Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết như vậy tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, chiều 5/5.

Theo đó, hơn 59.000 tỷ đồng được Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền bố trí, trong đó 12.000 tỷ đồng được lấy từ dự toán ngân sách Nhà nước 2023 và 47.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu dành cho cải cách tăng lương, trong đó ngân sách Trung ương là 20.000 tỷ đồng, địa phương 27.000 tỷ đồng.

“Chính phủ chuẩn bị, bố trí đầy đủ nguồn lực cho tăng lương trong 6 tháng cuối năm 2023”, ông Chi khẳng định.

Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trả lời câu hỏi về tiến độ nghị định của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và nguồn để thực hiện tăng lương cơ sở trong thời gian tới.

Theo ông Thăng, Nghị quyết 69 kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 đã nêu rõ nguồn chi cải cách tiền lương và điều chỉnh lương hưu, một số chế độ trợ cấp, phụ cấp, chính sách an sinh xã hội là 12.500 tỷ đồng.

Số tiền này chưa bao gồm dự kiến sử dụng khoảng 47.000 tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách Trung ương và địa phương đã trích từ các năm trước.

Liên quan tiến độ xây dựng nghị định này, Bộ Nội vụ cho hay đã lấy ý kiến các bộ, ngành và người dân. Trong tháng 4 vừa rồi, bộ này đã gửi thẩm định và Bộ Tư pháp đã họp thẩm định.

Ông Thăng khẳng định, Bộ Nội vụ sẽ khẩn trương tiếp thu, giải trình và dự kiến trình Chính phủ trong tháng 5 này để ngày 1/7 này thực hiện điều chỉnh lương cơ sở từ 1,49 triệu lên 1,8 triệu.

Theo dự thảo nghị định, mức lương cơ sở điều chỉnh từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2023 (tăng thêm 20,8%).

Đây là căn cứ tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí; tính các khoản trích và các chế độ, chính sách được chi trả từ ngân sách nhà nước theo mức lương cơ sở.

“Một vài ngân hàng cho vay cao đã được nhắc nhở"

Trả lời báo chí liên quan đến việc hạ lãi suất cho vay, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, cơ quan này đã hai lần giảm lãi suất điều hành 0,3 - 1% một năm trong tháng 3 và 4. Nhờ đó, mặt bằng lãi suất thị trường dần ổn định, tạo dư địa cho các ngân hàng thương mại hạ lãi suất.

“Một vài ngân hàng cho vay cao đã được nhắc nhở, chỉ đạo, xem xét để sao có mặt bằng thống nhất”, ông Tú cho hay, gần đây các nhà hàng đã chủ động giảm lãi suất.

Bốn tháng qua đã có hai đợt giảm lãi suất từ các tổ chức tín dụng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động vừa qua đã giảm bình quân 1 - 1,2%; cho vay hạ 0,5 - 0,65%. Khối ngân hàng thương mại Nhà nước có mức giảm tốt hơn, 1-1,5% một năm với lãi suất huy động và cho vay giảm 1,5-2% một năm.

Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện bình quân lãi suất cho vay giảm về khoảng 9,56% một năm, thấp hơn 0,41% so với cuối 2022.

Tới đây Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo sát các ngân hàng trong giảm lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và mở rộng tín dụng từ nay tới cuối năm, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.

Hương Giang