Tháng 3/2024, giá vàng SJC đã lập đỉnh lịch sử khi có phiên giao dịch ở ngưỡng 80,5-82,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra). Nếu so sánh với thời điểm 1 năm trước, giá vàng SJC đã tăng khoảng 13,5 triệu đồng/lượng.

Đi kèm với đó, mức chênh lệch giữa giá mua và bán được các nhà vàng nới lên từ 2-3 triệu đồng/lượng, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng gần 15 triệu đồng/lượng.

Không để tình trạng “vàng hoá” nền kinh tế

Trước diễn biến khó lường của giá vàng, thời gian qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều động thái quyết liệt, nhằm bình ổn thị trường vàng.

Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 20/3/2024. Theo nội dung công điện, để tăng cường các biện pháp quản lý và phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn thị trường vàng.

Tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để bình ổn, ổn định thị trường vàng; đánh giá toàn diện, phân tích kỹ lưỡng và có các giải pháp hiệu quả, kịp thời, đúng quy định, theo nguyên tắc thị trường để xử lý ngay tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao trong thời gian qua, không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai thực hiện trong tháng 3 năm 2024.

Rà soát kỹ lưỡng, toàn diện khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức...

Thực hiện ngay việc tổng kết thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tăng cường hiệu quả các công cụ quản lý Nhà nước, bổ sung các biện pháp xử lý theo thẩm quyền phù hợp quy định, phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 22/3/2024.

Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Đồng thời khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp để xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật liên quan đến thị trường vàng.

Sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng

Trước đó, tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2024, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định không để giá vàng miếng chêch lệch lớn với giá vàng thế giới; sẽ xem xét sửa Nghị định 24 nhằm kiểm soát giá vàng; Ngân hàng Nhà nước sẽ đánh giá lại vai trò của SJC trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

Ông Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước không chấp nhận sự chênh lệch giá vàng trong nước với giá vàng thế giới lên đến 20 triệu đồng/lượng như trong thời gian qua và chênh với các loại vàng khác hơn 10 triệu đồng/lượng; sẽ xem xét sửa Nghị định 24 nhằm kiểm soát giá vàng; Ngân hàng Nhà nước sẽ đánh giá lại vai trò của SJC trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

Được biết, Nghị định 24 quy định Ngân hàng Nhà nước quản lý hoạt động xuất nhập khẩu vàng miếng, nhưng từ 2014, không cấp phép nhập khẩu vàng về để sản xuất vàng miếng. Do đó, khiến nguồn cung vàng nguyên liệu bị hạn chế, đẩy giá vàng SJC có thời điểm cao hơn đến 17 triệu đồng/lượng so với các thương hiệu khác. Kéo theo đó, nhiều doang nghiệp sản xuất vàng cũng gặp khó khi tìm vàng nguyên liệu.

Để hạn chế tình trạng mất cân bằng cung - cầu, các chuyên gia nhấn mạnh cần sửa cơ chế cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu, nhất là cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nữ trang vàng trong nước khỏi thu gom hàng trôi nổi.

 

Quang Dân