Phát biểu với Báo Thanh tra, bà Đỗ Phương Nga, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy khẳng định: sẽ kiên quyết xử lý vi phạm trật tự xây dựng ở đây.

Quy định quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội

(Ban hành kèm theo Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2019 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội)

Điều 2. Nguyên tắc chung trong quản lý trật tự xây dựng

1. Công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố phải được thường xuyên kiểm tra, giám sát từ khi khởi công đến khi hoàn thành và đưa vào sử dụng. Vi phạm về trật tự xây dựng phải được phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh, đảm bảo đúng quy trình, công khai, minh bạch. Mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục triệt để theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho các vi phạm trật tự xây dựng thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm bị xử lý hành chính, bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại vật chất phải bồi thường theo các quy định của pháp luật.

Điều 5. Trách nhiệm, nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng của UBND cấp huyện

...

2. Trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện

...

b) Kiểm tra, giám sát Chủ tịch UBND cấp xã trong việc thực hiện quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý; Thực hiện thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định tại Khoản 2 Điều 38 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Điều 77 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định khác có liên quan.

c) Xử lý Chủ tịch UBND cấp xã, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị cấp huyện, cán bộ, công chức dưới quyền không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng.

d) Chịu trách nhiệm toàn diện về tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy định tại Điều 29, Điều 50 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

đ) Đề xuất Chủ tịch UBND Thành phố ban hành biện pháp cần thiết, phù hợp thực tế nhằm quản lý trật tự xây dựng có hiệu quả.

e) Hoàn thiện hồ sơ, trình Chủ tịch UBND Thành phố ban hành các quyết định xử lý vi phạm trật tự xây dựng vượt thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện.

Điều 6. Trách nhiệm, nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng của UBND cấp xã

...

2. Trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã

b) Kiểm tra, giám sát tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn; Thực hiện thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Điều 76 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định khác có liên quan.

c) Xử lý hoặc kiến nghị Chủ tịch UBND cấp huyện xử lý đối với những cán bộ, công chức dưới quyền không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng.

d) Chịu trách nhiệm toàn diện về tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy định tại Điều 36, Điều 64 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

đ) Chịu trách nhiệm toàn diện đối với các hoạt động xây dựng trên đất công, đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp. Trong trường hợp phát sinh vi phạm, Chủ tịch UBND cấp xã chỉ đạo cán bộ địa chính cấp xã phối hợp với Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị cấp huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, lập hồ sơ xử lý vi phạm theo lĩnh vực đất đai.

e) Đề xuất Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành biện pháp cần thiết, phù hợp thực tế nhằm quản lý trật tự xây dựng có hiệu quả.

g) Hoàn thiện hồ sơ, trình Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành các quyết định xử lý vi phạm trật tự xây dựng vượt thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã. 

Tuy nhiên, những lời phát biểu ấy, dường như chỉ là phương cách để “giảm nhiệt” những bức xúc trong nhân dân, còn vụ việc đâu vẫn đóng đấy.

Đối chiếu với hồ sơ mà chúng tôi thu thập được, năm 2003, gia đình ông Lê Minh Mạc - Nguyễn Thị Miến được UBND quận Hai Bà Trưng cấp Giấy phép xây dựng xây dựng nhà ở kiên cố (4 tầng, hệ khung bê tông cốt thép) trên phần đất tại 465 Kim Ngưu (59m2, đã được cấp sổ đỏ).

Trong quá trình xây dựng, hộ ông Mạc, bà Miến đã xây dựng sai phép, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân; các hộ liền kề đã nhiều lần có đơn gửi UBND phường Vĩnh Tuy nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, thậm chí có chiều hướng gia tăng vi phạm.

Ngày 27/1/2005, Báo Hà Nội mới có bài “Vì sao chưa xử lý dứt điểm”, nêu rõ công trình 465 Kim Ngưu lấn chiếm phần cống thoát nước chung (nằm dọc phía phải thửa đất nhìn từ đường vào có diện tích 28m2) ra sông Kim Ngưu. Tại thời điểm năm 2004, UBND phường Vĩnh Tuy đã 4 lần tổ chức cưỡng chế, nhưng cứ sau mỗi lần cưỡng chế ít ngày thì chủ nhà lại tái vi phạm và “kiên cố, đẹp đẽ như thách thức dư luận” - bài báo viết.

Xin nói thêm rằng, ở thời điểm này, công trình xây dựng hộ ông Mạc, bà Miến không chỉ lấn chiếm 28m2 phần cống chung này mà nó được kiên cố hóa tới 5 tầng (28x5 = 140m2) và tiếp tục nở thêm ra phía sau (cũng là cống với diện tích 1,7m2x5 =8,5m2). Và, các lần cưỡng chế “hình thức” ấy chỉ là... dọn dẹp 28m2 phần cống ở tầng 1.

Sự việc bị buông lơi, ngày 28/8/2006 Báo Nhân dân có bài “Nhiều vụ xây dựng sai phép không bị xử lý” tiếp tục phản ánh về vi phạm trật tự xây dựng tại 465 Kim Ngưu. Theo bài viết, phi lý trong cách giải quyết của phường Vĩnh Tuy là “... gợi ý cho các hộ dân nhận của ông Mạc một số tiền để làm cống riêng, "nhường" cho ông Mạc chiếm dụng trọn cái ngõ. Bà con không chấp nhận ý kiến của phường vì cho rằng làm như vậy là bán đất công của Nhà nước không đúng thẩm quyền. Nhưng khi gửi đơn phản ánh việc này với UBND quận Hai Bà Trưng, quận lại chuyển về phường giải quyết.”.

Việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất trên công trình cống thoát nước tại 465 Kim Ngưu chưa có hồi kết, người dân vẫn “đều đặn” có đơn ra phường nhưng chỉ là vô vọng.

leftcenterrightdel
 Sau cưỡng chế, chủ công trình 465 Kim Ngưu quây tôn, lấn chiếm vỉa hè như ban đầu. Ảnh: PV

Năm 2018, gia đình ông Mạc, bà Miến có đơn ra quận xin được cải tạo, sửa chữa căn nhà tại 465 Kim Ngưu và được UBND quận Hai Bà Trưng cấp phép (số 42/GPSC (GPCT)-UBND ngày 19/1/2018). Cũng giống như lần xây dựng trước đó, những vi phạm trật tự xây dựng của công trình này bị người dân nơi đây có ý kiến, sau nhiều lần lập biên bản, cưỡng chế của UBND phường Vĩnh Tuy thì công trình lại kiên cố, đẹp đẽ hơn!?

Và, dường như để thách thức dư luận, cuối tháng 10/2020, gia đình này tiếp tục lấn chiếm ra vỉa hè thêm 1,7m, như bài báo “Xử lý công trình vi phạm thách thức pháp luật tại 465 Kim Ngưu” mà chúng tôi đã đăng ngày 15/12/2020.

Để ngăn chặn tình trạng vi phạm trật tự xây dựng ở Thủ đô, ngày 18/3/2019 UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND ban hành Quy định quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Quy định này nêu rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, tập thể liên quan của các cấp chính quyền thành phố trong quản lý trật tự xây dựng (đặc biệt là trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp).

Thông tin tại hội nghị giao ban báo chí do ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 27/10, Phó chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Văn Hoạt cho biết, 9 tháng năm 2020, số công trình vi phạm trật tự xây dựng giảm 50% so với cùng kỳ năm 2019.

Thông tin mà ông Hoạt đưa ra thật đáng mừng, nhưng vì sao công trình vi phạm trật tự xây dựng tại 465 Kim Ngưu chưa được xử lý; Vì sao công trình vi phạm trật tự xây dựng chưa được xử lý mà được UBND quận Hai Bà Trưng cấp phép xây dựng để chủ hộ này tiếp tục vi phạm nghiêm trọng hơn? Rất cần câu trả lời từ ông Nguyễn Quang Trungtân Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Nhóm PV