Thực hiện Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 25/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 (PCTN), sau khi thống nhất với các cơ quan, bộ, ngành liên quan, Tổng Thanh tra đã ban hành Quyết định số 125/QĐ-TTCP ngày 11/3/2019 thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ về kiểm soát tài sản thu nhập (TSTN).

Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Thường trực Tổ biên tập đã tiếp thu, chỉnh  lý một số nội dung và tổ chức họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập, mời các cơ quan liên quan để tiếp tục trao đổi, tiếp thu ý kiến hoàn thiện Dự thảo Nghị định.

Theo Dự thảo Nghị định, nội dung chủ yếu gồm 8 chương, 30 điều:

Chương I gồm 4 điều: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ và mục đích, nguyên tắc trong kiểm soát TSTN.

Từ Chương II đến Chương VII là những quy định cụ thể tương ứng với những nội dung Luật PCTN giao Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số quy định liên quan.

Chương III: Điều khoản thi hành, quy định hiệu lực của Nghị định và trách nhiệm tổ chức thực hiện.

Về phạm vi điều chỉnh của Nghị định, theo Dự thảo bao gồm hai nhóm: Quy định chi tiết 7 nội dung được Luật PCTN 2018 giao Chính phủ quy định chi tiết (từ Khoản 1 đến Khoản 7 Điều 1); Quy định biện pháp thi hành 2 nội dung khác của Luật PCTN 2018 (Khoản 8 Điều 1). Đây là 2 nội dung Luật không giao Chính phủ quy định chi tiết nhưng để bảo đảm việc thi hành có hiệu quả và không bị vướng mắc thì cần có quy định của Chính phủ về biện pháp, cách thức tổ chức thực hiện.

Tại hội thảo, các đại biểu đều tham gia góp ý về tên gọi Nghị định; việc phân định thẩm quyền kiểm soát TSTN trong trường hợp người kê khai TSTN thuộc đối tượng kiểm soát của cơ quan kiểm soát TSTN của Đảng, đồng thời thuộc đối tượng kiểm soát của các cơ quan kiểm soát TSTN khác; kiểm soát TSTN đối với các cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát TSTN.

Bên cạnh đó, một số vấn đề khác như việc xác định cán bộ tương đương giám đốc sở trở lên tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước; việc yêu cầu cung cấp thông tin TSTN (Chương II của Dự thảo); các vị trí công tác phải kê khai TSTN hằng năm (Điều 11,12); việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch xác minh (Điều 17); về trưng tập, đề nghị cử cán bộ tham gia Tổ xác minh (Điều 19 dự thảo) và nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ xác minh; về xử lý vi phạm và công khai quyết định kỷ luật cũng được các đại biểu góp ý.

Theo quy định tại Điều 30 của Luật PCTN thì người có nghĩa vụ kê khai tài sản nếu công tác trong hệ thống cơ quan, tổ chức của Đảng thì chịu sự kiểm soát về TSTN của cơ quan có thẩm quyền Đảng. Nếu công tác tại cơ quan nhà nước thì chịu sự kiểm soát của cơ quan kiểm soát TSTN thuộc Nhà nước. Nếu công tác tại tổ chức chính trị - xã hội thì chịu sự kiểm soát của cơ quan Trung ương của tổ chức đó. 

Thực tế, có những cán bộ vừa công tác tại tổ chức Đảng, vừa công tác tại cơ quan Nhà nước. Do đó, ngoài cơ quan kiểm soát của Đảng thì còn có cơ quan khác cũng có thẩm quyền kiểm soát TSTN đối với cán bộ đó.

Dự thảo đang quy định theo hướng các cơ quan có thẩm quyền kiểm soát TSTN đều phải thực hiện các hoạt động kiểm soát đối với các đối tượng trên theo đúng quy định của Luật PCTN. Riêng việc tiến hành kiểm tra, xác minh về TSTN thì cần cơ quan kiểm soát TSTN nào dự định tiến hành xác minh cần phải trao đổi với cơ quan khác có thẩm quyền kiểm soát TSTN của người đó để thống nhất về cơ quan chủ trì và việc phối hợp tiến hành xác minh.

Quy định theo hướng này bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với quy định của Luật PCTN, hạn chế bớt sự chồng chéo, trùng lặp trong kiểm soát, nhất là trong hoạt động kiểm tra, xác minh về TSTN. Để có tính khả thi và đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo công tác cán bộ thì cần phải có thêm cơ chế phối hợp giữa cơ quan kiểm soát TSTN của Đảng với cơ quan kiểm soát của Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội theo định hướng: Cơ quan của Đảng sẽ chủ trì chính và điều phối việc tổ chức kiểm tra, xác minh TSTN của người thuộc diện nêu trên.

Dự thảo quy định cơ quan kiểm soát TSTN của Đảng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng quy chế phối hợp để tổ chức kiểm tra, xác minh về TSTN đối với người thuộc diện kiểm soát của Đảng, đồng thời thuộc diện kiểm soát của cơ quan kiểm soát TSTN khác.

Mặt khác trong cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp có nhiều cán bộ giữ chức vụ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Theo Quy định số 85 ngày 23/5/2017 của Bộ Chính trị thì chủ thể kiểm tra, giám sát việc kê  khai tài sản của những cán bộ này là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Dự thảo Nghị định quy định theo hướng: Cơ quan kiểm soát TSTN của Nhà nước và cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội vẫn thực hiện các hoạt động kiểm soát với những cán bộ nêu trên cơ bản theo đúng quy định của Luật PCTN.

Riêng việc tiến hành kiểm tra, xác minh về TSTN thì phải báo cáo để Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, xác minh hoặc kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo việc kiểm tra, xác minh theo đúng Quy định số 85 của Bộ Chính trị và cũng cần có sự phối hợp như việc phân định thẩm quyền và cơ quan kiểm soát TSTN của Đảng chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng quy chế phối hợp để tổ chức kiểm tra, xác minh về TSTN đối với người thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý theo phân cấp quản lý cán bộ của Đảng…

Kết luận cuộc họp, Phó Tổng Thanh tra đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu tất cả các ý kiến tại cuộc họp để hoàn thiện Dự thảo Nghị định. Đến ngày 10/8/2019, phải báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình.

 Thái Hải