Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp về tình hình hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép với các Bộ, ngành, địa phương chiều 7/3.

Hàng nghìn m3 cát bị khai thác trái phép mỗi đêm

Thời gian qua, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước, diễn biến phức tạp, hoạt động công khai, gây bức xúc trong dư luận.

2 dạng vi phạm phổ biến được xác định là vi phạm trong hoạt động nạo vét đường thủy, tận thu sản phẩm và khai thác cát, sỏi trái phép.

Đáng chú ý, trên các sông Hồng, sông Lô, sông Cầu, sông Thái Bình, sông Chảy; sông Mã, sông Chu, sông Trà Khúc, sông Sài Gòn đoạn chảy qua TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, sông Đồng Nai… hàng đêm có hàng nghìn đối tượng sử dụng hàng trăm tàu để khai thác, vận chuyển, mua bán cát trái phép với số lượng lên đến hàng nghìn m3.

Thủ đoạn khai thác của các đối tượng này thường vào ban đêm. Hầu hết các phương tiện đều không biển kiểm soát hoặc đã bị tẩy xóa, thay đổi và thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động.

Thậm chí, thông báo cho nhau khi có lực lượng kiểm tra xử lý; sẵn sàng sử dụng bạo lực, đe dọa, tranh giành địa bàn, nhân công và phương tiện để khai thác trái phép, dẫn đến phức tạp về an ninh, trật tự trên các tuyến sông.

Quản lý chồng chéo

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà phân tích, theo Luật Khoáng sản, UBND cấp tỉnh chỉ đạo khai thác cát trên sông. Tuy nhiên, việc khơi thông luồng lạch lại do Cục Đường thủy cấp phép.

“Trên một dòng sông có cát, có 2 đơn vị, 2 cơ quan khai thác. Hai nơi, hai phương thức quản lý không trùng nhau. Đây chính là kẽ hở”, Bộ trưởng Hà nói.

Theo ông, “cát tặc” nói rất nhiều rồi cho nên cần tăng cường quản lý giám sát mà lực lượng lòng cốt là công an. Tiếp đó, chống “cát tặc” không dựa vào danh giới, các tỉnh, các bộ, ngành cần phối hợp.

“Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên Môi trường và các tỉnh phải tăng cường phối hợp quản lý khai thác, nạo vét cho phù hợp. Cùng với đó cần minh bạch giấy phép khai thác để người dân giám sát”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cũng thừa nhận, đang có sự lẫn lộn giữa tận thu khoáng sản và khai thác khoáng sản trên luồng hàng hải, đường thủy nội địa, khiến việc quản lý có sự chồng chéo trong quản lý có sự chồng chéo.

Hiện nay chính sách nạo vét, duy tu luồng hàng hải không thành công nên đề xuất tạm dừng và đang kiến nghị nâng từ thông tư lên nghị định. Nhất là, việc quản lý của mình chưa tốt nên doanh nghiệp khai thác khoáng sản có thể khai thác đến độ sâu 15 - 20m nhưng khi tận thu chỉ cần 6m.

Chính vì thế, theo ông Nhật, không nên cấp mỏ khoáng sản trên luồng hàng hải và đường thủy nội địa. Các địa phương cũng cần thống nhất là dự án nào hết hạn thì không cấp lại.

Xử lý hành chính khó răn đe

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh thấy rằng, chế tài xử lý chưa đủ răn đe, việc xử lý hình sự khó khăn.

“Khi bắt được thì chỉ xử lý hành chính còn nếu muốn xử lý hình sự thì phải chứng minh được hành vi đó gây hậu quả nghiêm trọng nhưng việc này khó”.

Ông Chánh cũng cho biết, đối với các dự án nạo vét, Đồng Nai trước mắt không cấp phép dự án mới; rà soát các dự án đã cấp phép rồi để xem có chấp hành đúng các quy định hay không và nếu cần thiết sẽ rút giấy phép để bảo vệ môi trường.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương nêu quan điểm, cần quyết tâm lập lại trật tự, làm rõ ai cấp phép, ai quản lý.

Tho đó, cần có kế hoạch thanh tra kiểm tra tổng thể để đánh giá kỹ; nêu cao vài trò quản lý Nhà nước. Riêng Bộ Công an đề nghị bổ sung việc chống hoạt động khai thác cát trái phép là nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo 138.

“Cũng cần phải xem lại quy định của luật bởi xưa nay chúng ta đa phần xử lý hành chính, việc xử lý hình sự rất ít nên khó mà răn đe được các đối tượng”, Thứ trưởng Vương nhấn mạnh.

Có dấu hiệu bảo kê

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định cát sỏi là nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn, cần nhiều năm để tái tạo.

Với đà khai thác như hiện nay thì nguồn tài nguyên này sẽ sớm cạn kiệt; đồng thời gây ra nhiều hệ lụy khác như xói mòn, sạt lở bờ sông, làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng người dân…

Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ và Thủ tướng đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo để chấn chỉnh tình trạng khai thác cát trái phép, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay hoạt động khai thác cát sỏi vẫn diễn biến phức tạp, chưa được ngăn chặn hiệu quả.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan, ông cho rằng, do một số nơi cấp ủy, chính quyền ở cơ sở còn buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản. Việc xử lý vi phạm thiếu nhất quán, chưa đủ tính răn đe đối tượng vi phạm.

“Chúng ta thấy một thực tế là có những vi phạm diễn ra công khai, ban ngày, liên tục nhưng vẫn không bị xử lý gì. Có thể có tình trạng cơ quan chức năng, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, bao che, thậm chí là có dấu hiệu bảo kê cho tội phạm", Phó Thủ tướng nói.

Trước sự bức xúc của nhân dân và các hệ lụy do nạn khai thác cát trái phép gây ra, Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng chức năng phải có quyết tâm lớn để ngăn chặn, đẩy lùi.

Theo đó, Bộ Công an trước mắt mở đợt đấu tranh cao điểm chống “cát tặc” từ 15/3/2017 đến 1/6/2017.

“Xem xét khởi tố hình sự một số vụ án trọng điểm để góp phần răn đe, phòng ngừa chung. Phải chỉ đạo lập chuyên án, làm rõ đường dây khai thác cái trái phép”, ông Trương Hòa Bình yêu cầu.

Ông cũng lưu ý, Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an đề xuất chế tài cần thiết, đủ sức răn đe các hành vi khai thác cát trái phép. Chế tài xử lý phải xử lý, tránh để đối tượng kiện ngược lại lực lượng chức năng.

Các cấp ủy, chính quyền phải nêu cao trách nhiệm trong quản lý địa bàn, đấu tranh với nạn khai thác cát sỏi trái phép. Nơi nào để tình trạng vi phạm kéo dài thì phải xử lý người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương đó

Hà Nội “hứa” chắc chắn không để xảy ra khai thác cát, sỏi trái phép

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Hà Nội cương quyết xử lý tình trạng khai thác cát trái phép và là địa phương đầu tiên bắt giam và khởi tố các đối tượng khai thác cát trái phép.

“Những hiện tượng trước đây như khai thác cát trái phép, lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa lòng sông đã cơ bản được chặn. Đến nay, trên địa bàn TP cơ bản không còn khai thác cát trái phép, chỉ có một số hiện tượng lén lút nhưng không đáng kể”, ông Hùng thông tin.

Hà Nội đã lập quy hoạch và tới đây sẽ tổ chức đấu thầu khai thác các mỏ cát trên địa bàn để vừa thu về ngân sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất, vừa khai thác tài nguyên theo đúng quy định của pháp luật, cung cấp sản phẩm cho xã hội.

"Liệu sau thời gian, tình trạng này có xảy ra không? Hà Nội có hứa chắc chắn với Chính phủ không”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu.

Trả lời, Phó Chủ tịch Hùng cam kết, Hà Nội đảm bảo sẽ không để xảy ra tình trạng đó. Chắc chắn với Chính phủ sẽ không để xảy ra.

“Hà Nội sẽ không quá chủ quan nhưng sẽ thường xuyên tăng cường kiểm tra, quản lý hài hòa quyền lợi của Nhà nước và doanh nghiệp”, ông Hùng nói và cho biết sẽ phối hợp với các địa phương như Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên để tránh trường hợp có địa bàn tranh chấp…

Thảo Nguyên