Kẻ vui, người buồn trong cơn sốt đất

Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh tra, anh Trần Đức Sang, 46 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, người có thâm niên trong nghề môi giới BĐS cho biết, thị trường BĐS ở Hà Nội đang nóng lên từng ngày, từng giờ. Anh tiếc nuối kể về thương vụ vừa tuột mất, vài hôm trước, lúc đó khoảng 20h, sau khi đã thống nhất về giá cả và nghĩa vụ giữa các bên để đặt cọc, nhưng do đã muộn và tin rằng chủ đất thiện chí bán, nên anh hẹn sáng hôm sau 3 bên sẽ gặp và tiến hành đặt cọc. Tuy nhiên, sáng hôm sau khi anh Sang liên hệ với chủ đất, thì được thông báo, có người đã đến tận nơi đặt cọc để mua thửa đất từ đêm qua rồi.

Cũng trong tâm trạng tiếc nuối, chị Bùi Nguyên Hạnh, 37 tuổi ở quận Hà Đông chia sẻ, trước Tết Nguyên đán, 2 vợ chồng chị có 1 khoản tiền nhàn rỗi, tính đầu tư vào BĐS. Qua tìm hiểu thông tin từ các văn phòng môi giới, nhận thấy tình trạng giao dịch vẫn khá chậm và có nhiều sự lựa chọn. Vì vậy, chị đã chờ qua Tết để tìm những cơ hội tốt hơn. Nhưng vừa qua, khi tìm hiểu, anh chị mới tá hỏa khi giá đất đã khác xa, những lô đất mà trước đây 2 vợ chồng đến xem, lô thì đã sang tay chủ mới, lô thì đã chênh lên hàng tỷ đồng.

Anh Đức Tuyền, 28 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm lại hồ hởi chia sẻ, tháng 09/2023, mới mua 01 thửa đất ở gần nhà, vừa rồi đi qua, thấy có người viết số điện thoại lên tường nhà kế bên muốn mua thửa đất của anh. Tò mò anh gọi theo số điện thoại, đầu dây bên kia ngỏ ý muốn mua và sẵn sàng trả chênh 15 giá so với mức anh mua lúc đầu. Dù có hơi bất ngờ, nhưng anh Tuyền cho biết, không có ý định bán vì gia đình đã có kế hoạch lâu dài với thửa đất này rồi.

Giải mã sự nóng lên của phân khúc đất nền

Anh Lê Hoài Nam, một nhà đầu tư lâu năm trong lĩnh vực BĐS, cho rằng, việc phân khúc đất nền tại Hà Nội đang nóng lên là có căn nguyên, hội tụ của nhiều yếu tố, chứ không phải tự nhiên hay bột phát.

Anh Nam cho biết, vừa qua, Chính phủ đã quyết liệt đưa ra các giải pháp, yêu cầu, chỉ đạo; các bộ, ngành đã triển khai một loạt các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp BĐS, khơi thông nguồn vốn, “rã băng” tín dụng cho thị trường BĐS…

Thực tế, đã có nhiều dự án trên cả nước được tháo gỡ vướng mắc để đưa sản phẩm ra thị trường. Đó là tiền đề để các dự án khác tiếp tục được tháo gỡ khó khăn, triển khai và tiếp cận khách hàng.

Mặt khác, anh Nam phân tích, năm 2023, tỷ lệ lạm phát bình quân cả năm là 3,25%; trong khi đó, tính đến ngày 29/02, lãi suất huy động trung bình chỉ là 3,3%/năm, giảm 0,2% so với cuối năm 2023. Rõ ràng, với tương quan giữa tỷ lệ lạm phát và lãi suất huy động của ngân hàng như vậy, việc người dân gửi tiết kiệm là không có lợi, đặc biệt là sau khi xảy ra sự kiện tại Ngân hàng SCB, họ phải mang đi đầu tư ở kênh khác.

Các kênh đầu tư như chứng khoán hay trái phiếu doanh nghiệp thì đang bộc lộ quá nhiều vấn đề thông qua các vụ đại án như Tân Hoàng Minh hay FLC…

Vàng vốn là một kênh đầu tư truyền thống, nhưng những diễn biến lên xuống thất thường, thậm chí là bất thường trong thời gian qua đã khiến nó trở nên kén nhà đầu tư hơn nhiều.

Còn với đất nền, khi thị trường đã hình thành giá, thì dù giao dịch có ảm đạm hoặc thậm chí đóng băng, thì mức giá cũng rất hiếm khi giảm và sẽ tăng trở lại khi thị trường ấm lên. Và trong thời gian chờ đợi đạt mức lợi nhuận kỳ vọng, chủ sở hữu có thể cho thuê mặt bằng hoặc lập phương án kinh doanh tại chỗ để thu về lợi nhuận.

Một yếu tố nữa cũng tác động mạnh đến thị trường BĐS tại Hà Nội trong thời gian tới là việc nhiều dự án hạ tầng đang được tích cực triển khai như: Đường vành đai 4, đường Lê Quang Đạo kéo dài… hay sắp tới là các dự án cầu bắc qua sông Hồng sẽ tăng khả năng kết nối giữa các khu vực và sẽ là động lực đẩy sức nóng của thị trường BĐS tại các vùng ngoại thành tăng theo.

Với những yếu tố như vậy, việc người dân dồn tiền vào BĐS, đặc biệt là phân khúc đất nền như trong thời gian gần đây là điều có thể lý giải được - anh Nam phân tích.

leftcenterrightdel

Dự án đường Lê Quang Đạo kéo dài có chiều dài hơn 2,6 km với mặt cắt ngang 40m với tổng số vốn đầu tư hơn 740 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ nối đường Lê Quang Đạo với đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), kết nối nhiều khu đô thị phía Tây của Hà Nội như Dương Nội, Louis City, FLC Premier, giúp giảm tải giao thông cho trục đường Tố Hữu và Sa Đôi. Ảnh: Hoàng Nam

Có hay không những chiêu trò thổi giá?

Nhận định về việc thị trường BĐS đang nóng lên, anh Trần Đức Sang tiếp tục chia sẻ, dù một số dự án BĐS đã được tháo gỡ vướng mắc, nhưng về cơ bản, nguồn cung sản phẩm BĐS vẫn còn rất hạn chế; quỹ căn hộ, dự án so với nhu cầu đầu cơ của người dân còn rất chênh lệch.

Cộng hưởng với xu thế tăng liên tục của giá nhà chung cư trong vài năm gần đây, anh Sang đồng tình với quan điểm cho rằng nhà, đất tăng cao như vậy, cũng có yếu tố đẩy giá ảo; một bộ phận là “cò” cấu kết với chủ đầu tư, lợi dụng tâm lý sốt sắng của người dân muốn tìm đến kênh lưu giữ tài sản an toàn, dễ tiếp cận, để thổi giá và tạo những cơn sốt ảo, làm nhiễu loạn thị trường và trục lợi.

Chị Hoàng Thị Minh, 47 tuổi, ở xã Tiền Yên, huyện Đan Phượng, cho biết, do cuối năm cần tiền trang trải, chị phải bán đi 1 thửa đất, thế nhưng chỉ sau hơn 1 tháng, vẫn mảnh đất đó, thậm chí, “sổ đỏ” vẫn còn đang chờ cấp mới, mà đã sang tay đến người thứ 3, giá đã chênh so với thời điểm chị bán cả chục giá. Thông tin Đan Phượng đang trong kế hoạch “lên quận” liên tục được tung ra ở khắp nẻo đường, cuối ngõ, khiến cho giá đất cũng tăng lên rần rần, mặc dù, điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng xung quanh vẫn chưa có biến chuyển. Chỉ trong thời gian ngắn, việc mua đi, bán lại diễn ra rất chóng vánh, ai lãi, ai lời thì chưa biết, nhưng chắc chắn, người được lợi là anh “cò đất” vì đã đẩy được 2 lần giá - chị Minh tâm tư.

Giải pháp nào để chặn cơ sốt đất

Nhiều chuyên gia đã điểm mặt, chỉ tên những chiêu trò cũng như thủ phạm của các đợt sốt đất, đó là những tay đầu nậu, những “cò đất” sử dụng thủ đoạn mua đi bán lại, thực hiện những giao dịch ngụy tạo; lợi dụng các nền tảng mạng xã hội để tung tin đồn thổi, gây ra hiệu ứng đám đông với cơn sốt đất.

Sốt đất vốn không phải là hiện tượng mới lạ, nó vẫn diễn ra lặp đi lặp lại từ nhiều năm nay, biết bao người lao theo con sóng đất, đu đỉnh để rồi sập bẫy, không tài nào thoát hàng ra được. Những người được lợi là những đầu nậu đã găm sẵn hàng từ trước, thoát hàng khi đẩy giá lên cao; những “cò đất” trong vai trò là người tìm con mồi sẽ nhận được hoa hồng qua mỗi giao dịch; chỉ có số ít nhà đầu tư may mắn và tỉnh táo, rút lui kịp thời là có được lợi nhuận.

Bi kịch sau mỗi cơn sốt đất là những người cần đất để ở thì không đủ tiền để mua, những người có đất thì không bán được vì đã mua ở mức giá quá cao.

Để giảm thiểu những hệ lụy của vấn đề này, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ, trước hết phải công khai minh bạch thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án BĐS, nhất là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp; ban hành các cơ chế, chính sách kiểm soát chặt chẽ kê khai tài sản; áp thuế lũy tiến với người sở hữu nhiều nhà, đất; tăng cường các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích trong sản xuất kinh doanh để nắn dòng vốn từ hoạt động đầu cơ BĐS chảy vào sản xuất kinh doanh thực tiễn, tiến tới phát triển một nền kinh tế bền vững, xã hội ổn định.

Hoàng Nam