Thời gian qua, người dân ở xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa rất bức xúc về việc "cát tặc" thường xuyên dùng tàu thuyền công suất lớn chọc hút cát trái phép trên sông Mã cả ngày lẫn đêm, gây ảnh hưởng đến hoa màu, đất canh tác, đê điều của địa phương.

Nhiều người dân đã làm đơn kiến nghị đến các ban, ngành chức năng, Công an huyện Hoằng Hóa đề nghị vào cuộc xử lý nghiêm minh nạn cát tặc.

“Cát tặc hút trộm cả ngày lẫn đêm, nhiều lần còn cho vòi hút vào gần bờ đê Hoằng Giang để hút. Cao điểm có 10 tàu hút cùng một lúc làm ảnh hưởng đến đê điều, cuộc sống sinh hoạt của người dân, tiếng ồn còn làm con cái chúng tôi không thể học bài vào ban đêm”, một người dân viết trong đơn kiến nghị.

Đơn thư phản ánh của người dân về nạn cát tặc ở xã Hoằng Giang. Ảnh: Văn Thanh

Trước kiến nghị của công dân, Công an xã Hoằng Giang đã có báo cáo gửi Công an huyện Hoằng Hóa thông báo: “Thời gian gần đây, tuyến sông Mã thuộc địa bàn xã xuất hiện một số cá nhân lợi dụng việc khai thác khoáng sản cát ở các mỏ được cấp phép tại huyện Thiệu Hóa, nhưng lại sử dụng tàu hút cát di chuyển sang địa phận xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, do lực lượng công an xã mỏng, thiếu công cụ hỗ trợ, do đó, đề nghị Công an huyện Hoằng Hóa quan tâm phối hợp với Công an xã Hoằng Giang xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát trái phép, giúp nhân dân ổn định cuộc sống”.

Báo cáo của Công an xã Hoằng Giang về tình hình cát tặc trên địa bàn. Ảnh: Văn Thanh

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, ông Lê Văn Trung, Phó trưởng Công an huyện Hoằng Hóa cho biết: Trước vấn nạn "cát tặc", huyện đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành phối hợp với các địa phương để “mật phục” bắt giữ tàu thuyền. Mới đây, đoàn đã tiến hành bắt giữ 7 tàu công suất lớn đang hoạt động khai thác khoáng sản tại địa bàn xã Hoằng Giang, gồm tàu của ông Ngô Văn Hợp, sinh năm 1985; Đỗ Văn Hùng, sinh năm 1973; Nguyễn Văn Phúc, sinh năm 1983; Nguyễn Thị Thảo, sinh năm 1976; Ngô Văn Thiết, sinh năm 1970; Trần Văn Thủy, sinh năm 1991 (đều ở xã Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa); Nguyễn Văn Thắng, sinh năm 1974 (ở xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa). 

Vào thời điểm bị bắt giữ, mỗi tàu đều đã khai thác được từ 20 - 80m3 cát. Qua quá trình kiểm tra, các tàu này đều không có đăng ký, đăng kiểm và có thái độ bất hợp tác với cơ quan điều tra. Khi tiến hành bắt giữ các tàu này, lực lượng chức năng đã dùng thiết bị định vị GPS, sau đó tiếp tục định vị lần 2 sau khi bắt giữ để khẳng định việc các tàu hút cát ở địa phận Hoằng Giang là trái phép.

“Vụ việc cũng đã được báo cáo lên Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa để xử lý nghiêm minh. Chứ không thể để thế này được, lợi ích nhóm và mối quan hệ rất phức tạp. Khi bị bắt những người trên tàu đều bất hợp tác, không xuất trình giấy tờ, nguồn gốc về tàu. Khi lực lượng chức năng yêu cầu đưa tàu về bến cá Hoằng Phụ để tạm giữ thì lực lượng này chống đối, không chấp hành”, ông Trung nói.

Quyết định tạm giữ các tàu khai thác cát vi phạm ở xã Hoằng Giang. Ảnh: Văn Thanh

Thời gian qua, do lợi ích từ việc khai thác cát lớn, "cát tặc" thi nhau hoành hành ở các tuyến sông và trở thành điểm nóng trên địa bàn huyện Hoằng Hóa. Trước tình hình này, Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa Lê Đình Giang đã có văn bản gửi chính quyền các xã, thị trấn yêu cầu phối hợp với lực lượng chức năng xử lý nghiêm nạn cát tặc. Nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng bơm hút cát trái phép thì Chủ tịch UBND địa phương đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Với sự quyết liệt của các ban, ngành chức năng huyện Hoằng Hóa đã ra quân bắt 20 trường hợp tàu thuyền hút cát trái phép, tạm giữ nhiều phương tiện, ra quyết định xử phạt hơn 200 triệu đồng. 

Đề nghị cơ quan chức năng sớm giải quyết dứt điểm vấn nạn "cắt tặc" trên địa bàn xã Hoằng Giang, xử lí nghiêm minh 7 tàu khai thác cát trái phép vừa bị bắt giữ, mang lại sự bình yên, tạo niềm tin cho nhân dân.

Văn Thanh