Nhiều doanh nghiệp hay công đoàn chủ trương cho chị em cơ quan mình một buổi dã ngoại để ăn uống và chụp ảnh check in cho 8/3. 

Một hiện thực, từ khi có điện thoại thông minh và công nghệ số là cái đẹp không chỉ tôn vinh mà còn kèm theo nhu cầu “khoe ảnh” trên các trang mạng cá nhân như zalo, facebook. Nhu cầu lớn, nên địa điểm chụp ảnh có hoa đẹp lúc nào cũng kín người, phụ nữ với các loại mẫu mốt chiểm phần lớn trong số đó. Mỗi chị em là chủ thể truyền thông nên rất thích đến nơi có phong cảnh độc, lạ để chụp ảnh. 

Cái đẹp ngày nay khác xưa thiên về văn hoá, tính cách, nét nết na thuỳ mị. Ngày nay cái đẹp của chị em liên quan đến nhiều comment, số view và số like cho mỗi bức ảnh trên trang mạng. Nhiều khi người xem chỉ có thể biết người đăng ảnh đẹp mà không hề biết họ có tính cách ra sao, phông văn hoá như thế nào, vì hầu như đều biết nhau, ngắm nhau trên không gian ảo, với các hình ảnh 360 độ, bắt mắt, cùng những ngôn từ hoa mỹ và dòng trạng thái rất cảm xúc. Bởi vậy chúng ta vào xem ca tụng, tôn vinh cái đẹp nhưng đôi khi cũng thật chủ quan, cảm tính.

Vì là tôn vinh, nên cung cầu tăng đột biến. Dịp này, giá hoa tươi tăng mạnh. Nhiều bó hoa trông rất bình thường mà giá lại cao ngất ngưởng. Tâm lý thể hiện sự quan tâm đến phụ nữ đã được những người bán hoa nắm bắt. Bởi vậy muốn tôn vinh chị em bằng hoa, không ít đàn ông phải chấp nhận sự bất thường của mặt hàng này. Hoa ngày 8/3 thay đổi đến chóng mặt.

Thực tế hơn, nhiều người chiều chuộng chị em bằng cách mời đi ăn uống, xem phim, mua sắm… Dù vậy chị em vẫn thấy thiếu gì đó. Dường như họ cần hoa hơn nhiều loại quà tặng thông thường khác. Cũng dễ hiểu, phụ nữ đang tuổi xuân xanh mà trong ngày này không ai tặng hoa lại thấy buồn buồn, tủi tủi, so đo bạn bè, hoặc bị xét nét là kém phần hương sắc. Bởi vậy, cả đàn ông và phụ nữ đều hiểu quà tặng ý nghĩa của ngày này cuối cùng vẫn là hoa.

Tuy nhiên, có khi nào chúng ta tự vấn tặng hoa chỉ là hình thức? Có không ít phụ huynh tặng hoa và quà cho cô giáo dịp này có phải là tôn vinh hay chỉ là trào lưu, hoặc như các cụ ta nói “muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”.

Nhiều chàng trai mua những bó hoa tiền triệu chỉ nhằm làm hài lòng người yêu, khiến nhiều người nghèo xót của, bị so đo ghen tị… Tâm lý đám đông rất dễ khiến con người chạy theo chủ nghĩa hình thức, nhiều khi khiên cưỡng, lệch lạc không cần thiết. Có phải khi chúng ta tương tác với nhau bằng những suy nghĩ hay, những cử chỉ đẹp, đó cũng chính là những bó hoa tuyệt vời tặng nhau trong đời thường mà không phải đợi tới ngày 8/3?

Cuối cùng thì khoảnh khắc của ngày 8/3 cũng hết. Con người lại trở về nhịp sống hiện thực. Không biết sự hài lòng của người nhận hoa đến đâu? Không biết người tặng quà có muốn tiếp tục tặng cho người phụ nữ của họ những “bó hoa đẹp” là cử chỉ đẹp trong cuộc sống đời thường không? Và người ta thấy chung một điều có phần nuối tiếc là những bó hoa cho ngày 8/3 kia, dù đẹp đến mấy, đắt tiền bao nhiêu, cuối cùng cũng tập kết ở xe rác. Chúng khô héo, dập nát và ngổn ngang.

Suy cho cùng, quy luật quà tặng căn bản ở phần chiều sâu của tâm hồn mỗi người. Đôi khi một nụ cười, một ánh mắt hay một ý nghĩ về nhau cũng là những món quà ý nghĩa đồng hành với ta trong nhiều năm tháng. Ngược lại, có khi được dự tiệc ngon, uống rượu quý, ngắm hoa đẹp vẫn chẳng đọng lại trong ta nhiều cảm xúc và dư vị của món quà.

Ngô Quốc Đông