Chủ nhiệm Đề tài cho biết, từ năm 2016-2020, thông qua các hoạt động thanh tra, các cơ quan thanh tra đã chuyển cơ quan điều tra xử lý 491 vụ việc với 701 đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, pháp luật chưa có những quy định cụ thể về giai đoạn nào thực hiện việc trao đổi thông tin trong hoạt động thanh tra, việc chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm phụ thuộc nhiều vào các cơ quan thanh tra đánh giá mà chưa có quy định về sự phối hợp giữa cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra, viện kiểm sát trong việc xác định các dấu hiệu phạm tội. Do đó gây ảnh hưởng đến việc xử lý nhanh chóng các hành vi vi phạm, nguy cơ che dấu hành vi vi phạm, tiêu hủy chứng cứ phạm tội.

Các quy định của pháp luật về mối quan hệ giữa cơ quan thanh tra, điều tra và viện kiểm sát trong hoạt động thanh tra hiện nay tập trung chủ yếu trong việc trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra, mà trong thực tiễn vẫn có những nhu cầu phối hợp khác trong hoạt động thanh tra như: Giám định, xác minh, đánh giá tài liệu, phối hợp tham gia đoàn thanh tra. Do đó, cũng cần phải có sự đánh giá một cách toàn diện hơn về các vấn đề, nội dung, phương thức phối hợp và nhu cầu phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát.

Với mục tiêu là làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về sự phối hợp giữ cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra và viện kiểm sát trong việc trao đổi thông tin, tội phạm và giải quyết những kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra, qua đó đưa ra những giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động này.

Đề tài nghiên cứu 3 nội dung chính: Một số vấn đề chung về sự phối hợp giữa cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra, viện kiểm sát trong hoạt động thanh tra; thực trạng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác này.

Thực tế cho thấy, Bộ Công an và Thanh tra Chính phủ đều đã có nhiều cố gắng quan tâm triển khai và đạt một số kết quả quan trọng trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, tạo được sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cán bộ, chiến sỹ trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự nhất là trong các lĩnh vực phối hợp trao đổi thông tin, phối hợp đảm bảo an ninh chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật Nhà nước tại cơ quan, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ; phối hợp trong công tác phòng, chống tham nhũng, chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra; phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự tại các Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, xử lý nhiều vụ việc người khiếu nại, tố cáo gây phức tạp về an ninh, trật tự.

Việc phối hợp giữa cơ quan thanh tra với cơ quan điều tra, viện kiểm sát trong xây dựng định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra hằng năm không được cơ quan chú trọng; việc phối hợp giữa cơ quan thanh tra và cơ quan điều tra nhằm trao đổi thông tin về những vụ việc tiêu cực, vụ việc có dấu hiệu phạm tội mà qua thông tin tố giác tội phạm cơ quan điều tra có được nhưng chưa được cơ quan thanh tra quan tâm thực hiện việc phối hợp.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TH

Ngoài ra, trong những năm gần đây, ngành Thanh tra đã chuyển các vụ iệc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra tăng, chất lượng hiệu quả thanh tra, kiểm tra từng bước được nâng lên, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm, vi phạm pháp luật, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của các cơ quan nội chính trong việc thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án trong phòng, chống tham nhũng…

Tại hội thảo, TS Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT đánh giá, đề tài được chuẩn bị tốt, nội dung phong phú, đáp ứng được mục đích đề ra.

Để đề tài hoàn thiện hơn, ở Chương 1 mặc dù các khái niệm đủ phục vụ mục tiêu đề tài. Theo quy định thì quá trình hoạt động thanh tra có phát hiện dấu hiệu tội phạm thì chuyển qua cơ quan điều tra và gửi hồ sơ qua viện kiểm sát, đề tài nên bổ sung thế nào là dấu hiệu tội phạm?

Đồng quan điểm, ThS Phạm Thị Thu Hiền cũng cho rằng, đề tài có nội dung tốt, nội dung sâu từ lý luận đến thực trạng, các giải pháp có tính có giá trị ứng dụng cao, đầu tư nghiêm túc.

Đề tài cần tham khảo các quan điểm của công trinh nghiên cứu khác, sau đó đưa ra quan điểm riêng của mình.

Phần khái quát chung, đề tài cần đi sâu vào hoạt động của các cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra và viện kiểm sát, bổ sung mục đích của các cơ quan đó; đồng thời nên vừa phân tích và so sánh các cơ vai trò hoạt động các cơ quan đó. Khi so sánh đặc điểm hoạt động thanh tra và các cơ quan khác cân nhắc bổ sung thêm cơ sở pháp lý của cơ quan đó

Bổ sung thêm đặc điểm sự phối hợp đảm bảo qua lại 2 chiều giữa Thanh tra Chính phủ và cơ quan điều tra về việc cung cấp thông tin giữa 2 bên….

Thái Hải