Hiện nay, một số tuyến đường cao tốc từ 100 km đến 200 km vẫn chưa có trạm dừng nghỉ. Thực trạng này đang gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến cao tốc này. Nhiều ý kiến đề nghị các ngành chức năng, nhà đầu tư gấp rút triển khai, phủ kín hạng mục này. Chủ đề cao tốc “trắng” trạm dừng nghỉ cũng đã làm nóng nghị trường tại các kỳ họp Quốc hội, đặc biệt là trong các phiên chất vấn người đứng đầu ngành giao thông.

Theo số liệu tổng hợp, hiện có 3 tuyến cao tốc phía Bắc mới đưa vào khai thác vẫn chưa xây dựng trạm dừng nghỉ gồm: Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn dài gần 64 km; trục cao tốc từ Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 176 km; cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn từ Mai Sơn (Ninh Bình) đến Diễn Châu (Nghệ An) dài gần 160 km.

Ngày 30/4/2024, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt đưa vào sử dụng thêm 30 km nữa thì đoạn cao tốc này có gần 200 km mà không có trạm dừng nghỉ.

Ông Nguyễn Nam Thắng, lái xe cho một cơ quan có trụ sở tại TP Vinh, Nghệ An cho biết, mỗi tuần phải chạy cung đường cao tốc từ Diễn Châu ra Hà Nội một đến hai lần. Tuy nhiên quãng đường quá dài từ Diễn Châu - Cao Bồ mà không có trạm dừng nghỉ đã gây bất tiện cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Theo ông Thắng, việc không có trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc này cần sớm được khắc phục, vì tới đây, cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt thông xe sẽ làm cho cung đường không có trạm dừng nghỉ dài hơn.

leftcenterrightdel
 Trạm dừng nghỉ trên cao tốc Diễn Châu (Nghệ An) chỉ có trên bảng chỉ dẫn. Ảnh: TQ

Trước những bất cập nêu trên, trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, cơ quan chức năng đã phải xây dựng 01 trạm dừng nghỉ tạm hai bên đường trên cao tốc Mai Sơn - QL 45 (địa bàn Thanh Hóa), phục vụ người tham gia giao thông có chỗ đi vệ sinh.

Tương tự, được đưa vào sử dụng giữa năm 2023, hai đoạn cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo tổng chiều dài gần 200 km giúp xe đi thuận lợi, rút ngắn thời gian từ TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai tới Bình Thuận. Tuy nhiên sau gần một năm đi vào hoạt động, cung đường này vẫn chưa có trạm dừng nghỉ.

Việc chưa có trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc này đang ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn giao thông (ATGT) cho người và phương tiện tham gia giao thông khi biến làn dừng khẩn cấp kết hợp đi vệ sinh. Việc kết hợp “hai trong một” này không những gây mất ATGT mà còn ảnh hưởng đến môi trường, gây phản cảm, ảnh hưởng đến văn hóa giao thông.

Nhiều hộ gia đình sinh sống hoặc sản xuất dọc hai bên tuyến cao tốc có làn dừng khẩn cấp đều tỏ ra bất bình khi người tham gia giao thông kết hợp làn dừng khẩn cấp để đi vệ sinh.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết nguyên nhân dẫn đến bất cập là quy định pháp luật giai đoạn trước về đầu tư, kinh doanh trạm dừng nghỉ chưa đầy đủ. Việc đầu tư trạm theo hình thức xã hội hóa gặp nhiều khó khăn, chưa thể khai thác đồng bộ với một số đoạn cao tốc.

Theo quy hoạch, trên toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có 36 trạm dừng nghỉ. Trong đó, có 9 trạm đã đưa vào khai thác và đang đầu tư xây dựng, 1 trạm do địa phương quản lý khi triển khai cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, 2 trạm do Tổng Công ty Phát triển Đường cao tốc (VEC) quản lý đang được đầu tư và 24 trạm do Bộ GTVT quản lý.

Đối với 24 trạm trên các tuyến cao tốc do Bộ GTVT quản lý, các ban quản lý dự án đã tổ chức lựa chọn nhà thầu các gói thầu tư vấn lập hồ sơ của 21 trạm.

leftcenterrightdel
 Trạm dừng nghỉ tạm trên cao tốc Mai Sơn - QL 45 (địa bàn Thanh Hóa). Ảnh: TQ

Trong số này, có 10 trạm dừng nghỉ thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 và 11 trạm thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Còn lại 3 trạm trên cao tốc La Sơn - Hòa Liên, dự án hầm Đèo Cả và đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ đang thống nhất vị trí và hoàn thiện hồ sơ để bổ sung thực hiện.

Được biết, Cục Đường cao tốc Việt Nam đã phát hành hồ sơ mời thầu 8 trạm dừng nghỉ thuộc 7 tuyến cao tốc giai đoạn 1 vào tháng 3/2024, mở thầu vào ngày 20/5. Dự kiến, lựa chọn xong nhà đầu tư vào tháng 6/2024.  

 Các ban quản lý dự án cho biết, 5/8 trạm dừng nghỉ trên cao tốc: Mai Sơn - QL45, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Phan Thiết - Dầu Giây sẽ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư vào tháng 6/2024 để triển khai thi công.

Các trạm còn lại trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết theo báo cáo đến tháng 8 mới bàn giao được mặt bằng, chậm 2 tháng so với dự kiến.

Bộ GTVT đã chỉ đạo các ban quản lý dự án làm việc với địa phương đẩy nhanh tiến độ để có thể bàn giao ngay trong tháng 6/2024 hoặc có phương án bàn giao từng phần để nhà đầu tư thi công trước các công trình công cộng thiết yếu.

Đối với 13 trạm còn lại trên các tuyến, trong đó có 2 trạm của giai đoạn 1, hiện các ban quản lý dự án đang hoàn thiện đề xuất dự án trạm dừng nghỉ để trình Bộ phê duyệt trong tháng 4/2024. Ngay sau khi được duyệt sẽ tổ chức cắm mốc gỉai phóng mặt bằng và bàn giao cho địa phương trong tháng 5/2024.

leftcenterrightdel
 Quỹ đất đã được GPMB để xây dựng trạm dừng nghỉ tại Diễn Châu (Nghệ An) vẫn để không. Ảnh: TQ

Về lựa chọn nhà đầu tư các trạm giai đoạn 2, trong trường hợp thông tư hướng dẫn một số nội dung về lựa chọn nhà đầu tư được ban hành trong tháng 5/2024 sẽ phê duyệt và phát hành hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư ngay. Dự kiến, việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ hoàn thành trong tháng 8/2024.

Hai trạm ở giai đoạn 1 là QL45 - Nghi Sơn và Cam Lộ - La Sơn đã thông xe nên sẽ được ưu tiên triển khai trước. Trạm trên cao tốc QL45 - Nghi Sơn dự kiến sẽ có nhà đầu tư trong tháng 8/2024 và hoàn thành công trình tạm trong tháng 11/2024. Trạm Cam Lộ - La Sơn dự kiến có nhà đầu tư trong tháng 8/2024 và phối hợp với địa phương bàn giao một phần mặt bằng làm công trình tạm trong tháng 12/2024.

Đối với 11 trạm còn lại, dự kiến cuối năm mới bàn giao được mặt bằng. Để đảm bảo tiến độ sẽ phối hợp với địa phương bàn giao một phần mặt bằng để làm trước các công trình thiết yếu.

Trần Quý