Trường Đại học Thủ Dầu Một là cơ sở giáo dục đại học công lập thuộc UBND tỉnh Bình Dương, được thành lập theo Quyết định số 900/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở nâng cấp từ Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương. Trường hiện đào tạo 55 ngành trình độ đại học, 11 ngành trình độ thạc sĩ, 1 ngành trình độ tiến sĩ. Quy mô sinh viên, học viên tính đến tháng 9/2023 là 14.037 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh.

Thời kỳ thanh tra, Hội đồng Trường Đại học Thủ Dầu Một chưa đảm bảo quy định là số lẻ theo điểm a khoản 3 Điều 16 Luật Giáo dục Đại học 2012 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018.

Trường đã có đề nghị kiện toàn Hội đồng Trường theo quy định. UBND tỉnh Bình Dương đã có ý kiến chỉ đạo nhưng không ban hành văn bản kiện toàn. Trách nhiệm thuộc UBND tỉnh Bình Dương do chưa kịp thời ban hành quyết định kiện toàn Hội đồng Trường nhiệm kỳ 2017 - 2022 đúng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 7 Nghị định số 99/2019/NĐ-CP.

Trường được UBND tỉnh Bình Dương giao thực hiện tự chủ về học thuật và hoạt động chuyên môn; tự chủ về tổ chức và nhân sự; tự chủ trong tài chính và tài sản theo các quyết định của UBND tỉnh Bình Dương về phân cấp quản lý, tổ chức, biên chế và cán bộ công chức, viên chức người lao động trên địa bàn tỉnh Bình Dương; quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính giai đoạn 2022 - 2026 đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong thời kỳ thanh tra, trường đã tự chủ mở 16 ngành trình độ đại học. Các ngành dự kiến mở chưa có trong danh mục đào tạo tại thời điểm mở ngành, trường đã làm rõ luận cứ khoa học, nhu cầu của xã hội về ngành mới; thực tiễn và kinh nghiệm đào tạo của một số nước trên thế giới kèm theo ít nhất 2 chương trình đào tạo tham khảo của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận về chất lượng hoặc cho phép thực hiện và cấp văn bằng.

Tuy nhiên, năm 2022, có 11 ngành dừng tuyển sinh; năm 2023 có 2 ngành dừng tuyển sinh. Trường đã có văn bản báo cáo Bộ GDĐT. Theo Thanh tra Bộ GDĐT, trường đã thực hiện khảo sát nhu cầu xã hội không đầy đủ dẫn đến không tuyển sinh được hoặc tuyển sinh với số lượng rất thấp kể từ khi mở ngành.

Cũng theo Thanh tra Bộ GDĐT, tại thời điểm mở ngành có 7/16 ngành, trường tự chủ mở có giảng viên chủ trì, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo không có ngành phù hợp với ngành dự kiến mở, trường tự xác định các giảng viên chủ trì ngành có đủ 5 năm giảng dạy đại học và có công trình nghiên cứu khoa học, bài báo về lĩnh vực ngành đăng ký đào tạo trong thời hạn 5 năm theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 2 Thông tư số 22/2017/TT-BGDĐT.

Trách nhiệm thuộc về Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng phụ trách công tác tuyển sinh, Phó Hiệu trưởng phụ trách mở ngành và bộ phận tham mưu của trường.

Từ những thiếu sót trên, Thanh tra Bộ GDĐT kiến nghị Trường Đại học Thủ Dầu Một rà soát toàn bộ hệ thống văn bản nội bộ thuộc thẩm quyền của Hội đồng Trường và của trường kịp thời chỉnh sửa, bổ sung và ban hành mới văn bản theo thẩm quyền thực hiện quản lý các hoạt động về tuyển sinh, đào tạo của trường theo quy định pháp luật hiện hành; rà soát và bổ sung đội ngũ giảng viên cơ hữu bảo đảm điều kiện đào tạo ngành theo quy định về chuẩn chương trình đào tạo; rà soát, xây dựng, chỉnh sửa và ban hành chương trình đào tạo các ngành, các trình độ đào tạo bảo đảm theo quy định về chuẩn chương trình đào tạo ban hành kèm theo Thông tư số 17/2021/TT- BGDĐT; rà soát báo cáo Vụ Giáo dục Đại học, xử lý theo quy định pháp luật đối với các ngành trường không tổ chức tuyển sinh hoặc không tuyển sinh được hoặc đã tạm dừng tuyển sinh.

Tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm (nếu có) của tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của trường để xảy ra những thiếu sót, vi phạm được Thanh tra Bộ GDĐT chỉ ra qua thanh tra theo quy định; báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra về Thanh tra Bộ GDĐT theo quy định của pháp luật.

Đối với UBND tỉnh Bình Dương, Thanh tra Bộ GDĐT đề nghị phối hợp với Bộ GDĐT thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục đối với các cơ sở giáo dục đại học thuộc quyền quản lý trên địa bàn theo quy định tại khoản 37 Điều 1 Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học; Điều 6 Nghị định số 127/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục.

Kiến nghị Bộ trưởng Bộ GDĐT giao Vụ Giáo dục Đại học tham mưu sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo hướng quy định rõ việc xác định ngành của giảng viên cơ hữu chủ trì tổ chức thực hiện chương trình đào tạo.

Hướng dẫn trường xử lý theo quy định pháp luật đối với các ngành trường không tổ chức tuyển sinh hoặc không tuyển sinh được hoặc đã tạm dừng tuyển sinh.

Lê Phương