Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 19/3, thông tin về công tác chuẩn bị tiếp nhận, vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, ông Vũ Hồng Trường phủ nhận thông tin đường sắt trên cao nhận chở khách từ ngày 1/4.

“Công ty chúng tôi chưa bao giờ phát ngôn từ 1/4 chở khách. Bởi vì chúng tôi là bên nhận. Bây giờ hỏi nhà vợ không cho mình nhận cô dâu thì mình cưới kiểu gì. Bao giờ có thì chúng tôi nhận, nhưng lúc nào cũng sẵn sàng nhận. Còn chắc chắn là đầu tháng 4 chưa chở khách được”, ông Trường nói.

Tổng Giám đốc này cho biết, mới đây Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã kiểm tra hiện trường, có chỉ đạo phấn đấu làm sao mỗi cơ quan làm việc 200% để cuối tháng 4 có thể thử nghiệm chở khách được.

Liên quan đến giá vé, theo ông Trường, việc này được xây dựng dựa trên 5 tiêu chí gồm thu nhập của người dân và khả năng chi trả, tính toán cạnh tranh chi phí với các phương tiện khác, khảo sát ý kiến người dân, chi phí vận hành, cân đối khả năng trợ giá của ngân sách Nhà nước.

Theo đó, vé lượt được tính theo khoảng cách đi lại thực tế giữa các ga, thấp nhất là 8 nghìn đồng 1 người/1 lượt và cao nhất là 15 nghìn đồng 1 người/1 lượt; vé ngày là 30 nghìn đồng (không giới hạn lượt đi lại) và vé tháng là 200 nghìn đồng/người (tính 30 ngày kể từ ngày mua vé).

Hà Nội cũng tính đến chính sách miễn giảm giá vé cho các đối tượng người có công, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi; hỗ trợ 50% giá vé tháng cho các đối tượng là học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp, người cao tuổi…

Về lái tàu, ông Trường thông tin, 37 người được tuyển chọn đào tạo tại Trung Quốc, học lý thuyết 6 tháng, đã được lái tàu ở Bắc Kinh 6 tháng, có quy trình sát hạch theo yêu cầu...

“Chúng tôi lấy mục tiêu an toàn cho hành khách là trên hết”, ông Trường nói và cho biết, có các quy định cụ thể về số giờ lái tàu làm việc trong một năm, một ngày không lái quá 4 tiếng liên tục.

Trước băn khoăn về chất lượng tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Giám đốc Metro Hà Nội nhấn mạnh, đây là dự án trọng điểm quốc gia, có hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước về công trình, trang thiết bị, đào tạo nhân lực và cấp chứng chỉ thì mới được.

“Chỉ chở khách khi nào có đủ hai điều kiện, có chứng chỉ an toàn hệ thống và có nghiệm thu và cho phép của hội đồng nghiệm thu nhà nước”, ông Trường khẳng định.

Tổng Giám đốc này tính toán, với năng lực vận chuyển tối đa của một đoàn tàu 4 toa, mỗi toa chở được 240 hành khách, mỗi chuyến chở được 960 hành khách, mà cứ 5-6 phút có 1 chuyến thì một giờ có thể chở hơn chục nghìn người.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, có điểm đầu ga Cát Linh, điểm cuối ga Yên Nghĩa với chiều dài 13,05km, 12 ga trên cao.

Thời gian mở tuyến 5h00 và đóng tuyến lúc 23h

Vận tốc khai thác bình quân 35km/h

Thời gian chuyến đi từ đầu tuyến đến cuối tuyến bình quân 23 phút.

Hành khách tiếp cận lên xuống tàu có thang máy, thang cuốn, thang bộ và có thang máy dành riêng cho người khuyết tật.

Hương Giang