấu và dẫn đường cho các tiểu đoàn đi truy quét Fulro. Trải qua quá trình chiến đấu gian khổ, lúc thiếu nước, thiếu ăn, đối mặt bệnh tật và cái chết cận kề nhưng các chiến sỹ lúc ấy vẫn luôn hết mình vì đất nước và sự yên bình của người dân.

Cũng là người trực tiếp cầm súng chiến đấu, ông Đoàn Hồng Bính (SN 1954) quê ở Hải Dương, được Bộ Công an điều động từ Hà Nội tăng cường vào Đắk Lắk làm nhiệm vụ truy quét Fulro từ đầu năm 1977.

Ông công tác tại Tiểu đoàn 177, Công an tỉnh Đắk Lắk và đóng quân tại Km 47 thuộc xã Ea Phê, huyện Krông Pắc. Đơn vị ông thường đến tận sào huyệt của Fulro để tấn công tiêu diệt, đồng thời cũng vào các buôn để nằm vùng.

Ông Bính kể: “Thời đó không kể là chiến sỹ, cán bộ hay người dân cũng đều là một “mắt xích” quan trọng trong cuộc chiến chống Fulro. Chỉ cần nghe tin Fulro tấn công ở địa điểm nào là các lực lượng nhanh chóng ập đến bao vây truy quét. Đêm về, cán bộ, chiến sỹ lại tới các buôn đồng bào dân tộc thiểu số để theo dõi, bắt các đối tượng dụ dỗ người trong buôn hoặc những người theo Fulro về thăm gia đình.”

Mặc dù điều kiện sinh hoạt và công tác khó khăn, thiếu thốn trăm bề, nhưng nhờ tinh thần kiên quyết đấu tranh của các lực lượng, ta đã đạt được nhiều thành quả quan trọng. Qua các đợt tấn công liên tiếp từ năm 1979 đến năm 1986, tổ chức Fulro bị tiêu diệt và tan rã, nội bộ của chúng bị phân hóa, nhiều tên đã ra đầu thú, góp phần quan trọng tiến tới giải quyết dứt điểm vấn đề Fulro trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk thời gian sau đó.

Trong giai đoạn từ 1986 đến 1992, hoạt động của Fulro ở Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung ngày càng suy yếu, không gây ra các hoạt động đánh phá, khống chế dân như những năm trước.

Đến tháng 12/1992, Fulro buộc phải đầu hàng UNTAC (cơ quan quyền lực lâm thời của Liên hiệp quốc tại Campuchia), chấm dứt 17 năm hoạt động chống phá cách mạng của Fulro.

Ngọc Giàu