Bắt đầu từ những chuyến hành trình đến với Trường Sa

 Với rất nhiều cán bộ, chiến sĩ công tác trên quần đảo Trường Sa, cái tên chị Hà đã trở nên gần gũi, thân thuộc.

Chị "bén duyên" với Trường Sa năm 2006, khi là phó trưởng đoàn công tác của tỉnh Khánh Hòa, đến với 6 đảo: Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết, Cô Lin, Đá Tây. Lần đầu vượt sóng đến với Trường Sa, bỡ ngỡ và ngập tràn cảm xúc mới lạ. Ngày ấy, các đảo còn khó khăn, chưa có sóng điện thoại di động, mọi thứ đều thiếu thốn. Hành trình trên con tàu HQ936 lênh đênh trên biển, được tận mắt chứng kiến cuộc sống của bộ đội ở nơi đầu sóng ngọn gió đã gây xúc động mạnh trong chị.

leftcenterrightdel

Chị Hoàng Thị Lệ Hà - người nhiều năm gắn bó với Trường Sa

Chuyến đi thứ hai của chị ra Trường Sa, với tư cách là trưởng đoàn công tác các nhà quản lý, nhà khoa học đi khảo sát, nghiên cứu thực tế tại một số đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.  

Xuất phát từ Quân cảng Cam Ranh, đoàn gồm có 28 thành viên, trong đó có 20 nhà quản lý, nhà khoa học, 8 nhà báo, đến từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đà Nẵng, Bình Định và Khánh Hòa. Theo kế hoạch, đoàn sẽ tổ chức khảo sát tại các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa đông, Đá Tây, Trường Sa, Đá Lát.

Chuyến đi phải kéo dài hơn dự định, gần một tháng công tác ở Trường Sa đã mang lại nhiều kết quả làm cơ sở vững chắc cho những nhận định, đánh giá và đưa ra những giải pháp phù hợp. Đoàn đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu về khí hậu, chất đất, nước ngọt, chất thải, dịch bệnh, năng lượng, cây trồng, vật nuôi... ở các đảo.

Thực tế đời sống của quân và dân trên đảo, xuất hiện nhiều vấn đề khó khăn và nhu cầu cấp thiết. Những ngày làm việc ở Trường Sa giữa cái nắng chát tháng Tư thật vất vả nhưng không kém phần thú vị. Mọi sinh hoạt đều theo nếp sống ở đảo, ban ngày các nhóm được phân công đi nghiên cứu, tìm hiểu, gặp gỡ cán bộ chiến sĩ và người dân, tối về trao đổi, bàn bạc.

Có những kỷ niệm với lính đảo không thể nào quên, đó là ngoài nhiệm vụ phân công, chị thường xuống bếp nấu nướng với anh em. Chị đã bắt đầu quen dần với cái nắng, gió Trường Sa, bữa cơm đầm ấm và cả nụ cười hiền rất thân, rất riêng của lính. Câu chuyện cả đêm thao thức khó ngủ lạ nhà, là gường và bởi cái “mùi của lính”. Để khi tàu rời bến về đất liền chị đã viết những dòng: Gửi đến các em thân yêu ở Trường Sa Đông! Rời Trường Sa Đông, chị không cầm được nước mắt. Đứng trên tàu nhìn vào đảo, sao thấy vừa gần gủi, vừa xa xăm. Sắp xa các em rồi, Trưa nay, chị rất mệt nhưng không thể nào chợp mắt được, hình ảnh các em cứ chập chờn mãi. Chị lặng lẽ khóc, lặng lẽ ra ngoài, lên cabin khóc một mình. Nghĩ về các em, những ánh mắt, nụ cười, bộc bạch, những tình cảm vui, buồn… đã lâu rồi chị mới có được những tình cảm dâng trào về người lính ở Trường Sa như thế!

Những việc làm thiết thực làm nên sức sống nơi đầu sóng

Khi về đất liền, chị luôn trăn trở, ấp ủ phải phối hợp nghiên cứu, sưu tầm những con giống, cây trồng phù hợp, chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết, đồng thời có những biện pháp hỗ trợ kỹ thuật nuôi trồng cho các đảo. Ý nghĩ đó luôn đeo đuổi chị.

leftcenterrightdel

Tặng cây xanh cho các đảo 

leftcenterrightdel
Đến thăm các hộ dân trên đảo trong chuyến công tác ra Trường Sa năm 2014 

Với Trường Sa, chị đã trở thành người thân. Những chuyến công tác theo tàu ra đảo và những lần đến UBND huyện Trường Sa làm việc đã gắn kết chị với những người lính nơi miền gió cát. Cuối năm 2013, khi ra dự hội nghị tổng kết về nông nghiệp, nông thôn ở Hà Nội, chị được giới thiệu về một giống vịt biển. Không có dịp để đến tận nơi tìm hiểu, lại phải về Nha Trang gấp nên chị chủ động liên hệ với Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên, Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chị Nguyễn Thị Thúy Nghĩa, ngày ấy là Phó Giám đốc Trung tâm, kể: “Khi nghe chị Hà gọi điện thoại nói muốn đưa giống vịt biển ra Trường Sa để giúp bộ đội và nhân dân ngoài đảo, tôi rất bất ngờ. Giống vịt này được nhiều bà con miền biển quan tâm nhưng chưa ai nghĩ đến chuyện đưa ra Trường Sa. Chưa gặp chị Hà nhưng nghe điện thoại thấy chị nói về Trường Sa đầy tâm huyết, cùng chung tấm lòng hướng về biển, đảo, tôi rất xúc động. Tôi bàn với lãnh đạo trung tâm, quyết tâm đưa bằng được vịt ra đó”.  

Chuyến đưa thành công 600 con vịt biển ra các đảo là sự quyết tâm rất lớn và khẳng định được hướng đưa cây trồng, vật nuôi ra đảo cho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và điều kiện sinh hoạt của bộ đội là đúng đắn. Ngoài công việc quản lý, nghiên cứu khoa học, tổng biên tập tạp chí, chị thường xuyên dành thời gian liên lạc với cán bộ, chiến sĩ ở các đảo. Thường là chị hỏi: Ngoài đảo cần những thứ gì, giống rau ngoài ấy mùa này các em trồng ra sao? Hạt giống hoa chị gửi ra có chịu được thời tiết? Các loại hoa trổ bông có đẹp không? Máy ấp trứng hoạt động có ổn định không?...

Lâu ngày thành quen, lính đảo gọi tên rau, hoa chị Hà, máy ấp trứng chị Hà... khi nào không biết nữa.

Trong những lần đi công tác gặp gỡ các tổ chức, cá nhân, chị dành thời gian nói chuyện về Trường Sa. Thường là những thực tế nhu cầu của bộ đội và nên ủng hộ cho Trường Sa sao cho thiết thực và phù hợp. Để rồi góp gió thành bão, kết nối những trái tim với Trường Sa, rất nhiều tổ chức cá nhân đã ủng hộ tinh thần và vật chất cho các đảo.

Từ những máy ấp trứng của Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh, thuốc và thức ăn chăn nuôi của Phân viện Thú y miền Trung, vịt biển Đại Xuyên, cây hoa và hạt giống được sưu tầm ở các vùng miền đến những vật dụng sinh hoạt ... đã theo tàu đến với người lính ở các đảo. Những chuyến tàu ra đảo là nhịp cầu nối đất liền gần hơn bởi có thêm cây xanh, hạt gống, vật nuôi. Những giống cây đưa ra đảo thường là những cây chịu hạn và chịu nắng, gió, độ mặn cao.

Chị thường chọn các giống cây như: Dừa, tra, dương, sa kê; các loại hoa: Hoa giấy, mười giờ, mào gà, hoàng yến; các giống rau: Dền, muống, mồng tơi, ngót, bầu, bí; các con vật nuôi: bò, lợn rừng, gà, ngan và gần đây nhất là vịt biển. Mỗi khi có tàu ra đảo, chị đều liên hệ với các đảo để kịp thời chuyển những thứ anh em ngoài đó cần.

Có lẽ với những người lính Đoàn M46, niềm vui và hạnh phúc lớn nhất là những mùa chuyển quân ra đảo vào những ngày áp Tết bên cạnh đội hình hành quân còn có quà Tết với những cây hoa, chậu quất, đồ trang trí tết mang hương vị quê hương của chị và bạn bè,  đồng nghiệp.

Người phụ nữ giản dị, giàu nghị lực

Ta thường vẫn bắt gặp ở đâu đó việc người ta làm để lấy danh, lấy tiếng, ở người phụ nữ này đó là sự giản dị, khiêm nhường khi nói về công việc của mình với Trường Sa. Chị nói say sưa nói về những giống cây, loài hoa mang ra trồng trên đất Trường Sa gần gũi như một người trồng cây trên mảnh vườn của mình.

Câu chuyện về lính đảo, từng người như nhắc đến từng đứa em trong nhà tính nết ra sao. Rất hiếm khi thấy chị nói về mình, tôi tự hỏi người phụ nữ này làm sao có thể làm được nhiều công việc đến vậy? Chưa kể trách nhiệm làm vợ, làm mẹ? Nhìn dáng người nhanh nhẹn, mạnh mẽ, quyết đoán, nhưng lại rất hay khóc mỗi khi nhắc đến lính Trường Sa.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, năm 1979, người con gái Diên An, Diên Khánh xung phong đi bộ đội đáp lại lời kêu gọi tổng động viên lên đường chống quân xâm lược. Khi ấy chị vừa tròn 18 tuổi và đang học lớp 12. Biết tin chị viết đơn tình nguyện nhập ngũ mẹ chị đã khóc. Chị đã phải động viên mẹ rất nhiều và hứa sau này con sẽ quyết tâm lấy được tấm bằng đại học.  

Những năm ở quân ngũ đã rèn luyện phẩm chất người lính luôn biết đối mặt với thử thách và luôn đi đến những nơi khó khăn.

Ngày 31/8/1983, chị vinh dự được kết nạp vào Đảng. Cũng năm đó chị thi đỗ vào Trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh khi đang còn ở quân ngũ.

Năm 1987, ra trường về công tác tại Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa.

Năm 1990, chị thi vào Đại học Ngoại thương khi vừa mới có bầu đứa con trai đầu lòng 5 tháng.

Năm 1997, sau khi thi đỗ chuyên viên chính, chị học lớp cử nhân chính trị.

Năm 2007, thi đỗ chuyên viên cao cấp và tiếp tục học lên cao học chuyên ngành văn hóa học.

Những năm sau này, với cương vị vừa là nhà quản lý, nghiên cứu khoa học, tổng biên tập tạp chí, mặc dù bộn bề công việc chị luôn giành thời gian, tâm sức cho Trường Sa.

Những mầm xanh Trường Sa đang âm thầm lớn dậy bất chấp phong ba, biển mặn như minh chứng cho một sức sống mãnh liệt giữa trùng khơi. Trong hàng triệu trái tim hướng về Trường Sa thân yêu, có một trái tim của người phụ nữ luôn thao thức với nhịp sống Trường Sa.

Nguyễn Văn Tình