Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Bình Phước và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, là đầu tàu, hạt nhân, dẫn đầu trên nhiều phương diện, có nhiệm vụ dẫn dắt, hỗ trợ các tỉnh trong vùng cùng phát triển.

Phát triển giao thông là nhiệm vụ trọng tâm

Ngày 18/6/2023, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chính thức công bố khởi công các dự án về đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và dự án đầu tư xây dựng cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16/6/2022, đi qua địa bàn 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và thành phố.

Mục tiêu của dự án là kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phạm vi đầu tư khoảng 76,34km, chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Dự kiến tổng mức đầu tư của dự án là 75.378 tỉ đồng, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Ngoài đường Vành Đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương khác cũng phối hợp với các bộ, ngành triển khai, đưa vào khai thác các tuyến đường huyết mạch, kết nối giữa các tỉnh với nhau như: Cao tốc Phan Thiết - Dầu Dây nối với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Dầu Dây; Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Vĩnh Hảo - Cam Lâm (Khánh Hòa), rút ngắn thời gian lưu thông và giảm áp lực hạ tầng lên quốc lộ 1 đoạn đi qua các địa phương.

leftcenterrightdel
 Tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) trong tương lai sẽ kết nối Bình Dương, Đồng Nai đến Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Mai Mười

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, thời gian qua, Bộ đã phối hợp với các địa phương phía Nam đầu tư và đưa vào khai thác các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương.

Hiện tại, ngoài việc khẩn trương triển khai thực hiện đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, các đơn vị đang gấp rút thi công tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục hoàn thiện 3 tuyến dài 126km gồm: Cao tốc Chơn Thành - Đức Hòa, Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc. Phấn đấu đến 2025, sẽ có trên 400km đường cao tốc đưa vào khai thác tại vùng Đông Nam Bộ.

Rút ngắn khoảng cách đến Đồng bằng sông Cửu Long

Tại Hội nghị Lần thứ 2 của Hội đồng Điều phối Vùng Đông Nam Bộ với chủ đề "Tham vấn Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, cùng các đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và những đại biểu chuyên nghiên cứu về phát triển kinh tế, hạ tầng… đã tiếp thu, nghiên cứu nhằm đưa ra định hướng, các giải pháp cần thiết, triển khai ngay để mang lại hiệu quả kinh tế cao cho cả vùng.

Hội nghị được triển khai trên cơ sở Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/11/2022 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 1/8/2022 của Chính phủ về Chương trình Hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị; Quốc hội thông qua quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đại diện cho địa phương đầu tàu của vùng Đông Nam Bộ, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng kinh tế trọng điểm số 1, có năng lực hội nhập, cạnh tranh quốc tế.

Theo Chủ tịch UBND Thành phố, đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hay vùng Đông Nam Bộ, cần chọn kịch bản phát triển cao. Trong đó, các địa phương và liên ngành phải rà soát, phải nghiên cứu toàn bộ điều kiện để có sự tăng trưởng, phát triển theo kịch bản cao.

Các đại biểu cho rằng, giao thông kết nối giữa vùng Đông Nam Bộ, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Đồng bằng sông Cửu Long hay với Tây Nguyên, duyên hải miền Trung là một việc rất quan trọng. Bởi vùng Đông Nam Bộ được xác định là đầu mối lớn, là đầu tàu, có tầm vóc khu vực châu Á và thế giới. Cần sớm lên các phương án tiếp tục triển khai các dự án giao thông mới nhằm mang lại hiệu quả cao cho chiến lược phát triển toàn diện, lâu dài, bền vững cho khu vực.

Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng, là nền tảng để các địa phương cùng các nhà đầu tư nghiên cứu, triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, các dự án nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững và góp phần phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

leftcenterrightdel
 Đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh nhỏ, bên trái) và tuyến đường ven biển kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ góp phần phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh: Mai Mười

Liên quan đến việc triển khai dự án mới hỗ trợ cho phát triển kinh tế vùng, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đang lấy ý kiến các địa phương để tổng hợp, nghiên cứu, báo cáo, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét đầu tư tuyến đường bộ ven biển kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 38.500 tỉ đồng (chưa bao gồm chi phí của các cầu lớn trên tuyến).

Toàn tuyến dài 428km, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế giai đoạn 1 là 80km/h. Sau khi hoàn thành, sẽ rút ngắn khoảng cách hàng chục km, góp phần giảm ùn tắc trên quốc lộ 1A và quốc lộ 50. Các phương tiện sẽ thuận tiện khi lưu thông từ Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh qua Bến Tre, Tiền Giang, Long An về Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, tuyến đường bộ ven biển sẽ kết hợp với các tuyến cao tốc như: Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực phía Nam.

Thành phố Hồ Chí Minh được nối với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bằng đường huyết mạch là quốc lộ 1A và cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận. Trong thời gian tới, các tỉnh miền Tây Nam Bộ sẽ hoàn thành các tuyến cao tốc liên vùng như: Mỹ Thuận - Cần Thơ, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (Kiên Giang), Cần Thơ - Cà Mau, Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng…

Khi các dự án trên hoàn thành đưa vào khai thác, cùng với hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện của khu vực Đông Nam Bộ kết nối với đô thị hạt nhân Thành phố Hồ Chí Minh, việc lưu thông hàng hóa, giảm chi phí sản xuất sẽ là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, mở rộng sản xuất.

Những cung đường mới xuất hiện, kinh tế - xã hội tại các địa phương sẽ thêm khởi sắc, góp phần vào sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mai Mười