Ông Phạm Đại Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh chủ trì phiên họp.

Đánh giá của Ban Chỉ đạo tỉnh cho thấy, trong quý I năm 2024, Ban Chỉ đạo tỉnh đã tham mưu, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời và hiệu quả các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, tiêu cực; các kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực...

Ban Chỉ đạo tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN, tiêu cực, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phổ biến, tuyên truyền các quy định về kiểm soát quyền lực, PCTN, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, hoạt động thanh tra, kiểm toán và công tác cán bộ.

Tập trung chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh đẩy nhanh tiến độ, sớm kết thúc điều tra, xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực thuộc danh mục của Ban Chỉ đạo tỉnh, nhất là các vụ án, vụ việc do Đoàn Công tác số 7 kiến nghị.

Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo tỉnh đã thảo luận, cho ý kiến và thông qua chương trình công tác năm 2024 ; kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2024 của Ban Chỉ đạo tỉnh; danh mục các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo tỉnh theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc năm 2024, gồm 11 vụ án, vụ việc.

Kết luận phiên họp, Ban Chỉ đạo tỉnh đề nghị, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN, tiêu cực các quy định về kiểm soát quyền lực, PCTN, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, hoạt động thanh tra, kiểm toán và công tác cán bộ; tập trung chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan, đơn vị; xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đảng viên và nhân dân. Chỉ đạo chấn chỉnh, đấu tranh với “bệnh sợ trách nhiệm” trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Các ngành chức năng, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những lĩnh vực chuyên môn sâu, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn tỉnh như: Đầu tư công, công tác cán bộ, lĩnh vực đất đai… Chỉ đạo rà soát, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các kết luận, kiến nghị sau kiểm tra, giám sát, thanh tra của các đoàn kiểm tra của Trung ương, của tỉnh. Nâng cao hiệu quả công tác tự kiểm tra, thanh tra để phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ. Tiếp tục thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo tỉnh chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc. Xử lý nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng với xử lý hành chính và xử lý hình sự đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực theo nguyên tắc “tích cực, khẩn trương; rõ đến đâu xử lý đến đó; không có vùng cấm; đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử; xử lý nghiêm minh nhưng nhân văn; có quan điểm khách quan, toàn diện, lịch sử cụ thể khi xem xét xử lý sai phạm…”.

Thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác PCTN, tiêu cực đối với các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa bàn được phân công quản lý, theo dõi, phụ trách, nhất là trong triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước.

Đồng thời, giao Ban Nội chính Tỉnh ủy - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh theo dõi tiến độ xử lý từng vụ án, vụ việc thuộc danh mục Ban Chỉ đạo tỉnh; kịp thời tham mưu đề xuất Ban Chỉ đạo tỉnh chỉ đạo đối với những vụ án, vụ việc khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. 

Đình Sang