Nguyên liệu dễ mua, điều chế đơn giản

Khác với những chất ma túy gây nghiện như thuốc phiện, heroin, morphine… ma túy đá là một loại ma túy tổng hợp (methamphetamine) được sản xuất trên cơ sở các hợp chất hóa học, thành phần chính của nó là tiền chất pseudoephedrine (PSE) có trong thuốc cảm vẫn bày bán tại các hiệu thuốc.

Do được tổng hợp từ các hợp chất hóa học, ma túy đá đang thịnh hành trong giới dân chơi bởi khả năng gây ảo giác cực mạnh khi sử dụng.

Lợi nhuận từ loại ma túy này siêu cao, cách thức điều chế không khó có thể mở xưởng sản xuất ngay tại nhà riêng, nguyên liệu mua bán tự do trên thị trường thuốc tân dược. Vì vậy, những năm gần đây lực lượng công an liên tục triệt phá các ổ nhóm, bắt giữ được nhiều đối tượng sản xuất loại “thần dược” chết người này.


G
ần đây, vào ngày 30/3/2012, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47), Bộ Công an đã triệt phá một xưởng điều chế ma túy tại số nhà 113 -114B3 (Quang Trung, TP Vinh, Nghệ An), bắt giữ 4 đối tượng Lê Thanh Hải, Tăng Thị Lam Phương, bố mẹ đẻ của Hải là Lê Thanh Minh, 72 tuổi và Trần Thị Nga, 72 tuổi.

Lực lượng chức năng thu giữ 1.200 gam ma túy dạng đá do Hải và đồng bọn vừa điều chế xong, 8 can nhựa loại 20 lít đựng các nguyên liệu bán thành phẩm của ma túy đá, 23 can nhựa (loại 10 lít và 20 lít) đựng các loại dung dịch dùng để điều chế ma túy, 18 lọ thủy tinh đựng dung dịch Toluen, 18 lọ nhựa dán nhãn hiệu dung dịch NAOH cùng các dụng cụ, phương tiện dùng để sản xuất ma túy đá như phễu, bầu lọc, bếp điện…
 


Nơi điều chế ma túy đá của gia đình Lê Thanh Hải


Trước đó, ngày 3/6/2011, Công an tỉnh Yên Bái đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Thị Lan (SN 1967, trú tại thôn Hợp Thành, xã Tuy Lộc, TP Yên Bái) thu giữ tang vật là một chai nhựa 0,5 lít có chứa dung dịch màu vàng nâu, nhiều giấy tờ ghi các công thức hóa học điều chế ma túy đá.

Tại cơ quan điều tra, Lan khai dung dịch có màu vàng nâu trong chai nhựa 0,5 lít là do thị điều chế từ thuốc tân dược TIFFY với một số hóa chất khác nhau tại nhà chị gái. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khám xét khẩn cấp và thu giữ tại nhà chị gái Lan trên 80 hộp thuốc và 1.600 viên thuốc tân dược hiệu TIFY cùng nhiều dụng cụ, hóa chất.


Hay như, Cục C47 - Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá điểm sản xuất ma túy tổng hợp tại xã Thọ Dân, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa do vợ chồng Lê Sỹ Thiệu và Lê Thị Thanh cầm đầu.

Hoạt động của nhóm tội phạm này rất tinh vi. Chúng thuê một cửa hàng ở phố Trần Hưng Đạo, TP Ninh Bình để làm thẩm mỹ viện, thực chất đây chỉ là địa điểm để vợ chồng Thiệu - Thanh mua gom các loại tân dược chứa tiền chất PSE rồi chuyển về Thanh Hóa để điều chế thành ma túy tổng hợp. Khám xét xưởng điều chế này, cơ quan công an đã thu giữ được 40 gam ma túy tổng hợp thành phẩm dạng metamphetamine kết tủa, hơn 90 kg thuốc chuyên điều trị cảm cúm TIFFY đã được bóc rời và 9 thùng thuốc TIFFY nguyên đai nguyên kiện cùng nhiều dụng cụ như máy rung, bếp đun, ống thủy tinh, tờ giấy ghi công thức chiết xuất phục vụ cho hoạt động điều chế.
 


Ma túy đá điều chế thành công từ tiền chất PSE

Những vụ án nêu trên cho thấy tội phạm mua túy đã qua thời vận chuyển ma túy vào Việt Nam hay mua gom tân dược có chứa tiền chất ma túy ở trong nước rồi nghiền ra thành bột mịn để gửi sang nước ngoài, chiết xuất thành ma túy tổng hợp. Mà những kẻ buôn thứ hàng quốc cấm này đã liều lĩnh tự tay tổng hợp ma túy  tại chỗ để thu siêu lợi nhuận. 


Theo tính toán của Ủy ban Kiểm soát ma túy quốc tế (INCB), 1 kg (1000 gam) nguyên liệu tiền chất PSE có thể tổng hợp được 600 gam chất ma túy đá. Mỗi kg metamphetamine giá khoảng 353.846 USD. Tại Việt Nam, các đối tượng chỉ cần bỏ ra 2 triệu đồng mua thuốc cảm cúm có tiền chất PSE là có thể sản xuất được lượng ma túy tổng hợp giá trị khoảng 25 triệu đồng.


Bịt kẽ hở pháp luật về tiền chất PSE


Nhận thấy mặt trái không lường của tiền chất PSE là ma túy, Bộ Y tế đã có thông báo tới các đơn vị sản xuất, nhập khẩu thuốc nêu rõ cần phải lưu ý phân tích việc duyệt dự trù nguyên liệu PSE và yêu cầu Cục Quản lý Dược tạm ngừng việc cấp phép nhập khẩu tiền chất PSE cho đến khi có chỉ đạo mới; tạm dừng không cho phân phối thuốc cảm có chứa PSE các dạng đóng gói 500 - 1.000 viên/lọ; từng bước thay thế tiền chất PSE bằng hoạt chất khác trong các công thức sản xuất thuốc cảm theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.

 

Bên cạnh sự việc thắt chặt quản lý tiền chất PSE của Bộ Y tế, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao thời gian qua cũng tập trung lập chuyên án đấu tranh với loại tội phạm nguy hiểm này. Trao đổi với báo chí, ông Trần Đức Phong - Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy (Vụ 1C), Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho biết, theo quy định thuốc chữa bệnh có chứa tiền chất ma túy với tỉ lệ rất thấp vẫn được phép lưu hành, còn nếu có hàm lượng lớn thì cơ quan chức năng đã có những biện pháp quản lý theo chế độ đặc biệt. Hơn nữa, nếu kinh doanh sử dụng thuốc sai quy định thì trong luật đã có điều chỉnh bằng tội vi phạm chế độ quản lý sử dụng thuốc gây nghiện theo Điều 201 Bộ luật Hình sự.

 

Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay có một số loại thuốc có chứa tiền chất ma túy dưới ngưỡng bị quản chế như thuốc ho, thuốc giảm đau... Bản thân ngành Y tế đã có quy định các hiệu thuốc chỉ được bán các loại thuốc này với số lượng không vượt quá 15 ngày cho một người sử dụng, nhưng vì lợi nhuận mà nhiều nhà thuốc vẫn vi phạm.

  

“Ngoài góc độ quản lý Nhà nước, ngành Y tế phải tăng cường quản lý sát sao hơn đối với những loại thuốc này. Ngành Y tế phải xem đây là một hàng hóa đặc biệt, cần phải sử dụng ý chí của nhà nước để có các biện pháp chế tài cụ thể như thanh tra, kiểm tra đột xuất. Mặt khác, trong thời gian sắp tới Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao sẽ sớm có kiến nghị với các cơ quan chức năng nhằm tăng cường các biện pháp quản lý đối với các loại thuốc tân dược có chứa tiền chất ma túy, hạn chế tối đa việc lợi dụng kẽ hở của pháp luật để phạm pháp” - ông Phong cho biết. 

Q. Đông