Đối tượng thanh tra có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ quan thanh tra và các cơ quan thuộc thẩm quyền quản lý của mình trong công tác thanh tra; giải quyết khó khăn, vướng mắc, xử lý kịp thời kiến nghị về thanh tra và chỉ đạo, tổ chức thực hiện kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật.

Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo đoàn thanh tra, bảo đảm nguyên tắc của hoạt động thanh tra, bảo đảm cuộc thanh tra được thực hiện đúng pháp luật, đúng mục đích, yêu cầu; giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị của đoàn thanh tra; các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, liên quan đến hoạt động của đoàn thanh tra.

Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo các thành viên thực hiện đúng nội dung, tiến độ thanh tra theo quyết định thanh tra và kế hoạch tiến hành thanh tra; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra; chịu trách nhiệm trước người ra quyết định thanh tra về hoạt động của đoàn thanh tra.

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra có trách nhiệm đề xuất người tham gia đoàn thanh tra; giám sát các thành viên đoàn thanh tra thuộc cơ quan, đơn vị mình; thực hiện các nhiệm vụ khác khi được người ra quyết định thanh tra giao.

Đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan có trách nhiệm báo cáo, giải trình, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra theo quy định của pháp luật; thực hiện yêu cầu, kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của người có thẩm quyền.

Hoạt động thanh tra thực hiện theo chế độ thủ trưởng. Thành viên đoàn thanh tra phải chấp hành quyết định, chỉ đạo của trưởng đoàn thanh tra; thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì cuộc thanh tra, trưởng đoàn thanh tra phải chấp hành quyết định, chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra.

Về tổ chức đoàn thanh tra, tại Chương II Thông tư quy định, đoàn thanh tra có Trưởng Đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra (nếu cần thiết), thành viên Đoàn thanh tra. Phó Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm giúp Trưởng Đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ được giao, phụ trách một số hoạt động của Đoàn thanh tra khi được Trưởng Đoàn thanh tra giao.

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra có trách nhiệm đề xuất người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của cuộc thanh tra làm Trưởng Đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra và số lượng người tham gia Đoàn thanh tra để người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định; trao đổi, thống nhất với người được dự kiến làm Trưởng đoàn thanh tra về những người được dự kiến là thành viên Đoàn thanh tra.

Việc đề xuất Trưởng đoàn, thành viên Đoàn thanh tra phải được thông báo với đơn vị quản lý, sử dụng trực tiếp người được đề xuất, đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ và người được dự kiến là thành viên Đoàn thanh tra.

Điều 10 Thông tư quy định, Trưởng Đoàn thanh tra phải có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm; liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan; có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của cuộc thanh tra; am hiểu về nghiệp vụ thanh tra; có khả năng phân tích, đánh giá, tổng hợp những vấn đề liên quan đến nội dung, lĩnh vực được thanh tra; có khả năng tổ chức, điều hành, hướng dẫn các thành viên trong Đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ thanh tra được giao.

Người đang bị xem xét kỷ luật không tham gia Đoàn thanh tra

Đối với các trường hợp không được tham gia Đoàn thanh tra được cụ thể tại Điều 11 gồm: Người có cổ phần tại doanh nghiệp là đối tượng thanh tra, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; người có vợ hoặc chồng, bố, mẹ đẻ, con, anh, chị, em ruột là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, người phụ trách công tác tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra; người đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người có hành vi vi phạm bị xử lý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 51 của Thông tư này mà chưa hết thời hạn xóa kỷ luật, xóa án tích; người không đủ các điều kiện khác để tham gia Đoàn thanh tra theo quy định của pháp luật.

Ngoài các trường hợp trên, người có vợ hoặc chồng, bố, mẹ đẻ, bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng, con, anh, chị, em ruột, hoặc anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra không được làm trưởng đoàn thanh tra.

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra có trách nhiệm kiểm tra, rà soát để phát hiện các trường hợp không được tham gia đoàn thanh tra trước khi trình người ra quyết định thanh tra.

Người được dự kiến là thành viên đoàn thanh tra thuộc một trong các trường hợp trên hoặc các trường hợp khác mà nhận thấy có thể không bảo đảm tính khách quan thì phải báo cáo thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra trước khi quyết định thanh tra được ban hành.

Trong quá trình tiến hành thanh tra, nếu phát hiện có người thuộc một trong các trường hợp trên thì người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định việc thay đổi Trưởng Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra.

Khi thành viên Đoàn thanh tra có một trong các hành vi bị nghiêm cấm; Trưởng Đoàn thanh tra thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều 12 của Thông tư…  thì người ra quyết định thanh tra xem xét, thay đổi.

Trong trường hợp thay đổi Trưởng đoàn thanh tra theo quy định tại Điều 12 của Thông tư này, người ra quyết định thanh tra yêu cầu thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp Trưởng Đoàn thanh tra trình văn bản đề nghị thay đổi Trưởng Đoàn thanh tra kèm theo dự thảo Qquyết định thay đổi Trưởng Đoàn thanh tra và các tài liệu có liên quan (nếu có).

Trường hợp trưởng đoàn thanh tra đồng thời là thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì cuộc thanh tra thì người ra quyết định thanh tra yêu cầu thủ trưởng đơn vị phụ trách công tác tố chức cán bộ trình văn bản đề nghị thay đổi Trưởng Đoàn thanh tra kèm theo dự thảo Quyết định thay đổi Trưởng Đoàn thanh tra.

Người ra quyết định thanh tra căn cứ vào văn bản đề nghị và các thông tin khác có liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra xem xét, ban hành quyết định thay đổi Trưởng Đoàn thanh tra.

Người ra quyết định thanh tra căn cứ vào văn bản đề nghị của Trưởng Đoàn thanh tra, kết quả giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra và các thông tin khác có liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra ban hành quyết định thay đổi thành viên Đoàn thanh tra. Trong trường hợp không đồng ý thì người ra quyết định thanh tra trả lời cho người đề nghị và nêu rõ lý do.

Khi xét thấy cần thiết, căn cứ vào yêu cầu thực hiện nhiệm vụ thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra trao đổi, thống nhất với thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng trực tiếp người được đề xuất bổ sung vào Đoàn thanh tra, có văn bản đê nghị và dự thảo quyết định bổ sung thành viên Đoàn thanh tra gửi người ra quyết định thanh tra. Văn bản đề nghị phải nêu rõ lý do, họ tên, chức danh của người được bố sung. Trường hợp người ra quyết định thanh tra không đồng ý với đề nghị bố sung thành viên Đoàn thanh tra thì trả lời cho người đề nghị và nêu rõ lý do.

 

Thân Giang