TP Thanh Hóa năng động và hấp dẫn

TP Thanh Hóa là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, đã có từ cách đây hơn 4.000 năm, gắn liền với sự hình thành và phát triển của người Việt Cổ với những thành tựu rực rỡ của nền văn hóa Đông Sơn, một trong bốn nền văn hóa lớn của thời kỳ đồ đồng, được chọn là "lỵ sở" trung tâm của tỉnh Thanh Hóa ngày nay qua nhiều thời kỳ lịch sử.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, TP Thanh Hóa luôn giữ vai trò trọng yếu về chính trị, quân sự, kinh tế, đóng góp nhiều sức người, sức của cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ, quân và dân thành phố đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước, lập nên nhiều chiến công vang dội, đỉnh cao là chiến thắng Hàm Rồng, bảo vệ vững chắc cầu Hàm Rồng huyết mạch giao thông nối liền Nam Bắc, góp phần cùng với quân và dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

TP Thanh Hóa thành lập năm 1994 trên cơ sở thị xã Thanh Hóa, là đô thị tỉnh lỵ, trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh Thanh Hóa. Cách Thủ đô Hà Nội 150km về phía Nam, có vị trí địa lý thuận lợi, Quốc lộ 1, Quốc lộ 45, Quốc lộ 47, đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường sắt và đường sắt cao tốc (quy hoạch) Bắc - Nam chạy qua và cảng Lễ Môn ở phía Đông, TP Thanh Hóa là cầu nối quan trọng giữa Bắc bộ với Trung bộ, đầu mối giao thương với tất cả các tỉnh trong nước; là đô thị có vị trí, vai trò quan trọng về an ninh quốc phòng của tỉnh và của quốc gia.

Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương và của tỉnh, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân TP Thanh Hóa đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo ra sự phát triển nhanh và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, đời sống xã hội, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững, được công nhận là đô thị loại I năm 2014, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019.

leftcenterrightdel
 Hạ tầng cơ sở ở TP Thanh Hóa được đầu tư bài bản, xứng tầm đô thị loại I. Ảnh: VT

Đến nay, TP Thanh Hóa được đánh giá là một trong những thành phố hấp dẫn, năng động nhất khu vực Bắc Trung bộ và Nam đồng bằng sông Hồng, cùng với TP Vinh, tỉnh Nghệ An và TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong ba đô thị có quy mô dân số, diện tích lớn nhất vùng Bắc Trung bộ.

Cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, công tác phát triển đô thị trên địa bàn TP Thanh Hóa cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. TP Thanh Hóa đã hoàn thành quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000; trình, phê duyệt 51 mặt bằng quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500 tổng diện tích hơn 237ha với nhiều quy hoạch chi tiết trọng điểm như: Khu đô thị Hồ Thành, khu đô thị mới Long Anh - Hoằng Quang, khu vực Hàm Rồng - Núi Đọ... Đồng thời với công tác lập quy hoạch, nhiều công trình lớn cũng đã được đầu tư xây dựng với phong cách kiến trúc hiện đại, làm thay đổi diện mạo đô thị của thành phố như: Trung tâm Thương mại Vincom Plaza, các shophouse khu dân cư phường Điện Biên, khu đô thị Vinhome Star City, Eurowindow Garden, khu đô thị Núi Long, Trung tâm Hành chính thành phố.

Bên cạnh đó, TP Thanh Hóa đã tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối các khu đô thị, kết nối nội thành với ngoại thành, cũng như các vùng kinh tế trọng điểm trong và ngoài tỉnh; đặc biệt trong giai đoạn vừa qua đã đưa vào sử dụng đường vành đai phía Tây, đường vành đai Đông - Tây, đường Voi - Sầm Sơn, nâng cấp Quốc lộ 1A, Quốc lộ 47 đoạn qua thành phố, tuyến đường vành đai phía Tây; đầu tư, nâng cấp 154km đường giao thông nội thị, 239 km cống, rãnh tiêu thoát nước, hạ ngầm 81km đường điện chiếu sáng, 148km cáp viễn thông, lắp đặt 165 trạm biến áp và 119,5km đường dây điện; xây dựng hệ thống cấp nước sạch sinh hoạt cho 4 phường Quảng Đông, Quảng Cát, Thiệu Dương, Thiệu Khánh và xã Thiệu Vân.

Cụ thể hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị

Bên cạnh kết quả đã đạt được, sau hơn 15 năm thực hiện quy hoạch chung xây dựng TP Thanh Hoá đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; quá trình điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính, xây dựng và phát triển thành phố đã bộc lộ những bất cập, hạn chế như tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; năng lực cạnh tranh chưa cao, cơ cấu kinh tế và cơ chuyển dịch chậm, chất lượng các dịch vụ còn thấp; công nghiệp phát triển chưa mạnh, chưa thu hút được các doanh nghiệp lớn có giá trị gia tăng cao; thiếu các khu công nghiệp quy mô lớn; sản xuất nông nghiệp còn manh mún; quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, sức cạnh tranh thấp; huy động nguồn lực xã hội hóa cho phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giáo dục đào tạo… còn nhiều hạn chế.

Kết nối hạ tầng giữa khu vực nội thành và ngoại thành, khu đô thị mới với khu đô thị cũ còn hạn chế, chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng và theo kịp yêu cầu phát triển đô thị, đã xuất hiện các hiện tượng do quá tải đô thị như úng ngập cục bộ, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường; một số quy hoạch còn hạn chế, chưa có tầm nhìn, không khả thi; mỹ quan đô thị chưa đảm bảo, còn xảy ra xây dựng sai phép, không phép, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè…

leftcenterrightdel
Đại lộ Lê Lợi, TP Thanh Hóa. Ảnh: VT 

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa khóa XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 25/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định TP Thanh Hóa là một trong bốn trung tâm kinh tế động lực của tỉnh (tứ sơn) với chức năng phát triển dịch vụ đa ngành, đa lĩnh vực, chú trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, du lịch văn hóa; phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đến nay, thành phố đã thực hiện khá rõ chức năng trung tâm tỉnh lỵ, là đầu mối tổng hợp của tỉnh trong hầu hết các lĩnh vực. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vai trò trung tâm cấp vùng của thành phố còn khá hạn chế, chưa có nhiều yếu tố vượt trội như du lịch, dịch vụ cao cấp, cung cấp nhân lực trình độ cao, các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn hướng tới xuất khẩu…

Đồng thời, hiện nay đã xuất hiện nhiều yếu tố mới mang tính động lực phát triển cho thành phố như tuyến đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc là cơ sở để tính toán mở rộng không gian phát triển đô thị, gắn với nút giao đường bộ cao tốc để thành phố liên kết với tuyến đường huyết mạch mới của quốc gia, đẩy mạnh liên kết với vùng miền núi phía Tây, tạo ảnh hưởng và làm động lực cho phát triển của các vùng, miền trong tỉnh Thanh Hóa.

Ngày 5/8/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định TP Thanh Hoá là một trong ba cực tăng trưởng của vùng đồng bằng và trung du (là vùng đóng vai trò trung tâm) của tỉnh, làm trọng điểm tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ, TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

Cụ thể hóa nghị quyết của Bộ Chính trị, quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040 có phạm vi gồm toàn bộ địa giới hành chính TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn với mục tiêu xây dựng, phát triển TP Thanh Hóa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, dịch vụ, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, thể dục thể thao của vùng Nam Bắc bộ và Bắc Trung bộ; đô thị chuyển tiếp giữa vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, là khu vực định cư trung tâm đồng bằng Thanh Hóa, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và quốc gia; định hướng trở thành "thành phố hội tụ, kết nối phát triển", trung tâm liên kết vùng Bắc Trung bộ với Đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc nước ta và Đông Bắc nước Lào. Do đó, việc sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa phù hợp với văn hóa, lịch sử địa phương, là xu thế tất yếu, đáp ứng yêu cầu quản lý đối với quá trình đô thị hóa, tinh gọn đầu mối tổ chức đơn vị hành chính.

Bài 2: Những dấu ấn của huyện Đông Sơn trước khi sáp nhập về TP Thanh Hóa

Văn Thanh