Ngày 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115 của Quốc hội về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội.

Hà Nội quản lý tốt thu phí dừng, đỗ ô tô thì nguồn lực không phải là ít

Nghị quyết 115 cho phép TP được áp dụng một số khoản thu phí phù hợp với đặc điểm của Hà Nội để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và chi hoạt động kinh tế, khoa học, công nghệ, giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội.

Cụ thể, Hà Nội được phép: (1) Ban hành mới phí chưa được quy định trong danh mục. (2) Điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với loại trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và Lệ phí, trừ các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách Trung ương hưởng 100%.

Theo báo cáo của Chính phủ, sau 3 năm, bên cạnh ban hành nghị quyết sửa đổi mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, Hà Nội đã xây dựng Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”.

UBND TP Hà Nội đã 2 lần cho ý kiến và đang hoàn thiện đề án để trình HĐND TP vào thời điểm phù hợp.

Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói, nếu như Hà Nội quản lý tốt chi phí thu phí dừng, đỗ ô tô thì nguồn lực không phải là ít.

Theo Chủ tịch Quốc hội, thực tế người dân, doanh nghiệp vẫn phải trả phí dừng, đỗ ô tô ở mức cao cho tư nhân. Trong khi, khoản tiền thu phí dừng, đỗ ô tô không được tập trung vào như khoản thu của Nhà nước để quay lại đầu tư phục vụ cho hạ tầng.

Do đó, ông Vương Đình Huệ cho rằng, nếu TP tăng cường quản lý tốt sẽ giữ được mức phí, giá, thậm chí còn có thể giảm thấp hơn. “Hơn thế là động viên được nguồn thu đó vào ngân sách TP để quay trở lại đầu tư vào kết cấu hạ tầng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đề nghị quy định mỗi xe ô tô nên định danh cá nhân

Giải trình sau đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói, từ khi về Hà Nội nhận nhiệm vụ, cá nhân ông cảm nhận thấy tâm tư tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân “rất hồi hởi, phấn khởi” đón nhận nghị quyết này.

Với vấn đề thu phí, ông Thanh khẳng định đây là vấn đề “rất trăn trở và đã làm rồi, chỉ đạo rồi”, nhưng do trục trặc kỹ thuật, đặc biệt là dịch COVID nên phải lùi lại.

Chủ tịch Hà Nội nêu quan điểm, khi đang xây dựng mã số định danh cá nhân thì xem xét ở cấp độ nào đó, có thể trong luật quy định mỗi xe ô tô nên định danh cá nhân xe đấy.

“Như vậy, mỗi xe phải có một thẻ và có số dư. Tôi nghe một số nơi nói, bây giờ dân nghèo lắm, làm gì có tiền để số dư trong tài khoản để đi quẹt phí. Tôi bảo nghèo thì nghèo, tiền đi vay được, tức là anh đủ nhận thức về pháp luật. Tại sao cứ lấy chuyện nghèo ra để không thực hiện các nghĩa vụ?”, ông Thanh nói.

Chủ tịch Hà Nội cho rằng, khi có thẻ, có tài khoản sẽ làm rất nhiều việc, kể cả việc thu phí vào thời kỳ cao điểm vào nội đô cũng rất đơn giản. Còn giờ đi qua phải chặn lại để thu phí, dán tem, dán thẻ là bất khả thi.

“Giờ chỉ còn một việc duy nhất là luật pháp yêu cầu mỗi xe ô tô phải có thẻ và tài khoản có số dư thì tôi khẳng định cả nước làm được rất nhiều việc chứ không phải chỉ có chuyện thu phí”, ông Trần Sỹ Thanh đề nghị Quốc hội quan tâm thêm.

Hương Giang