Lời toà soạn: Tây Nguyên là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, được xem là “phên dậu phía Tây của Tổ quốc”, là “nóc nhà của Đông Dương”. Sự ổn định và phát triển bền vững của Tây Nguyên có ý nghĩa tích cực đối với sự ổn định và phát triển của đất nước. Chính vì có vị trí chiến lược quan trọng trên, những năm qua, các thế lực thù địch trong và ngoài nước luôn tìm mọi cách để xuyên tạc, hòng phá vỡ sự yên bình của vùng đất này. Một trong những thủ đoạn chúng nhắm đến là chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc.

Loạt bài 3 kỳ "Vị thế Tây Nguyên và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc” do PV Báo Thanh tra thực hiện hy vọng sẽ truyền tải những thông điệp nhằm nhận diện, đập tan mưu đồ phá hoại của các thế lực thù địch; những câu chuyện xúc động thể hiện sự nhân văn, sẻ chia, đoàn kết của bà con các dân tộc trên địa bàn; những "hạt nhân" đoàn kết là người dân tộc thiểu số và tầm ảnh hưởng đến người dân, đồng bào là người trên địa bàn để góp phần tuyên truyền, kêu gọi đồng bào, đồng chí và chiến sỹ trên địa bàn đoàn kết, tham gia tích cực vào phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", yên tâm lao động, sản xuất, củng cố và vun đắp tình đoàn kết các dân tộc anh em; góp phần vào sự ổn định, phát triển của địa phương. 

leftcenterrightdel
Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đến đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân. Ảnh: NG

Hé lộ những âm mưu thâm độc

Hiếm nơi nào như Tây Nguyên có nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc nhờ sự hội tụ của 54 dân tộc anh em trên dãy đất hình chữ S. Các dân tộc anh em cùng chung sống đoàn kết như lời Bác răn dạy: Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau.

Thế nhưng, những năm qua, các thế lực thù địch trong và ngoài nước nấp bóng các tổ chức, hội nhóm phản động với chiêu bài kích động người dân Tây Nguyên đấu tranh đòi thành lập nhà nước độc lập như: “Hội những người miền núi” (MFI); “Nhân quyền người Thượng” (MHRO); “Người Thượng thống nhất” (UMP)... Chúng ra sức tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam bằng nhiều thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc.

Đáng chú ý, các tổ chức phản động lưu vong và số đối tượng xấu tuyên truyền “đất Tây Nguyên là của người Thượng”, kích động người dân tộc thiểu số ở các tỉnh Tây Nguyên “đuổi người Kinh về đồng bằng” vì “người Kinh cướp đất của đồng bào trên chính quê hương của mình”.

Chúng tìm mọi cách vừa tuyên truyền xuyên tạc, vừa khoét sâu mâu thuẫn giữa người Kinh với người Thượng, lợi dụng một số cán bộ địa phương có sai lầm, khuyết điểm để kích động đồng bào tụ tập đấu tranh, gây rối, biểu tình. Lợi dụng và xoáy sâu vào vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, đất đai, xem đây là những “ngòi nổ” để kích động tư tưởng ly khai, tự trị, “bài Kinh”.

Một sự kiện đau lòng chúng tôi buộc phải khơi lại để thấy rõ hơn âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch. Đó là vụ khủng bố ngày 11/6/2023 xảy ra tại huyện Cư Kuin (Đắk Lắk), khiến 9 người thiệt mạng (4 cán bộ, chiến sĩ công an; 2 cán bộ xã và 3 người dân).

Đầu năm 2024, TAND tỉnh Đắk Lắk đã đưa vụ án ra xét xử 100 bị cáo. Tại đây, qua tài liệu, lời khai của các bị cáo đã phơi bày mưu đồ phản quốc, xuyên tạc, sai sự thật của những kẻ cầm đầu như: Y Mút Mlô cầm đầu tổ chức “Nhóm hỗ trợ người Thượng” tại Mỹ (MSGI), Y Quynh Bdap vượt biên trái phép sang Thái Lan, thành lập tổ chức “Người thượng vì công lý” (MSFJ). Bằng luận điệu lừa bịp “vẽ” cuộc sống giàu sang nơi xứ người để tuyên truyền, kích động, thậm chí đe doạ, lôi kéo một bộ phận người dân tộc thiểu số tham gia tấn công vũ trang nhằm lật đổ chính quyền.

Chúng rót tiền, chỉ đạo thành lập nhóm “Lính Đêga”, đưa thuộc cấp của mình vượt biên trái phép về Việt Nam để chỉ đạo thực hiện vụ tấn công khủng bố vào hai trụ sở cơ quan của xã Ea Ktur và Ea Tiêu (huyện Cư Kuin).

Trước toà, bị cáo Y Khuik Ayun đã bày tỏ sự ân hận về những việc làm sai trái. Bởi trước khi gây ra vụ án, bị cáo tin vào lời hứa của các đối tượng cầm đầu như: Sau khi tham gia vụ tấn công nhằm lật đổ chính quyền sẽ có trực thăng đón qua nước ngoài tận hưởng cuộc sống giàu sang; được chia đất đai…Thế nhưng sau khi Y Khuik Ayun và đồng bọn góp tiền, công sức, thậm chí liều mạng, phản bội đồng bào, Tổ quốc, thì đã bị nhóm cầm đầu bỏ rơi....

Các bị cáo bày tỏ sự ăn năn hối lỗi tột cùng, kêu gọi các đối tượng còn lại ra đầu thú và xin Đảng, Nhà nước, pháp luật Việt Nam khoan hồng, cho họ một con đường làm lại cuộc đời.

leftcenterrightdel
Công an huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) phối hợp chính quyền địa phương tặng dê giống cho những người từng vượt biên hồi hương, tù tha có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mong muốn vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: NG 

Nhân văn cho người lầm đường lạc lối

Hội đồng xét xử nhận định hành vi của các bị cáo trong vụ khủng bố là đặc biệt nghiêm trọng. Song xét thấy các bị cáo thiếu hiểu biết pháp luật, nhẹ dạ cả tin; có bị cáo bị đe dọa, bắt tham gia vào tổ chức, hoạt động khủng bố nên ra một bản án nhân văn, thể hiện sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước, đối với người lầm đường lạc lối, biết “quay đầu là bờ”. Không chỉ đối với các bị cáo trong vụ khủng bố, mà những trường hợp vì nhẹ dạ cả tin, làm theo lời xúi giục của kẻ xấu cũng được Đảng, Nhà nước ta khoan dung độ lượng, tạo điều kiện để quay về quê hương, làm lại cuộc đời.

Như câu chuyện của chị H’Pruch Mlô, ở buôn Đrao (xã Cư Né, huyện Krông Búk, Đắk Lắk). Đã nhiều năm, chị chưa thể nào quên được nỗi đau mất mát người thân trong thời gian sinh sống trên đất Campuchia. Năm 2016, tin vào lời hứa của những đối tượng lưu vong khi qua Campuchia sẽ được đưa sang nước thứ ba để có cuộc sống giàu sang, sung sướng. Vợ chồng chị H’Pruch đã bán nhà, vườn rẫy được gần 100 triệu đồng, rồi đưa hai con nhỏ vượt biên. Vừa đến Campuchia, vợ chồng chị bị lừa lấy hết tiền. Cả gia đình phải sống chui lủi, khổ cực trên đất khách quê người.

Không lâu sau, chồng chị bệnh nặng rồi mất. Một mình chị H’Pruch cố gắng bám trụ làm việc để nuôi hai con nhưng không đủ ăn. Chị tìm cách liên hệ, cầu cứu người thân ở quê nhà. Sau đó, ba mẹ con chị được giúp đỡ, đưa về buôn làng từ năm 2019. Từng trải qua những tháng ngày sống trong khổ cực vì tin lời kẻ xấu, chị H’Pruch đã tham gia các buổi phát động quần chúng tuyên truyền phòng, chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, gây chia rẽ cộng đồng.

leftcenterrightdel
 Công an huyện Ea H'leo phát động, tổ chức “Điểm đổi gạo lấy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo”. Ảnh: NG

Một việc làm xúc động, đầy nhân văn mà Công an huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) phối hợp chính quyền địa phương triển khai đó là nhân rộng mô hình “3 đồng hành” – Đồng hành cùng phát triển kinh tế, đồng hành trong công tác đảm bảo an ninh trật tự và đồng hành trong xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương. Theo đó, chính quyền, lực lượng công an tổ chức tặng dê giống cho những người từng vượt biên hồi hương, tù tha có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mong muốn vươn lên trong cuộc sống, làm lại cuộc đời, không muốn phạm phải sai lầm, đồng hành cùng chính quyền xây dựng quê hương giàu mạnh.

Chưa hết, Công an huyện Ea H'leo còn phát động, tổ chức “Điểm đổi gạo lấy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo”. Từ mô hình này, khắp nơi trên địa bàn Tây Nguyên đã hưởng ứng tích cực. Một vòng tay lớn cứ thế nối dài và siết chặt tình đoàn kết các dân tộc trên cao nguyên, đập tan mọi âm mưu xúi giục, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Mới đây, Bộ Công an tặng kinh phí xây 1.200 căn nhà cho hộ nghèo, khó khăn ở Đắk Lắk. Theo Thượng tướng Lương Tam Quang, việc tặng nhà rất có ý nghĩa, thiết thực nhằm hỗ trợ một bộ phận người dân nghèo, đời sống gặp nhiều khó khăn ở các huyện, thị xã, thành phố có nhà ở ổn định, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống; tạo chuyển biến về đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương.

Bài 2: Những "thủ lĩnh" xây dựng khối đại đoàn kết

Ngọc Giàu