Chiều 26/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Thanh tra Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ, một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới và giải quyết các kiến nghị, đề xuất. 

Phát hiện 520 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng

Báo cáo tại cuộc họp, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cho biết, thông qua hoạt động thanh tra, ngành Thanh tra đã góp phần quan trọng cả trong phòng ngừa tham nhũng và trong phát hiện, xử lý tham nhũng.

Một mặt đã phát hiện, kiến nghị hoàn thiện những cơ chế, chính sách, pháp luật còn sơ hở, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn, là cơ hội phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Mặt khác, đã kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều vi phạm.

5 tháng đầu năm 2021 đã tiến hành 1.646 cuộc thanh hành chính và 35.614 cuộc thanh kiểm tra chuyên ngành, đã phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 96.000 tỷ đồng và 1.589 ha đất, kiến nghị xử lý hành chính 269 tập thể, chuyển cơ quan điều tra xử lý 10 vụ việc với 5 đối tượng.

Tổng Thanh tra nhấn mạnh, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình hình khiếu nại, tố cáo có xu hướng giảm dần (số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giảm 40% so với cùng kỳ 5 năm trước); tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt cao (85%).

Công tác tự phát hiện tham nhũng được chú trọng, nhất là qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cơ quan thanh tra các cấp đã phát hiện 353 vụ, 520 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham những. Đặc biệt là 9 cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, đôn đốc và Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo.

Thiếu chế tài mạnh xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra

Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm nhắc lại một số cuộc thanh tra phức tạp, khó khăn để lại nhiều ấn tượng, được dư luận quan tâm như vụ việc AVG, Gang thép Thái Nguyên.

Đề cập đến vấn đề xây dựng thể chế, theo ông Trần Ngọc Liêm, đây là một trong những khâu quan trọng nhất. Tuy nhiên, hiện nay, thể chế về đôn đốc xử lý sau thanh tra có điểm đã lạc hậu, thiếu chế tài mạnh xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra.

Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cũng trăn trở, ra được 1 kết luận thanh tra đã khó, nhưng để đưa kết luận vào thực tiễn còn khó hơn nhiều lần. Thêm vào đó, còn hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Bổ sung thêm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh băn khoăn khi lực lượng thanh tra còn tổ chức phân tán, manh mún. 1.705 cơ quan thanh tra cấp huyện có 35.000 biên chế, 1.200 cơ quan thanh tra sở thì có khoảng 2 biên chế mỗi cơ quan.

Ông Nguyễn Văn Thanh cho hay, trong quá trình sửa đổi Luật Thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã mạnh dạn đề xuất sửa đổi mạnh mẽ vấn đề này để sắp xếp lại lực lượng, tập trung thành các cơ quan thanh tra lớn để làm có trọng tâm, trọng điểm hơn.

Còn Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp nhấn mạnh đến bài học kinh nghiệm  trong công tác tiếp dân. Theo ông, phải “coi việc của người dân là việc của mình, coi họ như người thân”, như thế, cán bộ tiếp công dân mới chịu khó lắng nghe “những lời giận hờn” của người dân mặc dù mình không phải người gây ra.

Ông Điệp bày tỏ mong muốn, cán bộ Ban Tiếp công dân Trung ương được tham gia trực tuyến cùng lãnh đạo địa phương trong các cuộc đối thoại, giải quyết khiếu nại của công dân để giảm số lượt công dân phải lên Trung ương để khiếu nại.

Tập trung thanh tra lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng

Tại buổi làm việc, Tổng Thanh tra Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận, việc triển khai kế hoạch thanh tra ở một số đơn vị còn chậm; còn hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Cạnh đó, ban hành kết luận còn chậm; việc thực hiện kết luận, kiến nghị về thanh tra, nhất là tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.

Theo ông Đoàn Hồng Phong, thời gian tới, Thanh Chính phủ sẽ lựa chọn một số nội dung, lĩnh vực để tiến hành thanh tra chuyên đề diện rộng phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, thực hiện thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng; thực hiện tốt việc bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Tổng Thanh tra cũng cho hay, hiện Thanh tra Chính phủ đang hoàn thiện Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi, tiến hành xin ý kiến các bộ, ngành chức năng để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.

Nhấn mạnh bài học quý giá đối với ngành là tinh thần đoàn kết, là sự phối hợp, các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Lê Minh Khái đề nghị, cần xây dựng đội ngũ cán bộ có đức, có tài, trong sạch, bản lĩnh. Ngoài  ra, cần tập trung xử lý dứt điểm một số vụ việc tồn đọng kéo dài.

Hương Giang