Tiếp đó, 1 nữ sinh lớp 10, trường chuyên ở Nghệ An tự tử được nghi vấn liên quan đến bạo lực học đường làm nhiều người thương xót.

Mới đây nhất, ở Ứng Hoà, Hà Nội, clip nữ sinh lớp 8 bị đánh hội đồng đã được tung lên mạng và lan truyền với tốc độ chóng mặt. Từ video đó, phụ huynh mới biết em bị đánh nhiều lần. Sự kiện khiến dư luận bất bình và ngành chức năng vào cuộc.

Bạo lực học đường phải chăng là hệ quả của quá trình hiện đại hoá? Khi mà cái xấu bị lan truyền nhan nhản trên các phương tiện truyền thông đại chúng mà nhà trường phụ huynh khó lòng kiểm soát. Điều này đã nhiễm tập vào ý thức của một bộ phận học sinh. Hiện đại hoá đã cung cấp cho học sinh những điện thoại thông minh và máy tính bỏ túi. Trên các phương tiện đó, những đứa trẻ mới lớn tò mò và bị kích động bởi những thông tin, phim ảnh bạo lực. Với tâm hồn non nớt, thiếu kinh nghiệm những hình ảnh đó đã hình thành lên những hành vi bạo lực trong một số học sinh. Một số thích thể hiện cái tôi và dẫn đến mất kiểm soát hành vi. Việc ghi lại và tung lên mạng hành vi đánh đập bạn học của những học sinh bạo lực cho thấy rõ việc thể hiện cái tôi bản năng và cả những hạn chế của truyền thông hiện đại. Bởi vậy, việc giáo dục học đường hiện nay phải có một chức năng nữa là xử lý các sự cố truyền thông.

Ngoài việc cấm học sinh sử dụng điện thoại, cần phải triệt để hơn trong việc giáo dục học sinh hãy ý thức tốt hơn việc đưa hình ảnh tiêu cực lên trang mạng cá nhân. Vì như vậy, sẽ khiến cho cái xấu lan truyền nhanh trong môi trường học đường, từ đó kích động bạo lực lứa tuổi vị thành niên.

Một vấn đề khác chính là vai trò hiện nay của thầy cô và ngành Giáo dục nói chung. Đành rằng, hành vi xấu của học sinh có liên quan mật thiết đến giáo dục gia đình, nhưng nếu nhà trường và kỷ luật của ngành Giáo dục thực sự khắt khe hơn với những hành vi này, kết quả mới mang tính răn đe, ngăn ngừa cao.

Hiện nay, một số ý kiến cho rằng, những hình thức khiển trách, cảnh cáo, hạ hạnh kiểm… chưa đủ mức răn dạy với một số học sinh cá biệt. Không ít thầy cô nếu không có biện pháp cương quyết với một số học sinh, thì sẽ luôn có một số học sinh không coi thầy cô ra gì. Có lẽ cần có những chế tài để tăng quyền hạn cho thầy cô trong việc quản lý học sinh và lớp học. Và đương nhiên, giáo viên cần biết cách sử dụng nó để quản lý học sinh tốt hơn.

Những sự việc trên cũng cho thấy hiện trạng giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh đang gặp phải những vấn đề về hiệu quả. Năm nào nhiều sở, phòng cũng gửi các bản cam kết xuống các trường để giao ước không có bạo lực. Kết quả vẫn không triệt để. Vậy nên chăng hãy bỏ đi các giao ước cam kết kém hiệu quả này? Có lẽ cần phải quy vào trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị để nâng cao hiệu quả giáo dục, quản lý học sinh. Cũng từ lâu, các em luôn có môn Đạo đức và Giáo dục công dân. Có điều, với việc chú trọng Toán, Văn thì đạo đức vẫn là môn học phụ.

Người xưa nói, “tiên học lễ, hậu học văn”. Nhiều trường hiện nay vẫn treo khẩu hiệu này. Nhưng rồi các sự việc đáng tiếc vẫn xảy ra. Phải chăng chỗ này, chỗ khác vẫn còn nặng chủ nghĩa thành tích, chạy theo những xáo ngôn, hình thức mà không đầu tư thực chất cho vấn đề giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh?

Dù đã có nhiều nỗ lực giáo dục đạo đức cho học sinh, nhưng với hiện trạng như hiện nay, xem ra đây vẫn còn là một khoảng trống cần lấp đầy của ngành Giáo dục.

TS Ngô Quốc Đông