Bị cáo Trầm Bê không biết mục đích thực sự của khoản vay

Cơ quan Cảnh sát điều tra kết luận bị cáo Trầm Bê đã giúp sức tích cực cho Phạm Công Danh phạm tội, gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng (VNCB) 1.836 tỷ đồng. Hành vi của bị cáo Trầm Bê đã phạm vào tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại khoản 3, Điều 165 Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, bị cáo Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch VNCB và Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh khai trước tòa rằng bị cáo Trầm Bê không biết mục đích thực sự của khoản vay 1.800 tỷ đồng cho 6 công ty "ma". Bị cáo Danh gặp bị cáo Trầm Bê và giới thiệu về mấy công ty có nhu cầu cung ứng vật liệu để bảo lãnh khoản vay tại Sacombank.

Ý kiến này của bị cáo Danh trùng hợp với ý kiến của bị cáo Phan Thành Mai, nguyên Tổng Giám đốc VNCB trong phiên tòa ngày 10/1 vừa qua. Theo bị cáo Mai, Sacombank đã cấp tín dụng cho Phạm Công Danh nhưng phía Sacombank không biết chủ đích này. Bị cáo Mai xin Hội đồng Xét xử (HĐXX) xem xét cho phía Sacombank vì họ không hề hay biết mục đích thực sự của khoản vay.

Lý giải trước tòa về nguyên nhân bị cáo Danh gặp mình, bị cáo Trầm Bê nói bản thân là Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank, có quyền hạn trong việc cho vay 1.800 tỷ đồng. Không chỉ bị cáo Danh, bất kỳ khách hàng nào khi có nhu cầu vay vốn ở mức tín dụng trên đều phải làm việc với bị cáo Trầm Bê. Tại thời điểm cho vay, bị cáo Trầm Bê không biết VNCB đang đặt dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Về giao dịch tiền gửi giữa VNCB và Sacombank, bị cáo Phan Thành Mai nói hai bên được phép gửi tiền liên ngân hàng thị trường theo nội dung và khung hạn mức, kỳ hạn dưới 3 tháng.

Đại diện giám định NHNN cũng cho biết, theo kết quả giám định, việc gửi tiền giữa hai ngân hàng là đúng theo Luật các Tổ chức tín dụng 2010, Thông tư 21 và Thông tư 01. Trong giấy phép hoạt động của VNCB cũng có nội dung VNCB được phép thực hiện các hoạt động của ngân hàng thương mại, trong đó có gửi tiền.

Liên quan tới khoản vay 1.800 tỷ đồng tại Sacombank rồi gửi trả nợ vay 2.600 tỷ đồng BIDV, đại diện Viện Kiểm sát cho biết đây là nguồn tài sản do phạm tội mà có. Phạm Công Danh dùng tiền bảo lãnh của VNCB rồi rút tiền trái pháp luật từ Sacombank trả cho BIDV. Cơ quan tố tụng truy ra được đường đi của dòng tiền cuối cùng về BIDV. 

Tại sao chỉ vay 4.700 tỷ đồng từ BIDV?

Phạm Công Danh lập 12 công ty để vay 4.700 tỷ đồng từ BIDV với điều kiện VNCB bảo lãnh 3.070 tỷ đồng tiền gửi và tài sản đảm bảo. Bị cáo Phan Thành Mai lý giải VNCB cần 4.500 tỷ đồng để tăng vốn cho VNCB từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng theo yêu cầu của NHNN. Con số 200 tỷ đồng còn lại có thể được dùng để chi chăm sóc khách hàng. Bị cáo Mai thừa nhận 12 công ty này không có thật, không hoạt động trên thực tế.

Tuy nhiên, tới thời điểm các lãnh đạo VNCB bị khởi tố, VNCB chưa hoàn tất việc tăng vốn lên 7.500 tỷ đồng do NHNN chưa có quyết định đồng ý. Song thời điểm trước đó, VNCB đã nộp hồ sơ gửi lên Sở Kế hoạch - Đầu tư Long An để thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có thay đổi vốn điều lệ lên 7.500 tỷ đồng. Thủ tục này do phòng hành chính VNCB thực hiện. 

Bản thân bị cáo Mai thừa nhận khi chưa có xác nhận của NHNN mà Sở Kế hoạch - Đầu tư Long An cấp giấy thay đổi là không đúng quy định pháp luật. Chủ tọa phiên tòa đã mời đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư Long An lên để thẩm vấn làm rõ những mâu thuẫn này nhưng vị đại diện vắng mặt tại phiên tòa.

Ngày 12/1/2018, phiên tòa tiếp tục làm việc.

Tuấn Nhật