Ban Bí thư thống nhất quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương trong thời gian 2011 - 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng.

Việc cách chức một người khi không còn chức vụ trước nay “chưa có tiền lệ”. Hiện Quốc hội, Chính phủ cũng triển khai quy trình xử lý kỷ luật hành chính đối với ông Vũ Huy Hoàng theo chỉ đạo của Ban Bí thư.

ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nhận định, việc xử lý trách nhiệm kể cả người đã về hưu, nhất là đối với cán bộ cấp cao, tôi cũng như toàn bộ người dân đều hoan nghênh, nhưng cách làm phải đúng luật.

“Có thể có một số ngoại lệ để bảo đảm tính răn đe, nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu chỉ là điển hình, có nghĩa chỉ làm trường hợp này thôi mà không làm trường hợp khác nữa”.

Theo ĐBQH tỉnh Đồng Nai, cũng cần phải xây dựng hệ thống luật để cách chức một người đã hết chức từ lâu.

“Chậm còn hơn không làm. Chúng ta phải làm để hướng đến ngăn chặn để bảo vệ cán bộ, bảo vệ uy tín, quan trọng hơn là bảo vệ được Đảng của dân”.

Ông Dương Trung Quốc đặt câu hỏi, nếu không bắt đầu từ xe biển xanh của Trịnh Xuân Thanh thì có vấn đề Trịnh Xuân Thanh hay không? Từ việc của Trịnh Xuân Thanh thì có ra sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng không?

“Tôi rất ủng hộ những việc làm nghiêm khắc nhưng phải làm bài bản, trước hết phải tuân thủ luật pháp, đừng coi là điển hình mới mang lại lòng tin của người dân”, ĐB Dương Trung Quốc nhấn mạnh một lần nữa.

Trước băn khoăn có nên cách chức một người không còn chức, theo ĐB, phải xử lý, điều đó là đương nhiên vì không có quy định nào quy định không xử lý người đã về hưu.

“Ta hay hóa trọng chữ “nguyên”. Tôn trọng người đi trước là một đạo lý cần hết sức tôn trọng. Nhưng chữ “nguyên” can thiệp vào đời sống xã hội nhiều quá. Cho nên, băn khoăn để nguyên Bộ trưởng là một điều ghê gớm. “Nguyên” chỉ là nhắc lại một chuyện đã qua rồi. “Nguyên” là hoàn thành rồi, tôn trọng, nhưng tôn trọng ở một mức độ nào đấy thôi”, ĐBQH Dương Trung Quốc nói

Bàn về giám sát việc bổ nhiệm cán bộ, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) lưu ý, hiện bộ máy của chúng ta có cơ chế, có đủ quy định, có đủ năng lực để hoàn toàn có thể kiểm soát được điều này.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh)

“Trường hợp nào hợp lý thì giữ lại, trường hợp nào có vấn đề thì phải chấn chỉnh, phải huỷ bỏ quyết định bổ nhiệm. Dư luận nêu lên như thế mà không làm gì cả thì không hoàn thành trách nhiệm của mình với nhân dân, với cử tri”.

Câu chuyện “hoàng hôn nhiệm kỳ”, “cả họ làm quan”, theo ĐB Nghĩa, suy rộng hơn đó là phạm trù suy thoái đạo đức trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức. Căn bệnh đó, vấn nạn đó giải thích tất cả vấn đề còn lại.

“Khi có sự suy thoái đạo đức dẫn đến chuyện bổ nhiệm bừa bãi, theo kiểu vây cánh, lợi ích nhóm thì những người được bổ nhiệm sẽ vây cánh lại với nhau, che chắn cho nhau làm những điều sai trái”.

ĐB Nghĩa nhấn mạnh, Đảng đã xác định trách nhiệm này rồi. Đảng đã nhận diện được căn bệnh và đề ra Nghị quyết để thực hiện thời gian sắp tới.

“Nếu không thực hiện được thì phải nói là chúng ta thất bại trong vấn đề cán bộ. Khi đó những người vào bộ máy Nhà nước, bộ máy lãnh đạo vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân sẽ chi phối và là thảm họa cho bộ máy Nhà nước”, ông lưu ý.

Nói đến phát biểu của Tổng Bí thư về việc “nhốt quyền lực vào lồng quy chế luật pháp”, theo ĐBQH TP Hồ Chí Minh, điều này rất đúng.

“Hiến pháp đã quy định mọi tổ chức cá nhân, mọi ngành, mọi cấp, mọi giới đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, theo đúng nguyên tắc Nhà nước pháp quyền. Ai cũng phải ở trong “cái lồng” đó, hành lang pháp lý đó”.

Vấn đề là làm thế nào để thực hiện được như vậy? Làm thế nào để luật pháp được nghiêm minh? ĐB Trương Trọng Nghĩa nêu rõ, vấn đề con người, bắt đầu từ những người lãnh đạo cao nhất. 

“Người đứng đầu của Chính phủ là Thủ tướng, tiếp theo là các Phó Thủ tướng, người đứng đầu Bộ, ngành là Bộ trưởng, người đứng đầu địa phương là Chủ tịch các tỉnh. Phải bắt đầu từ những người đó. Những người này tuân thủ trong "lồng" pháp luật, sống và hành động đúng theo Hiến pháp và pháp luật thì mọi thứ được cải thiện rất nhiều”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nghĩa, khi cán bộ vi phạm pháp luật mà xử không nghiêm minh thì người lãnh đạo cấp trên của người vi phạm có vấn đề, hoặc do có lợi ích đan xen, thậm chí do chính anh có tiêu cực.

“Nếu người đứng đầu ngay ngắn thì giải quyết được rất nhiều vấn đề về cán bộ liêm chính”, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa chốt lại.

Thảo Nguyên