Phim này bất ngờ thu hút đông đảo khán giả, khiến tất cả các suất chiếu tại đây nhanh chóng bán hết. Phim được lan tỏa mạnh mẽ bởi những clip ngắn ấn tượng được các TikToker, Facebooker chia sẻ. Có lẽ nhờ thế, “Đào, phở và piano” mới được biết tới nhanh và có hiệu ứng mạnh mẽ tới vậy. Điều này được mô tả là một hiện tượng trước nay chưa từng xảy ra với các dòng phim chính luận về đề tài lịch sử.  Sau khi phát hành phim chủ yếu chiếu tại một địa điểm duy nhất trên cả nước, nên việc “cháy vé” cũng dể hiểu. Hiện tượng này mở ra triển vọng mới cho phim Nhà nước. Nếu dòng phim này có chất lượng nội dung và nghệ thuật tốt, các sản phẩm phim của Nhà nước hoàn toàn có thể lôi kéo khán giả chi hầu bao đến rạp.

“Đào, phở và piano” là bộ phim được đặt hàng bởi Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, được sản xuất bởi Công ty Cổ phần Phim truyện I, với kinh phí đầu tư 20 tỷ đồng. Tác phẩm tập trung tôn vinh vẻ đẹp và cốt cách tinh thần của người Hà Nội xưa thông qua câu chuyện tình yêu lãng mạn của cặp đôi nhân vật chính.

Điểm độc đáo của phim là sự đột phá trong kiểu thực hiện và kiểm duyệt phim, với một vài phân đoạn cảnh nóng được thể hiện một cách trực diện và nghệ thuật. Bối cảnh phim được xây dựng hoành tráng, chân thực mang lại động lực lớn cho diễn viên.

Mặc dù phim nhận được ấn tượng tích cực, nhưng dư luận cũng cho rằng biên kịch tập trung vào nhiều tuyến truyện và nhân vật. Tuy nhiên, lối diễn tư nhiên các vai chính được đánh giá là điểm sáng trong phim.

Mặc dù phim Nhà nước có sứ mệnh chủ yếu là phục vụ nhân dân vào các dịp lễ, Tết, kỷ niệm và không mục tiêu thương mại hàng đầu, nhưng để có sức lan tỏa và hiệu quả xã hội, rõ ràng việc sản xuất những dòng phim này vẫn cần chú trọng tới chất chất lượng nghệ thuật và diễn xuất.

Việc đổi mới trong cơ chế đặt hàng của Nhà nước cũng là điều rất quan trọng để cải thiện chất lượng phim, từ việc đấu thầu hay chỉ định, rồi đến hội đồng thẩm định có con mắt đánh giá khách quan, công tâm để lựa chọn kịch bản và đạo diễn có khả năng tung ra những sản phẩm tốt nhất đáp ứng công chính.

Ngoài ra sự hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân trong đầu tư cho phim cũng cần được khuyến khích thêm để xã hội hóa và thu hút nguồn lực cho điện ảnh. Sự hợp tác và cách làm đột phá sẽ giúp phim Nhà nước ngày càng đáp ứng được sở thích và yêu cầu của khán giả, đồng thời góp phần vào bảo tồn và phát huy giá trị, lịch sử và văn hóa Việt Nam.

Liệu việc “cháy vé” của một bộ phim chỉ là hiện tượng nhất thời hay đó là một hi vọng cho tương lai một số hãng phim truyện Nhà nước? Dù gì thì bộ phim “Đào, phở và piano” cũng đã được nhìn nhận như một hiệu ứng tích cực, nhưng đồng thời nó cũng đặt ra tầm quan trọng của việc thay đổi và hoàn thiện cơ chế phát hành phim Nhà nước không nên chỉ bó hẹp ở một không gian nhất định.

Rõ ràng điện ảnh về chủ đề lịch sử không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà từ “Đào, phở và piano” cho thấy thể loại này có thể mở ra tiềm năng cho các hãng phim truyện Nhà nước thử sức và hi vọng có thể đem lại đời sống tốt cho những người làm phim.

Ngô Quốc Đông