Ngày 20/3, đoàn khảo sát của Ban Tuyên giáo Trung ương về kết quả 10 năm triển khai thực hiện Kết luận số 100-KL/TW của Ban Bí thư (Khóa XI) "về việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội” đã làm việc với Ủy ban Trung ương (UBTƯ) Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam nhằm nắm bắt kết quả triển khai của MTTQ Việt Nam trong 10 năm qua.

Tại cuộc làm việc, các đại biểu tham dự đã thảo luận và đề xuất giải pháp để tiếp tục kịp thời nắm bắt, phản ánh dư luận xã hội, ý kiến, kiến nghị của Nhân dân theo định kỳ hoặc đột xuất trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và những vụ việc nổi cộm, bức xúc mà dư luận xã hội quan tâm…

Kết quả 10 năm thực hiện Kết luận số 100-KL/TW, ở Trung ương, tỉnh, huyện và cơ sở, hệ thống Mặt trận các cấp đã thực hiện nghiêm túc công tác nắm bắt, tổng hợp tình hình Nhân dân và dư luận xã hội.

Tháng 11/2021, hệ thống "Trang cộng đồng" (Fanpage Facebook) của Mặt trận các cấp được thành lập, quản lý, vận hành trang Fanpage.

Tính đến nay, có 63 tỉnh, thành phố đã xây dựng, vận hành trang cấp tỉnh; trên 80% đơn vị thành lập Fanpage Mặt trận cấp quận, huyện; 70,2% đơn vị thành lập Fanpage Mặt trận cấp xã, phường, thị trấn.

Mặt trận các tỉnh, thành phố đều đã áp dụng công nghệ số trong công tác tuyên truyền, nắm tình hình dư luận xã hội trong hệ thống MTTQ như: Mạng zalo, trang thông tin điện tử, trang Fanpage MTTQ Việt Nam, cổng thông tin điện tử địa phương.

Đối với những vấn đề, sự kiện lớn của đất nước, cần có điều tra về dư luận xã hội thì kết hợp với các đơn vị chuyên sâu thực hiện để lấy kết quả làm một kênh thông tin.

Làm sao để "nói có sách, mách có chứng"

Theo Phó Chủ tịch ƯBTƯ MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu, từ việc triển khai nội dung Kết luận số 100-KL/TW của Ban Bí thư "về việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội”, MTTQ Việt Nam nhận thức rõ vai trò, nhiệm vụ đối với công tác nắm bắt kịp thời thông tin.

"Trong thời gian tới, việc quán triệt và triển khai thực hiện Kết luận số 100-KL/TW cần được cụ thể hóa hơn nữa trong hệ thống MTTQ Việt Nam", bà Châu cho biết.

Bà Châu đề nghị cần tiếp tục tăng cường phối hợp thông tin dư luận xã hội, định kỳ tổ chức giao ban công tác thông tin dư luận xã hội trong hệ thống Mặt trận để vừa tập hợp ý kiến, làm sao để mọi thông tin phản ánh tới Mặt trận đều được "nói có sách, mách có chứng".

Cần phân tích làm rõ những hạn chế, tồn tại

Tại cuộc làm việc, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đánh giá việc triển khai Kết luận số 100-KL/TW, MTTQ Việt Nam đã chủ động xây dựng Đề án 01/ĐA-MTTW-BTT, ngày 05/05/2015 "về việc đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của MTTQ Việt Nam”, trong đó đã đề ra các giải pháp thu thập ý kiến nguyện vọng của Nhân dân từ Trung ương đến cơ sở là rất kịp thời.

Trong 10 năm qua, MTTQ Việt Nam đã tổng hợp và ban hành 36 báo cáo định kỳ. Cùng với nguồn thông tin từ đoàn đại biểu Quốc hội, Ban Dân nguyện của Quốc hội, Ban Thường trực, MTTQ Việt Nam xây dựng 18 báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân tại các kỳ họp Quốc hội các khóa XIII, XIV, XV.

MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố và cơ sở đã xây dựng hàng ngàn báo cáo tổng hợp tình hình Nhân dân và dư luận xã hội gửi cấp ủy và chính quyền, các ngành, các cấp liên quan để phản ánh và đề nghị giải quyết những đề xuất, kiến nghị.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, cuộc khảo sát này là tài liệu rất quan trọng, làm cơ sở cho báo cáo tổng kết của Trung ương.

Ông cũng đề nghị, MTTQ Việt Nam bên cạnh việc phân tích làm rõ những kết quả đạt được, cần phân tích làm rõ những hạn chế, tồn tại từ đó đề ra những giải pháp để tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội thông qua thực tiễn cuộc sống, tâm tư, tình cảm của cán bộ đảng viên và Nhân dân.

Ông Thủy cho rằng MTTQ Việt Nam cần xây dựng được lực lượng làm công tác điều tra dư luận xã hội là những người có chuyên môn thuộc các lĩnh vực, những người sát dân, gần dân.

"Việc điều tra, nắm thông tin dư luận xã hội phải được thực hiện qua nhiều “kênh”, sử dụng lực lượng các tổ chức thành viên, để kịp thời phản ánh luồng dư luận trong quá trình xây dựng, triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Việc nâng cao chất lượng điều tra, nắm bắt dư luận xã hội trong thời đại Internet bùng nổ thông tin, cần tận dụng những ưu thế của khoa học - công nghệ để có thông tin, số liệu chính xác, đảm bảo độ tin cậy cao, từ đó có những dự báo định hướng dư luận xã hội kịp thời", Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.

 

Thanh Thanh