Sau hơn 40 năm, những giá trị tinh thần mà Lễ hội Làng Sen đã tạo ra có ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội vô cùng to lớn, đóng góp sâu sắc vào việc bảo tồn và tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh.

Sức lan tỏa mạnh mẽ “Tiếng hát dâng Người”

Liên hoan tiếng hát Làng Sen bắt đầu từ “Liên hoan ca khúc chính trị hát về Bác Hồ” được tổ chức nhân ngày sinh nhật Bác (19/5/1981) của tỉnh Nghệ Tĩnh. Một năm sau, Trung ương tổ chức “Liên hoan tiếng hát Làng Sen toàn quốc" năm 1982. Từ đó, Liên hoan tiếng hát Làng Sen được tổ chức hàng năm đối với tỉnh Nghệ Tĩnh trước đây và tỉnh Nghệ An ngày nay, và 5 năm một lần tổ chức với quy mô toàn quốc vào năm chẵn nhân kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác Hồ 19/5.

Vào đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, phong trào ca khúc chính trị phát triển mạnh mẽ ở tỉnh Nghệ Tĩnh. Khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền núi, ở đâu cũng xuất hiện nhóm ca khúc chính trị trong thanh niên, trong các cơ quan, đơn vị, trường học hát về Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước… Đặc biệt, cuộc Liên hoan ca khúc chính trị của tỉnh năm 1981 được tổ chức thành công và tuyển chọn đội tuyển đi thi toàn quốc lấy tên “Nhóm ca khúc Làng Sen”.

Năm 1982, bằng những tấm lòng, tình cảm hướng về ngày sinh nhật Bác 19/5 những người làm công tác văn hóa nghệ thuật của tỉnh Nghệ Tĩnh, đặc biệt là ông Nguyễn Hữu Thuông, Giám đốc Nhà Văn hóa Trung tâm đã có sáng kiến phối hợp với Nhà Văn hóa Trung ương tổ chức liên hoan “Hát từ Làng Sen” được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Văn hóa -Thông tin đồng ý. Cuộc liên hoan được tổ chức tại TP Vinh với sự tham gia của 5 đoàn nghệ thuật quần chúng, đại diện cho quê hương Làng Sen - nơi Bác sinh ra, TP Hồ Chí Minh - nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước, TP Hà Nội - nơi Bác đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…

Cuộc liên hoan Tiếng hát từ Làng Sen lần thứ nhất thành công tốt đẹp, gây ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân xứ Nghệ. Từ đó về sau, hàng năm thường tổ chức Liên hoan tiếng hát Làng Sen cấp huyện và cấp tỉnh. Nhiều huyện đã duy trì tổ chức Liên hoan tiếng hát Làng Sen liên lục đến những năm gần đây như: Nam Đàn, Thanh Chương, Yên Thành, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Diễn Châu…

Để góp phần làm cho Liên hoan tiếng hát Làng Sen hàng năm liên tục đổi mới, tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Nhà Văn hóa Trung ương mở trại sáng tác ca khúc Làng Sen và trại sáng tác kịch bản Làng Sen, đã có hàng trăm tác phẩm viết về Bác Hồ và quê hương làng Sen ra đời từ các trại sáng tác này. Nhiều bài hát nổi tiếng của các nhạc sĩ đã đi vào lòng công chúng trong cả nước và cả kiều bào nước ngoài. Đó là: “Người là niềm tin tất thắng” của Chu Minh, “Miền Trung nhớ Bác” của Thuận Yến, “Ngôi sao Tháng Năm” của Ánh Dương, “Người mẹ Làng Sen” của Lê Hàm, “Những bông hoa trong vườn Bác” của Văn Dung, “Hành hương về xứ Nghệ” của Nguyễn Cường, “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” của An Thuyên, “Ngày hội Làng Sen” của Đặng Nhất Mai, “Ngày hội bên sông Lam” của Hồ Hữu Thới, “Nhà mẹ có ảnh Bác” của Phan Thanh Chương, “Tình quê Nam Đàn” của Mai Cường…

Lực lượng diễn viên tham gia chương trình Liên hoan tiếng hát Làng Sen ngày càng đông, càng có nhiều đối tượng như học sinh, sinh viên, công nhân, nông dân, bộ đội, kể cả đồng bào các dân tộc thiểu số từ miền Nam đến miền Bắc… Họ đến với liên hoan để được tắm mình trong không khí ngày hội Làng Sen, để được thể hiện tài năng, tình cảm, tâm hồn của người nghệ sĩ đối với Bác Hồ. Từ những cuộc liên hoan cấp tỉnh và cấp toàn quốc đã xuất hiện nhiều giọng ca vàng nổi tiếng mà sau này trở thành danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sỹ nhân dân, tiêu biểu như NSND Tiến Dũng, NSƯT Ngọc Hà ở Nghệ An; Ngọc Hoan, Nguyễn Xuân Ai ở Cao Bằng, Trung Đức ở Hà Nội, Hồng Ngự ở Yên Bái, Sùng Thị Mai ở Hà Giang, Y Moan ở Đắc Lắc, A Mư Nhân ở Bình Thuận…

Mỗi cuộc Liên hoan tiếng hát Làng Sen là một dịp thu hút mọi sự sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa nghệ thuật hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ đề liên hoan liên tục được đổi mới hàng năm như: Toàn dân hát về Bác Hồ; Các dân tộc hát về Bác Hồ; Những khúc hát dân ca dâng Bác; Tiếng hát từ các làng văn hóa... Đặc biệt, ở tỉnh Hà Tây cũ có Liên hoan tiếng hát hướng về Làng Sen, tỉnh Thái Bình có Liên hoan bài ca dâng Bác, TP Hà Nội tổ chức hội diễn ca múa nhạc Bác Hồ - niềm tin sáng mãi…

Năm 2002, Liên hoan tiếng hát Làng Sen được nâng lên thành "Lễ hội Làng Sen” với quy mô cấp tỉnh (tổ chức hàng năm) và toàn quốc (5 năm một lần) vào dịp sinh nhật Bác. Ngay từ những năm đầu tổ chức, Lễ hội Làng Sen đã thu hút nhiều tầng lớp nhân dân không chỉ trong tỉnh mà nhân dân cả nước, kiều bào nước ngoài, du khách quốc tế hưởng ứng, tham dự.

Trong khuôn khổ liên hoan có thi nét đẹp Làng Sen, hội trại làm theo lời Bác, triển lãm tranh, ảnh, chiếu phim và các hoạt động thể thao, thăm quan du lịch… đã thu hút nhiều lực lượng quần chúng tham gia. Lễ hội Làng Sen rạo rực, lan tỏa khắp mọi nơi cùng với mùa sen nở và thu hoạch lúa chiêm của bà con nông dân trên quê hương Bác tạo thành một không khí vừa dân gian vừa thời đại.

Năm 2003, nhân dịp khánh thành Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ, kỷ niệm 113 năm Ngày sinh nhật Bác (19/5/2003), Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao (VHTT) tổ chức Lễ hội Làng Sen toàn quốc với chủ đề “Liên hoan văn hóa nghệ thuật về hình tượng Bác Hồ” tại TP Vinh.

Năm 2005 - năm du lịch Nghệ An, kỷ niệm 975 năm danh xưng Nghệ An, Tỉnh ủy, UBND tỉnh phối hợp Bộ VHTT tổ chức Lễ hội Làng Sen toàn quốc với chủ đề “Hồ Chí Minh với bản sắc văn hóa dân tộc".

Năm 2010 là năm có nhiều sự kiện lịch sử trọng đại hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Lễ hội Làng Sen toàn quốc kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, được tổ chức tại TP Vinh và huyện Nam Đàn với chủ đề “Hương Sen Xứ Nghệ”.

leftcenterrightdel
Lễ hội Làng Sen được tổ chức vào tháng 5 hàng năm nhân dịp sinh nhật Bác Hồ là hoạt động chính trị, văn hóa có ý nghĩa sâu sắc. Ảnh tư liệu: Phạm Tuân 

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Hồ Chí Minh

Về với Lễ hội Làng Sen để dâng lên Bác “Tiếng hát Làng Sen” như những bó hoa tươi thắm của bản sắc văn hóa mỗi miền quê. Bên cạnh lực lượng hùng hậu của văn nghệ quần chúng thì các cơ quan chuyên môn như Cục Văn hóa cơ sở, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Điện ảnh, Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh và Triển lãm, Vụ Văn hóa dân tộc, Tổng cục Du lịch… thuộc Bộ VHTT, nay là Bộ VHTT và Du lịch đã thường xuyên về với Lễ hội Làng Sen phối hợp tổ chức các hoạt động lớn như Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp về hình tượng Bác Hồ, triển lãm Mỹ thuật Nhiếp ảnh về Bác Hồ, trình chiếu phim và giao lưu nghệ sĩ đóng vai Bác Hồ, Liên hoan Văn hóa nghệ thuật các dân tộc Việt Nam…, nhờ đó đã có hàng trăm tác phẩm âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu có giá trị nghệ thuật được ra đời.

Hơn 40 năm (1981 - 2022), Lễ hội Làng Sen đã được trải nghiệm và ngày càng tự khẳng định trở thành một truyền thống văn hóa có sức lan tỏa, quy tụ được lực lượng quần chúng, các tổ chức xã hội và đông đảo các tầng lớp nhân dân trên mọi miền đất nước tham gia và hưởng thụ các giá trị văn hóa. Lễ hội Làng Sen đã trực tiếp góp phần phát triển phong trào nghệ thuật quần chúng cả nước trên bình diện sáng tác, biểu diễn, khai thác và phổ biến, nhằm gìn giữ di sản văn hóa dân tộc của từng địa phương.

Ông Trần Hưng Thuận, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An nhìn nhận: Để có được một hoạt động văn hóa tồn tại lâu bền trong đời sống tinh thần của nhân dân là cả một quá trình khởi xướng, hình thành, tổ chức lặp đi lặp lại nhiều lần rồi loại bỏ những vấn đề không phù hợp để định hình, hoạt động và phát triển. Để có một lễ hội văn hóa truyền thống dân gian phải trải qua nhiều năm, nhiều thập kỷ, thậm chí cả thiên niên kỷ cũng phải tuân thủ quá trình đó. Riêng Lễ hội Làng Sen được hình thành và phát triển từ “Liên hoan tiếng hát Làng Sen” do ngành Văn hóa Nghệ An sáng tạo và khởi xướng từ đầu thập niên 80 cũng với mục đích thể hiện tình cảm thành kính của mọi tầng lớp nhân dân đối với Bác Hồ kính yêu.

Lễ hội Làng Sen đã trở thành nơi phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển các tài năng nghệ thuật và là nguồn lực vô tận bổ sung cho hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Sức lan tỏa và tác dụng mạnh mẽ của các giá trị văn hóa mà Lễ hội Làng Sen tạo ra đã động viên thúc đẩy nhân dân và cán bộ, đảng viên tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp tục thực hiện việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, giới thiệu, quảng bá về văn hóa Làng Sen, quê hương Nghệ An đến bạn bè, du khách trong và ngoài nước.

Sau một thời gian dài bị gián đoạn do dịch bệnh Covid-19, năm nay, Lễ hội Làng Sen năm 2022 được tổ chức tại TP Vinh và huyện Nam Đàn gắn với Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc, diễn ra từ 17 - 28/5 với nhiều phần lễ và hoạt động hội, như: Lễ rước ảnh Bác từ Nhà Tưởng niệm Bác tại Khu di tích Kim Liên ra sân vận động Làng Sen, Liên hoan Nghệ thuật quần chúng Tiếng hát Làng Sen, cuộc thi Sắc Sen xứ Nghệ, chương trình nghệ thuật Người mẹ Làng Sen, trưng bày chuyên đề ảnh về Bác Hồ... Đây là hoạt động chính trị, văn hóa có ý nghĩa quan trọng, thể hiện lòng biết ơn, thành kính của nhân dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất.

Xuân Thống