III. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT

- Để triển khai cho việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do 01 Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, Lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và một số địa phương là Thành viên. Ban Chỉ đạo đã Ban hành Kế hoạch tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), chỉ đạo, cho ý kiến về một số nội dung cơ bản của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

- Chính phủ đã chỉ đạo tiến hành tổng kết thi hành Luật Đất đai từ cấp cơ sở song song với tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu ban Chấp hành Trung ương Khoá XI[1]. Trên cơ sở kết quả tổng kết của các Bộ, ngành và địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai. Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội và nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Đất đai sửa đổi; ban hành Kế hoạch xây dựng dự án Luật Đất đai sửa đổi; nghiên cứu, xây dựng các nội dung của dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

- Bộ đã chủ động rà soát, đánh giá 112 luật, bộ luật có liên quan, xác định  những nội dung chồng chéo, thiếu thống nhất cần sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Đất đai và các Luật có liên quan. Tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, các buổi làm việc với cơ quan, tổ chức có liên quan, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế về dự thảo Luật. Tổ chức Hội thảo tại 3 miền để lấy ý kiến Ủy ban nhân dân, đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, các sở, ban ngành, các quận, huyện, thị xã; tổ chức hội thảo với các Bộ, ngành, Mặt  trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội... Trên cơ sở đó hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai gửi lấy ý kiến các Bộ ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.

- Ngay sau khi Nghị quyết số 18-NQ/TW được ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã huy động sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để thể chế hóa các quan điểm, chủ trương mới vào dự thảo Luật và nghiên cứu đánh giá các tác động của chính sách. Ban Soạn thảo, Tổ biên tập đã họp cho ý kiến đổi với dự án Luật và báo cáo xin ý kiến Ban Chỉ đạo. Ban Cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ về những định hướng lớn và một số nội dung chính sách lớn cần thể chế dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên cơ sở đó hoàn thiện Hồ sơ Dự án Luật đất đai (sửa đổi).

Dự thảo Luật đã được gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, VCCI, đăng dự thảo lên Cổng Thông tin địa tử của Chính phủ và của Bộ Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến đối tượng chịu tác động…

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị 3 miền Bắc - Trung - Nam để lấy ý kiến các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Hội nghị lấy ý kiến Trung ương mặt trận tổ quốc Việt  Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội bất động sản, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý.

Để xử lý các nội dung có giao thoa, chồng chéo giữa các pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức các cuộc làm việc với các Bộ trưởng: Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tư pháp để thống nhất quy định trong dự thảo Luật.

Với tính chất quan trọng của dự án Luật này và tinh thần phối hợp từ xa, từ sớm của Quốc hội với Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội đã chủ trì cuộc họp với các Ủy ban của Quốc hội để nghe cơ quan soạn thảo báo cáo về các chính sách lớn trong Dự thảo Luật.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp thu hoàn thiện hồ sơ dự án Luật. Ngày 03/8/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 4472/BTNMT-TCQLĐĐ gửi Bộ Tư pháp đề nghị thẩm định hồ sơ dự án Luật. Trên cơ sở ý kiến của Hội đồng thẩm định tại buổi họp ngày 09/8/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

 IV. BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA DỰ THẢO LUẬT

1. Bố cục

Về cơ bản, bố cục của dự thảo Luật được sắp xếp như Luật Đất đai hiện hành, tăng thêm 02 chương (bổ sung thêm 01 chương quy định về phát triển quỹ đất và tách chương thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành 02 chương). Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung  152 điều; bổ sung mới 37 điều và bãi bỏ 8 điều.

 2. Nội dung cơ bản của dự thảo Luật

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn và xu thế phát triển với nhiều điểm đổi mới, cụ thể:

2.1. Quy định cụ thể hơn quyền và trách nhiệm của Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý đối với đất đai và quyền, nghĩa vụ của Công dân đối với đất đai bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các quy định của Hiến pháp về sở hữu đất đai và quyền con người.

Thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết số 18-NQ/TW về sở hữu toàn dân đối với đất đai, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng cấp, quyền của nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất công bằng, công khai, hiệu quả và bền vững, ngoài các nội dung kế thừa Luật Đất đai năm 2013, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung các vấn đề sau đây:

- Bổ sung 01 mục mới (Mục 3) quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai, bao gồm: quyền tiếp cận đất đai, quyền tiếp cận thông tin đất đai, quyền tham gia, giám sát việc quản lý, sử dụng đất và các nghĩa vụ của công dân đối với đất đai nhằm thể chế quan điểm của Đảng về “Quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân; nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất công bằng, công khai, hiệu quả và bền vững” và làm rõ nội hàm “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” đã được khẳng định trong Hiến pháp.

- Bổ sung quy định làm rõ trách nhiệm của các cơ quan và phân cấp thẩm quyền gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong quản lý đất đai tại Điều 25 dự thảo Luật.

- Bổ sung quy định nhiệm vụ quản lý nhà nước trong xác định giá đất cụ thể, quản lý giá đất, phát triển quỹ đất, quản lý, khai thác hệ thống thông tin đất đai tại các khoản 8, 11, 14 Điều 26 dự thảo Luật.

2.2. Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bảo đảm thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ thúc đẩy phát triển; quản lý chặt chẽ đất đai về số lượng, chất lượng đất

Thể chế hóa chủ trương làm rõ mối quan hệ giữa các quy hoạch; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập ở 3 cấp gồm quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện; quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên, thể hiện được thông tin đến từng thửa đất. Dự thảo Luật đã quy định:

- Bổ sung các quy định về hoạt động, trách nhiệm điều tra, đánh giá đất đai và quy định về xử lý cải tạo, nâng cao chất lượng, phục hồi đất đai tại Điều 33 Điều 35 của Dự thảo nhằm quản lý chặt chẽ về số lượng, chất lượng đất phục vụ cho lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phục hồi chất lượng đất.

- Sửa đổi nguyên tắc lập quy hoạch tại Điều 37 dự thảo Luật, theo đó: (i) Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, các quy hoạch quốc gia và các quy hoạch ngành lĩnh vực có sử dụng đất phải đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau phát triển; (ii) đáp ứng yêu cầu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; (iii) bảo đảm kết hợp giữa chỉ tiêu sử dụng các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên, thể hiện được thông tin đến từng thửa đất (iv) bảo đảm tính liên tục, kế thừa, ổn định; phân bổ, cân đối nhu cầu sử dụng đất giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương, giữa các thế hệ, phù hợp với điều kiện, tiềm năng đất đai.

- Quy định hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là hệ thống đồng bộ, thống nhất được thiết lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện (cấp huyện làm cụ thể tới cấp xã), quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất an ninh tại Điều 38 dự thảo Luật. Bổ sung quy định về tầm nhìn của quy hoạch sử dụng đất tại Điều 39 và thời điểm lập quy hoạch tại Điều 40 để khắc phục độ trễ trong triển khai công tác lập quy hoạch đất đai, đảm bảo quy hoạch đất đai đáp ứng yêu cầu của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

- Đổi mới nội dung, phương pháp, quy trình lập, điều chỉnh và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại các điều 40, 41, 42 dự thảo Luật nhằm hiện đại hóa, nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phục vụ kịp thời cho phát triển kinh tế - xã hội. Nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải xác định không gian, ranh giới, vị trí, diện tích các khu vực (theo 03 ranh giới, 04 khu vực) theo định hướng giao thông, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội theo các khu chức năng đã được thể hiện trong quy hoạch đô thị, quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu và quy hoạch nông thôn theo kỳ quy hoạch sử dụng đất.

- Quy định tại Điều 48 dự thảo Luật việc rà soát quy hoạch sử dụng đất được thực hiện theo định kỳ 05 năm để điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.

Đặc biệt, để đảm bảo các quyền của người sử dụng đất tại khoản 5, khoản 6 Điều 51 dự thảo Luật đã hoàn các quy định cho phép người sử dụng đất được thực hiện các quyền của người sử dụng đất đối trong các khu vực quy hoạch; quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong rà soát, xử lý và công bố công khai việc hủy bỏ, thu hồi đất, chuyển mục đích đối với đất đã được ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Anh tuấn

(Còn nữa)