Sáng ngày 6/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 14 để cho ý kiến, thẩm tra các báo cáo của Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, trong đó có báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng 2024.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho biết, nhóm nghiên cứu của Ủy ban nhận định việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong năm 2024 tiếp tục được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quan tâm điều chỉnh cách thức triển khai để phát huy hiệu quả.

Quyết xử trách nhiệm chính trị người đứng đầu để xảy ra tham nhũng

Theo nhóm nghiên cứu, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn đã tiếp tục được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

Minh chứng là đã có 16.351 người được xác minh tài sản thu nhập năm 2023. Qua đó, có 19 người bị kết luận không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và bị xử lý kỷ luật (xóa tên khỏi danh sách ứng cử; kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, kỷ luật bằng hình thức cách chức…).

Đáng chú ý, nhóm nghiên cứu nhận định việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tiếp tục được chú trọng, kiên quyết xử lý trách nhiệm chính trị của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, nghiêm trọng trong lĩnh vực được giao quản lý, phụ trách.

Năm 2024 có 38 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng (trong đó, có 14 người bị khiển trách, 13 người bị cảnh cáo, 11 người bị cách chức).

Cạnh đó, các cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được tiến hành tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2023.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho hay, số vi phạm được phát hiện tăng không đáng kể.

Đến kỳ báo cáo, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành kiểm tra tại 90.793 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai minh bạch, phát hiện 395 cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm; tiến hành 15.948 cuộc kiểm tra việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ, phát hiện 373 vụ việc, 692 người vi phạm; kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử tại 86.417 cơ quan, tổ chức, đơn vị, phát hiện 1.087 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.

“Số liệu này cho thấy việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng ngừa tham nhũng đã có chuyển biến tích cực. Số liệu nêu trên cũng cho thấy tình trạng vi phạm việc thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, vi phạm việc thực hiện quy tắc ứng xử, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ vẫn còn diễn ra ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị”, ông Cường nêu ý kiến nhận định của nhóm nghiên cứu.

Ông Cường cũng cho biết, qua giám sát, khảo sát thực tế của Ủy ban Tư pháp cho thấy, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng ở một số địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức, số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra được tiến hành còn ít, vi phạm được phát hiện không nhiều.

Xử lý kê khai tài sản không trung thực chưa tương xứng với thực tế

Vẫn theo nhóm nghiên cứu, kết quả phát hiện, xử lý các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế.

“Thực tế xử lý các vụ án tham nhũng vừa qua cho thấy nhiều trường hợp sau khi cơ quan cảnh sát điều tra khám xét thì mới phát hiện khối tài sản lớn không kê khai, không rõ nguồn gốc. Qua phản ánh của dư luận, cử tri cho thấy tình trạng kê khai tài sản, thu nhập không trung thực diễn ra còn nhiều”, ông Cường nêu.

Về thực hiện chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cho rằng, đã được chú trọng. Số lượng người thực hiện chuyển đổi vị trí công tác tăng cao so với cùng kỳ.

Báo cáo cho thấy, năm 2024, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã chuyển đổi vị trí công tác với 86.211cán bộ, công chức, viên chức, đạt 96,16% (cùng kỳ năm 2023, chuyển đổi vị trí công tác 37.474 cán bộ, công chức, viên chức).

leftcenterrightdel
 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường. Ảnh: Đ.X

Qua giám sát, khảo sát thực tế của Ủy ban Tư pháp cho thấy, kết quả thực hiện chuyển đổi vị trí công tác ở một số địa phương còn thấp, chưa thống kê được cụ thể số lượng vị trí công tác cần thực hiện chuyển đổi trên địa bàn.

Khi thực hiện chuyển đổi ở một số vị trí công tác như kế toán, địa chính... còn gặp vướng mắc, bất cập.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu nhận định, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính của cán bộ, công chức, viên chức ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa nghiêm; tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn chưa được khắc phục triệt để.

“Tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ vẫn diễn ra”, theo lời Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp.

Ở một số lĩnh vực, tham nhũng còn nghiêm trọng, phức tạp

Nêu đánh giá chung về tình hình tham nhũng, nhóm nghiên cứu cho rằng, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp.

Nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng, đấu thầu, hoạt động ngân hàng, quản lý tài nguyên, khoáng sản..., gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có sự câu kết giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi.

Điển hình là vụ án vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; nhận hối lộ; lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.

Hay vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Thuận An và các đơn vị, tổ chức liên quan…

“Tình trạng này cho thấy việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng thời gian qua mặc dù đã được quan tâm nhưng còn chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhiều biện pháp phòng ngừa còn mang tính hình thức”, ông Cường nhấn mạnh

Cạnh đó, tham nhũng tiếp tục xảy ra ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính dịch vụ công vẫn diễn ra.

Nhóm nghiên cứu đề nghị, khẩn trương nghiên cứu, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, về xử lý vật chứng là tài sản và tài sản liên quan đến vụ án trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử... theo yêu cầu tại các văn kiện, nghị quyết của Đảng.

“Trường hợp cần thiết phải sửa đổi hoặc ban hành mới dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết thì khẩn trương chuẩn bị hồ sơ, lập đề nghị để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian sớm nhất”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu.

Nhóm nghiên cứu cũng đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng, đấu thầu, hoạt động ngân hàng, quản lý tài nguyên, khoáng sản, quản lý tài sản công...; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. 

Hương Giang