Ông Chu Hồng Uy, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, 9 tháng năm 2024, đơn vị đã triển khai 6 cuộc thanh tra, trong đó 5 cuộc theo kế hoạch và 1 cuộc đột xuất.

Đối với 5 cuộc thanh tra theo kế hoạch, có 4 cuộc thanh tra chuyên ngành về công tác quản lý Nhà nước ngành Xây dựng tại: UBND tỉnh Long An; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng; Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận - Bộ Giao thông vận tải; UBND tỉnh Sơn La và 1 cuộc thanh tra hành chính tại Viện Khoa học công nghệ xây dựng - Bộ Xây dựng.

Về thanh tra đột xuất, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo Thanh tra Bộ triển khai 1 cuộc thanh tra đột xuất việc thực hiện công vụ trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp tại 7 đơn vị thuộc Bộ Xây dựng theo Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 20/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ và Kế hoạch số 2960/KH-TTCP ngày 8/12/2023 của Thanh tra Chính phủ về thanh tra chuyên đề trách nhiệm về thực hiện công vụ của cán bộ, công chức trên phạm vi cả nước (đã ban hành kết luận thanh tra).

Đối với công tác giám sát hoạt động đoàn thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, Bộ Xây dựng tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác giám sát hoạt động của đoàn thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra năm 2022, Thanh tra Bộ đã ban hành quyết định cử người giám sát đầy đủ đối với các đoàn thanh tra đã triển khai.

“Theo phản ánh của các đơn vị, quá trình làm việc, đoàn thanh tra làm việc công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, không có bất kỳ phát ngôn và hành vi nào trái pháp luật, không làm ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị được thanh tra. Trưởng đoàn và các thành viên đoàn thanh tra tuân thủ chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử của cán bộ thanh tra trong quá trình làm việc, không có các hành vi sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho cơ quan, đơn vị được thanh tra”, ông Uy cho biết.

Qua công tác thanh tra, Thanh tra Bộ đã ban hành 9 kết luận thanh tra đối với 3 cuộc thanh và trình Bộ trưởng ký ban hành văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện kết luận thanh tra theo quy định tại Luật Thanh tra năm 2022.

Kết luận đã chỉ ra một số vi phạm chính như: tổ chức thực hiện dự án chậm tiến độ so với tiến độ được phê duyệt; không công khai đầy đủ các nội dung về dự án; lập nhật ký hiện trường không đầy đủ nội dung theo hướng dẫn; nghiệm thu khối lượng không đúng dẫn đến thanh toán sai tăng khối lượng; xây dựng không đúng giấy phép; thực hiện công bố công khai quy hoạch xây dựng chậm, không đầy đủ thành phần theo quy định; không tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ, hồ sơ cắm mốc giới theo quy định; tổ chức cắm mốc giới đồ án quy hoạch chi tiết không đúng quy định.

Qua công tác thanh tra, Thanh tra Bộ Xây dựng đã kiến nghị các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân đã để xảy ra vi phạm; tổ chức khắc phục các vi phạm đã nêu trong kết luận.

Bên cạnh đó, kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền 5.116,7 triệu đồng, trong đó: yêu cầu giảm trừ khi thanh quyết toán dự án 671,4 triệu đồng; thu hồi, nộp về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ 1.903,3 triệu đồng; xử lý khác 2.542 triệu đồng (đây là số tiền yêu cầu giảm trừ giá trị hợp đồng thi công xây dựng do tính toán sai tăng khối lượng so với hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công).

Chánh Thanh tra Bộ đã ban hành 23 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tổng số tiền xử phạt 3.285 triệu đồng.

leftcenterrightdel
 Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng là một trong những đơn vị được thanh tra trong 9 tháng của năm 2024. Ảnh: TQ

Đối với công tác xử lý sau thanh tra, theo ông Uy, Bộ Xây dựng đã ban hành 3 văn bản đề nghị tổ chức thực hiện kết luận thanh tra và giao Thanh tra Bộ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra theo quy định tại Điều 105 Luật Thanh tra năm 2022.

Công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra và quyết định xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại Luật Thanh tra năm 2022, Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27/3/2015 của Chính phủ quy định việc thực hiện kết luận thanh tra, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Theo báo cáo và qua theo dõi việc thực hiện kết luận thanh tra, các đơn vị đã thực hiện khắc phục về kinh tế số tiền 242.703,3 triệu đồng (lũy kế đến năm 2024), trong đó: Thực hiện phê duyệt điều chỉnh giảm dự toán số tiền 238.743,7 triệu đồng, giảm trừ khi thanh, quyết toán số tiền 468 triệu đồng, thu về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ số tiền 166,8 triệu đồng, khắc phục xử lý đối với kinh phí bảo trì và chuyển trả kinh phí bảo trì, điều chỉnh giảm hợp đồng theo quy định số tiền 3.324,9 triệu đồng; xử lý về hành chính đối với 56 tổ chức và 136 cá nhân. Thực hiện 22 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 2.685 triệu đồng.

Trần Quý