Sáng 6/9, Ủy ban Tư pháp tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 14 cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024.

Phát hiện phương thức, thủ đoạn phạm tội mới

Theo báo cáo của Chính phủ, tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu tiếp tục diễn biến phức tạp.

Từ ngày 1/10/2023 đến 31/7/2024, các cơ quan chức năng đã phát hiện 4.150 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế (ít hơn 16,09% so với cùng kỳ năm trước), 936 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ (nhiều hơn 37,85%) và 1.735 vụ sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (nhiều hơn 31,04%).

Chính phủ cho hay, nổi lên là vi phạm vi phạm về quy hoạch, xây dựng, năng lượng, đấu thầu.

“Phương thức, thủ đoạn phổ biến là lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư của Nhà nước để trục lợi, nhận hối lộ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, xây dựng; lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ để trục lợi gây bức xúc trong Nhân dân”, báo cáo nêu.

Vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, tham nhũng tại các doanh nghiệp cổ phần, đơn vị, doanh nghiệp ngoài Nhà nước cũng nổi lên.

Cạnh đó, tội phạm, vi phạm pháp luật về đấu thầu, mua sắm, quản lý tài sản công, quản lý, sử dụng đất đai, bảo hiểm, ngân hàng, tài chính, kế toán, thuế, khai thác tài nguyên, khoáng sản ... tiếp tục diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều địa phương.

Đáng chú ý, Chính phủ cho hay, một số lĩnh vực đã phát hiện phương thức, thủ đoạn phạm tội mới như tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thẩm định giá trong tố tụng hình sự.

Vụ Xuyên Việt Oil là điển hình cán bộ “hướng dẫn” doanh nghiệp

Trình bày báo cáo của nhóm nghiên cứu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa nêu, dù đã có nhiều cố gắng, nhưng tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội vẫn tăng cả về số vụ và thiệt hại về số người bị thương, tài sản”, trong đó tội tham ô tài sản tăng 50,75%.

Công tác quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập dẫn đến các nhiều đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội, làm cho công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật chưa mang lại hiệu quả cao.

Theo nhóm nghiên cứu, một số quy định của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, doanh nghiệp còn chưa cụ thể, chưa chặt chẽ, rõ ràng về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền. Điều này, dẫn đến việc đơn vị, người có thẩm quyền lợi dụng, “móc nối, hướng dẫn” doanh nghiệp thực hiện “lách luật” hoặc bỏ qua sai phạm của doanh nghiệp.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Tư pháp. Ảnh: P.Thắng 

Điển hình là vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil.

Kết luận điều tra vụ án này có nêu: Việc cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, do quy định được hiện hành chưa quy định chặt chẽ, rõ ràng về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến việc đơn vị, người có thẩm quyền cấp phép “móc nối, hướng dẫn” doanh nghiệp thực hiện hoặc bỏ qua việc hợp thức hoá hồ sơ, điều kiện cấp phép, doanh nghiệp không duy trì điều kiện kinh doanh sau khi được cấp phép.

Pháp luật hiện hành cũng không quy định cụ thể phương pháp, cách thức quản lý, kiểm tai tra thực tế số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu mà doanh nghiệp đã trích lập trong từng kỳ báo cáo và trách nhiệm của từng cơ quan quản lý liên quan, nên chủ sở hữu các doanh nghiệp đã lợi dụng để chiếm dụng, sử dụng trái phép, dẫn đến thất thoát tài sản.

“Tình trạng các đối tượng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra các clip, ảnh “nóng” nhằm tống tiền; sử dụng công nghệ để giả dạng khuôn mặt, giọng nói, sử dụng công nghệ gọi điện thoại bằng tổng đài ảo qua mạng Internet để lừa đảo; việc tổ chức đánh bạc, lừa đảo trên không gian mạng tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng với nhiều phương thức thủ đoạn mới, tinh vi hơn, có tính chất xuyên quốc gia”, theo nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp. 

Còn trường hợp vi phạm trong hoạt động điều tra đến mức phải xử hình sự

Vẫn theo nhóm nghiên cứu, công tác quản lý Nhà nước trong phát hành trái phiếu, cổ phiếu doanh nghiệp còn nhiều bất cập, còn để tình trạng doanh nghiệp phát hành “trái phiếu khống”, bán cổ phiếu doanh nghiệp không có thật để lừa đảo, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của nhà đầu tư”.

Nhiều vụ vi phạm đấu thầu, đấu giá, đền bù giải phóng mặt bằng trong hoạt động đầu tư, xây dựng, khai thác tài nguyên, đất đai, tài chính, ngân hàng, xăng dầu, điện.

Hành vi phạm tội phổ biến là đưa, nhận hối lộ, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, có vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng" đã gây bức xúc trong nhân dân…

Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra, tội phạm về tham nhũng, chức vụ phát hiện 936 vụ, tăng 37,85%.

“Điều này tiếp tục cho thấy công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày càng quyết liệt, mạnh mẽ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, bà Hoa nêu.

Nhóm nghiên cứu cũng đánh giá cao tính chủ động, tích cực của các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng công an trong công tác phát hiện, xử lý loại tội phạm này.

Về công tác tổ chức, cán bộ, nhóm nghiên cứu dẫn báo cáo của Chính phủ cho rằng công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng bổ nhiệm, miễn nhiệm và quản lý điều tra viên, cán bộ điều tra tiếp tục được quan tâm chỉ đạo.

Nhìn chung, đội ngũ điều tra viên, cán bộ điều tra được đào tạo cơ bản, bố trí công tác theo tiêu chuẩn chức danh và thường xuyên được tổ chức tập huấn nâng cao trình độ, năng lực, cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác.

“Tuy nhiên, một số nơi còn tình trạng thiếu điều tra viên, vẫn còn một số ít điều tra viên trình độ, năng lực yếu, chưa đáp ứng yêu cầu công tác điều tra, xử lý tội phạm; cá biệt còn vi phạm trong hoạt động điều tra đến mức phải xử lý hình sự”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết nhận định của nhóm nghiên cứu.

Hương Giang