Hàng năm, có rất nhiều thanh niên bước vào tuổi lao động nên công tác hỗ trợ khởi nghiệp, tạo việc làm cho thanh niên luôn được Nhà nước quan tâm, dành nhiều chính sách ưu đãi, trong đó có chính sách ưu đãi về vay vốn của NHCSXH.

Đơn cử tại Ninh Bình, Đề án "Hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp và phát triển sản xuất, kinh doanh cho thanh niên trên địa bàn tỉnh Ninh Bình" đã giúp nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh được vay vốn ưu đãi, đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả.

Các mô hình đã mang lại nguồn thu nhập ổn định, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp lập thân, lập nghiệp ngày càng sâu rộng trong đoàn viên thanh niên, như: Trường hợp của anh Phạm Phú Quý ở thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, chuyên kinh doanh, sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu như giỏ, khay, đồ trang trí... từ nguyên liệu cói và bèo bồng, đã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của đề án. Vay 200 triệu đồng cùng vốn tự có đã giúp anh Quý đầu tư mở rộng nhà xưởng, kho chứa hàng và mua mới máy sấy khô thành phẩm.

Đặc biệt, nguồn vốn này đã giúp xưởng sản xuất của anh từng bước khôi phục do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, dần dần khắc phục khó khăn, thích ứng nhanh với tình hình mới, đưa hoạt động sản xuất ổn định; tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người và hàng nghìn lao động thời vụ.

Đại diện NHCSXH - Chi nhánh Ninh Bình cho biết, thực hiện Đề án "Hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp và phát triển sản xuất, kinh doanh cho thanh niên trên địa bàn tỉnh Ninh Bình", những năm qua, NHCSXH phối hợp với Tỉnh đoàn đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai chương trình tới tất cả các đoàn viên, thanh niên đang có nhu cầu vay vốn trên địa bàn tỉnh.

Tính đến hết tháng 9/2021, dư nợ cho vay theo đề án đạt 19.775 triệu đồng với 3.311 cá nhân thanh niên, tổ chức do thanh niên làm chủ được vay vốn. Các dự án của thanh niên được vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả.

Như vậy, nguồn vốn chính sách của tỉnh đã hỗ trợ thiết thực cho các mô hình thanh niên khởi nghiệp thành công, tạo hiệu ứng lan tỏa, thu hút và tạo việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi tại khu vực nông thôn.

Nhằm tiếp tục khẳng định vai trò là điểm tựa cho thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp, thời gian tới, NHCSXH tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi theo đề án tới các đoàn viên, thanh niên trong tỉnh. Đồng thời, phối hợp với Tỉnh đoàn tập huấn cho cán bộ đoàn ở cơ sở, các tổ tiết kiệm và vay vốn sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ủy thác, giúp thanh niên được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để có điều kiện học tập, phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng quê hương.

Tương tự, tại Hà Nội, nhiều thanh niên cũng đã sử dụng nguồn vốn ưu đãi để vượt lên làm giàu, ổn định cuộc sống, như anh Nguyễn Quang Hinh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã trải qua một hành trình đầy khó khăn, từ hộ gia đình nghèo đến việc tự mở cửa hàng kinh doanh thành công. Nhờ vào nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay từ 10 triệu đồng, 20 triệu đồng rồi lên 50 triệu đồng và hiện giờ đang vay 70 triệu đồng, anh Hinh đã mua máy móc và nguyên liệu cần thiết để sản xuất khăn mặt. Sự năng động và sáng tạo của anh không chỉ tạo ra việc làm ổn định cho gia đình mình mà còn mang lại lợi ích cho cộng đồng, khi sản phẩm của anh được tiêu thụ cả trong và ngoài khu vực.

Bí thư Đoàn Thanh niên phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Ngô Thị Nhàn cho biết, càng ngày càng nhiều thanh niên phát triển kinh tế, làm giàu trên chính quê hương mình nhờ vay vốn NHCSXH. 

Đoàn Thanh niên phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm đã ký hợp đồng ủy thác với NHCSXH để quản lý các tổ tiết kiệm và vay vốn, từ đó hỗ trợ cho nhiều thanh niên trẻ trong khu vực có cơ hội tiếp cận nguồn vốn với điều kiện ưu đãi.

Các dự án kinh doanh từ các đoàn viên đã tạo ra sự đa dạng và sức sống mới cho nền kinh tế địa phương, từ nghề truyền thống đến các ngành nghề hiện đại như tạp hóa, quần áo, mỹ phẩm.

Theo ông Đặng Đức Hạnh, Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội, tổng dư nợ các chương trình tín dụng của chi nhánh đã đạt gần 14.650 tỷ đồng, phục vụ gần 267.000 khách hàng vay vốn. Trong số này, có khoảng 10% là thanh niên, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của ngân hàng đối với nhóm đối tượng này.

Các chương trình tín dụng mà NHCSXH thành phố Hà Nội triển khai không chỉ hướng đến mục tiêu đào tạo nghề, phát triển sản xuất mà còn nhấn mạnh vào việc tạo sinh kế và tạo việc làm cho thanh niên. Các chương trình lớn như tín dụng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cũng như các chương trình về việc làm và hỗ trợ đối với vùng khó khăn đều được triển khai mạnh mẽ.

Phó Giám đốc Đặng Đức Hạnh chia sẻ, đa số khách hàng thanh niên tham gia chương trình đều có kiến thức kinh doanh, năng động và sử dụng vốn rất hiệu quả, đúng mục đích. Nguồn vốn tín dụng chính sách thực sự là điểm tựa cho thanh niên lập thân, lập nghiệp trong thời đại mới. Đặc biệt, nguồn vốn từ chương trình cho vay tạo việc làm đã giúp nhiều thanh niên tạo ra cơ hội việc làm cho cả gia đình và thuê thêm lao động trên địa bàn.

Tuy nhiên, mặc dù nguồn lực tín dụng chính sách đã giúp tạo việc làm cho nhiều thanh niên, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế và khó khăn. Một trong số đó là việc nhu cầu về nguồn lực vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của thanh niên và các đối tượng chính sách khác.

Ngoài ra, hiệu quả thực hiện tín dụng chính sách vẫn chưa cao, với một số thanh niên khởi nghiệp chưa qua đào tạo nghề, gặp khó khăn trong việc thúc đẩy sản xuất và kinh doanh.

Nhằm giải quyết những thách thức này, chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi tới cộng đồng thanh niên. Đồng thời, sẽ phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức đoàn thể để tập huấn cán bộ, hướng dẫn các tổ tiết kiệm và vay vốn sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ủy thác.

Thái Hải