Có người mua thu thập thông tin phục vụ cho các chiến dịch mời chào quảng cáo. Tệ hơn còn sử dụng các thông tin cá nhân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Người bán chắc chắn vì lợi ích, tiền bạc.

Gần đây ở Hà Nội xét xử vụ án mua bán thông tin cá nhân mà đối tượng bán lại chính là người làm trong ngành viễn thông và an ninh mạng.

Việc mua bán thông tin đã khiến cho nhiều người trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo, gây mất trật tự an toàn xã hội. Song điều này cho thấy một thực tế là, các thông tin cá nhân của công dân bị lộ lọt trôi nổi rất nhiều. Bây giờ, với mỗi cuộc gọi từ số lạ, người ta cần phải suy nghĩ để xác minh những thông tin liên quan với mình liệu có chính xác, bởi việc bảo mật thông tin đã không còn an toàn.

Liên quan đến an ninh tinh thần và bảo mật thông tin, gần đây Giám đốc Điều hành TikTok là Chu Thụ Tư đã bị các nghị sĩ Mỹ chất vấn về những nghi vấn liên quan đến sức khỏe tinh thần thanh thiếu niên và cả cáo buộc Chính phủ Trung Quốc kiểm soát mạng xã hội này, đặc biệt là mối lo về sự bảo mật thông tin cá nhân của những người sử dụng TikTok.

Ở nước ta, thời gian qua, xảy ra một loạt tình trạng gọi điện cho phụ huynh có con đang đi học, thông tin giả về việc con họ đang gặp tai nạn cấp cứu, để từ đó chuyển tiền và bị mắc bẫy lừa đảo.

Một hiện tượng khác nhiều người cũng dễ gặp, nhất là những người làm trong các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp lớn, có chức vụ, luôn bị những cuộc gọi từ số lạ mời đi du lịch, tham dự hội thảo và chào bán bất động sản….

Ngoài ra, một số đối tượng đã đánh cắp thông tin cá nhân từ thẻ căn cước công dân gắn chíp và qua đó thâm nhập vào tài khoản ngân để lấy tiền.

Vấn đề ở đây chính là, trong thời đại công nghệ số, việc bảo mật thông tin của công dân đang có bất cập. Việc các đối tượng lừa đảo gọi điện cho phụ huynh chắc chắn đã biết rõ số điện thoại, tên phụ huynh, con em họ đang học ở trường nào. Từ thông tin chính xác, phụ huynh mới không nghi ngờ và dễ bị mắc bẫy khi nói con em họ tai nạn.

Tại sao những thông tin như vậy lại lọt vào tay tội phạm và sự việc diễn ra ở nhiều nơi? Chúng ta không thể biết sự rò rỉ thông tin cá nhân từ đâu nhưng cho thấy một hiện trạng là trong thế giới công nghệ, các thông tin cá nhân đã không được bảo vệ nghiêm ngặt, tạo ra kẽ hở cho tội phạm mạng hoạt động, lừa đảo và chiếm đoạt tài sản. Các cơ quan chức năng đã điều tra phát hiện có tình trạng thu thập, mua bán trái phép thông tin cá nhân của một số đối tượng. Hành động này không chỉ tác động, ảnh hưởng đến đời sống của một số người mà nó là vấn đề của an ninh xã hội, tính mạng cá nhân, là vấn đề an ninh kinh tế cũng như các hoạt động đảm bảo về sản xuất kinh doanh.

Khi chúng ta đi siêu thị, khai báo hải quan, làm một số thủ tục hành chính, hay đăng ký các tài khoản trên mạng, nhiều thông tin cá nhân phải cung cấp để thực hiện giao dịch như họ tên, quê quán, chỗ ở, số căn cước... Liệu có ai dám chắc rằng những thông tin cá nhân đó đều được an toàn bảo mật bởi nơi tiếp nhận? Rõ ràng chưa có một khảo sát, điều tra nào để nói rõ rằng thông tin của chúng ta bị lộ lọt từ đâu. Có lẽ cần phải có chế tài tốt hơn để bảo đảm các thông tin cá nhân được bảo vệ khi tham gia một số dịch vụ xã hội.

Tội phạm mạng ngày một tinh vi. Để bảo vệ thông tin cá nhân không bị lợi dụng, ngoài việc xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm, ngành chức năng cần tăng cường các giải pháp ngăn chặn hiệu quả các hành vi phạm tội này. Các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp sở hữu dữ liệu cần tìm ra các giải pháp hữu hiệu hơn để phòng ngừa các tình huống bị mất, bị đánh cắp hay hành vi lạm dụng quyền hạn để sử dụng dữ liệu cá nhân sai trái. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân cần thận trọng hơn trong việc sử dụng thông tin cá nhân của mình, cẩn trọng hơn trong tiếp nhận các cuộc gọi từ người lạ.

TS Ngô Quốc Đông