Sinh thời Bác Hồ có 4 lần về thăm Thanh Hóa, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh rất vinh dự và tự hào. Lần nào về thăm, Bác cũng đều thể hiện tình cảm sâu nặng, yêu thương đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa. Đặc biệt, năm 1961 lần thứ 4 về thăm, Bác nói chuyện với cán bộ, lực lượng vũ trang và đại diện các tầng lớp Nhân dân Thanh Hóa tại sân vận động tỉnh, Người căn dặn: “…Ra sức phát triển và củng cố tốt Đảng và Đoàn; đoàn kết toàn dân. Làm được như thế thì Thanh Hoá chắc sẽ trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc. Làm được như thế tức là tỉnh ta góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và làm nền tảng vững chắc cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà”.

Đáp lại lời dạy sâu sắc của Người, Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa luôn đoàn kết một lòng trong công cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc cũng như xây dựng đất nước. Thanh Hóa luôn là hậu phương vững chắc, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, cùng quân và dân cả nước làm nên một Điện Biên lịch sử “Lừng lấy năm châu, chấn động địa cầu” và Đại thắng mùa Xuân năm 1975 rực rỡ, huy hoàng.

Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới đất nước, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII, XIII các nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, XVIII, XIX Thanh Hóa đã nêu cao tinh thần đoàn kết phát huy cao độ nội lực, khơi dậy tiềm năng, lợi thế, tranh thủ thu hút đầu tư từ bên ngoài, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng cao. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2011 - 2020 đạt 10,3%/năm. Quy mô GRDP của Thanh Hóa đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh Bắc Trung bộ.

Năm 2021 (năm đầu tiên) thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực. Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát hiệu quả. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,85%, trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch và tăng cao so với cùng kỳ, như: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 16,93%; giá trị xuất khẩu đạt 5,43 tỷ USD; thu ngân sách nhà nước đạt trên 39.630 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay; huy động vốn đầu tư phát triển đạt 137.630 tỷ đồng, tăng 2,5%. Cùng với phát triển kinh tế, các hoạt động văn hóa – xã hội, nhất là chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao tiếp tục nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đổi mới và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Năm 2022, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, song với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa đạt được kết quả rất tích cực trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) nằm trong nhóm 7 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Tổng sản lượng lương thực ước đạt 1,585 triệu tấn, công nghiệp, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2022 ước tăng 16,31% so với cùng kỳ; Ngành dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 172.209 tỷ đồng. Xuất, nhập khẩu duy trì đà tăng trưởng cao; giá trị xuất khẩu ước đạt 5.518,4 triệu USD, tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa ước đạt 9.272,8 triệu USD. Tổng lượng khách du lịch năm 2022 ước đạt 11,01 triệu lượt. Tổng thu NSNN ước đạt 48.820 tỷ đồng, đạt cao nhất từ trước đến nay.

Công tác cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương được quan tâm. Các chỉ số về cải cách hành chính của tỉnh được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn và trước hạn.

Chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục được nâng lên; giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao đạt kết quả tại các kỳ thi và các giải thi đấu; các chính sách sinh xã hội và cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đã tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Thanh Hóa năm 2022. Tai nạn giao thông chuyển biến tích cực, giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ.

Năm 2023, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hóa trong đó có một số chỉ tiêu chủ yếu như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11,0% trở lên, trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,0% trở lên; công nghiệp - xây dựng tăng 14,2% trở lên (công nghiệp tăng 15,3% trở lên; xây dựng tăng 11,9% trở lên); dịch vụ tăng 9,6% trở lên; thuế sản phẩm tăng 9,8% trở lên. Cơ cấu các ngành kinh tế: Nông, lâm, thủy sản chiếm 14,4%; công nghiệp - xây dựng chiếm 49,0%; dịch vụ chiếm 29,8%; thuế sản phẩm chiếm 6,8%. GRDP bình quân đầu người đạt 3.150 USD trở lên...

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đang bước vào giai đoạn phát triển mới với khát vọng lớn lao: “Phấn đấu đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại” như Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã xác định.

Chắc chắn, với tinh thần đoàn kết nhất trí cao Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Thanh Hóa sẽ vượt qua mọi khó khăn thách thức hoàn thành xuất sắc các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.

Trần Lê