Thời gian qua, Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn (Cảng Quy Nhơn) có liên quan đến vụ án “tranh chấp hợp đồng cung ứng dịch vụ” với Công ty TNHH Vận tải biển Cửu Long (Công ty Cửu Long). Sự việc tranh chấp kéo dài nhiều cấp toà và phải quay về giải quyết lại từ đầu khiến doanh nghiệp mệt mỏi.

Theo đó, từ năm 2019 - 2022, TAND tỉnh Bình Định và TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã thụ lý giải quyết vụ án dân sự về việc “tranh chấp hợp đồng cung ứng dịch vụ” giữa hai công ty nói trên.

Theo nội dung vụ án, ngày 12/10/2016, Công ty Cửu Long (bên A) và Cảng Quy Nhơn (bên B) cùng nhau ký kết hợp đồng kinh tế về việc “thuê tàu lai dắt vào khai thác tại Cảng Quy Nhơn”. Theo hợp đồng, bên B đồng ý thuê tàu lai của bên A để thực hiện hỗ trợ tàu thủy của khách hàng bên B ra/vào Cảng Quy Nhơn, thời hạn thuê 10 năm.

Đến tháng 12/2018, hai bên xảy ra tranh chấp. Công ty Cửu Long cho rằng, Cảng Quy Nhơn vi phạm hợp đồng (không thực hiện đối chiếu, thanh toán giá tàu ngoại như đã thoả thuận).

Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm ngày 15/7/2022 của TAND tỉnh Bình Định tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty Cửu Long, buộc Cảng Quy Nhơn phải có nghĩa vụ trả cho Công ty Cửu Long gần 50 tỉ đồng. Hai công ty tiếp tục thực hiện hợp đồng lai dắt tàu.

Sau khi có kháng cáo, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng tuyên án phúc thẩm ngày 16/12/2022, buộc Công ty Cảng Quy Nhơn trả nợ cho Công ty Cửu Long tổng cộng hơn 53 tỉ đồng. Hai bên tiếp tục thực hiện hợp đồng.

Ngày 21/4/2023, Công ty Cảng Quy Nhơn đã thi hành án hơn 53,48 tỉ đồng tại Cục Thi hành án dân sự Bình Định.

Ngày 28/4 và 4/5/2023, Cục Thi hành án dân sự Bình Định đã chi trả số tiền này cho Công ty Cửu Long và Công ty Cửu Long đã xuất hóa đơn GTGT 0% cho Cảng Quy Nhơn.

Đến ngày 14/6/2023, Viện KSND Tối cao ra Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 02/QĐKNGĐT-VKS-KDTM đối với bản án phúc thẩm. Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm và giao hồ sơ về TAND tỉnh Bình Định giải quyết lại theo đúng trình tự tố tụng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành.

Tại Quyết định giám đốc thẩm ngày 10/01/2024, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã chấp nhận toàn bộ kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện KSND Tối cao.

Đến ngày 23/01/2024, TAND tỉnh Bình Định ban hành quyết định thụ lý giải quyết lại vụ án.

Trong quá trình giải quyết vụ án, Công ty Cửu Long yêu cầu tòa buộc Cảng Quy Nhơn giao nộp bản gốc tờ trình ngày 24/7/2017 (bút lục số 849) có nêu tại trang 8 quyết định kháng nghị giám đốc thẩm lập luận đã viện dẫn cho rằng hai bên đã thống nhất, đối chiếu, thanh toán xong cước phí lai dắt từ ngày 1/7/2017 đến 5/12/2018, với số tiền hơn 24,43 tỉ đồng. Đây được coi là chứng cứ quan trọng, xuyên suốt quá trình giải quyết vụ án nhưng phía Cảng Quy Nhơn chỉ cung cấp được photocopy tự sao mà không đưa ra được bản gốc để nộp cho tòa.

Ngày 26/3/2024, TAND tỉnh Bình Định ban hành quyết định yêu cầu Cảng Quy Nhơn cung cấp cho tòa bản gốc tờ trình ngày 24/7/2017 về việc đề xuất đơn giá thanh toán tàu lai thuê ngoài từ ngày 1/7/2017 của Cảng Quy Nhơn.

Đến ngày 9/4/2024, đại diện ủy quyền của Cảng Quy Nhơn có văn bản trả lời TAND tỉnh Bình Định là sẽ không cung cấp bản gốc của tờ trình này. Cảng Quy Nhơn gửi văn bản cho toà nêu quan điểm rằng: “Tờ trình ngày 24/7/2017 về việc đề xuất đơn giá thanh toán tàu lai thuê ngoài từ ngày 1/7/2017 của Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn là tài liệu nội bộ, phục vụ công tác quản trị nội bộ của Cảng Quy Nhơn, không có giá trị bên ngoài Cảng Quy Nhơn. Do đó, Cảng Quy Nhơn nhận thấy không liên quan đến tranh chấp giữa hai bên, không cần thiết phải cung cấp”.

Điều đáng chú ý, tại tờ trình ngày 24/7/2017 mà Cảng Quy Nhơn cung cấp cho tòa lại thể hiện chữ ký photocopy của bà Nguyễn Thị Nghiệp - Giám đốc Công ty Cửu Long tại mục Cảng Quy Nhơn.

Bà Nghiệp khẳng định chưa bao giờ ký trên “tờ trình ngày 24/7/2017” Bút lục số 849.

leftcenterrightdel
Tờ trình có dấu hiệu bất thường và Cảng Quy Nhơn từ chối cung cấp bản chính cho TAND tỉnh Bình Định. Ảnh: HH 

Điều gây bất ngờ cho bà Nghiệp nữa, từ trước đến nay bà không có cổ phần góp vốn tại Cảng Quy Nhơn.

Trên thực tế, đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 không có nội dung nào công bố bầu/miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Thường trực HĐQT của Cảng Quy Nhơn.

Bà Nghiệp cho biết, bà chưa bao giờ được nhận quyết định phân công nhiệm vụ của HĐQT Công ty Cảng Quy Nhơn với tư cách là Ủy viên Thường trực HĐQT. Hiện nay, bà đang gửi đơn đến các cơ quan chức năng để làm rõ việc này.

 

 

 

Hải Hiếu