Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết như vậy tại cuộc họp với các cơ quan báo chí thông báo về kết quả phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chiều ngày 5/8.

Kết quả tích cực, “có mặt cao hơn trước”

Theo Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học, 6 tháng đầu năm, đất nước đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng công tác phòng, chống tham nhũng được Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo đánh giá “tiếp tục được đẩy mạnh, đạt được nhiều kết quả tích cực, có mặt cao hơn năm trước”.

“Điều này tiếp tục khẳng định quyết tâm mạnh mẽ không ngừng, không nghĩ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ”, ông Học nhấn mạnh.

Thông tin về kết quả phiên họp, nhất là “mặt cao hơn năm trước”, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương dẫn số liệu chứng minh như 6 tháng đầu năm 2021, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 73 tổ chức Đảng, 8.732 đảng viên vi phạm, tăng hơn 1.500 đảng viên so với cùng kỳ.

Hay qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý hành chính 851 tập thể và 2.073 cá nhân, tăng 46 tập thể và 2.061 cá nhân so với cùng kỳ…

Việc phát hiện xử lý tiêu cực, tham nhũng chuyển biến mạnh mẽ ở nhiều địa phương, khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Theo báo cáo của 48/63 địa phương thì án tham nhũng khởi tố mới là 98 vụ với 214 bị can

“Trước đây, có địa phương báo cáo suốt 5 năm không phát hiện được vụ việc nào tham nhũng thì bây giờ có nhiều địa phương chủ động phát hiện và xử lý các vụ án tham nhũng như Khánh Hòa, TP HCM, An Giang…”, ông Học thông tin.

Mặt nổi bật nữa là, nếu trước đây có tình trạng nể nang, bao che trong nội bộ, nhất là trong lực lượng đấu tranh chống tham nhũng thì nay các bộ, ngành đã chủ động, kiên quyết trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ.

Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương nêu, 6 tháng đầu năm 2021 đã có 43 cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang công an và quân đội bị xử lý do tham nhũng, tiêu cực; khởi tố mới 16 vụ án/19 bị can tham nhũng trong hoạt động tư pháp.

Thực hiện cơ chế mới về xử lý sai phạm

Để đạt được kết quả như vậy, một trong những nguyên nhân là 6 tháng đầu năm đã thực hiện cơ chế mới về xử lý sai phạm được phát hiện trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông Học cho hay, với cơ chế mới này, các cơ quan chức năng đã “phối kết hợp nhịp nhàng”.

Cụ thể, trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền mà không chờ đến kết thúc quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.

Còn trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử nếu phát hiện cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có vi phạm thì chuyển ngay thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xử lý về mặt đảng mà không chờ kết luận điều tra, ban hành cáo trạng truy tố, bản án.

Theo ông Học, Ủy ban Kiểm tra có nêu, có nhiều vụ án, bị can, bị cáo vào trong trại giam rồi nhưng mà về mặt kỷ luật Đảng chưa xử lý kỷ luật. Như vậy, với cơ chế này, đòi hỏi có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ.

“Tổng Bí thư giao cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những cán bộ đảng viên diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý vi phạm kỷ luật Đảng. Và các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mà phát hiện cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý vi phạm thì phải kịp thời báo cáo ngay Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý và báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo”, Phó Trưởng ban Nội chính cho hay.

Ông Học khẳng định rằng, với cơ chế mới thì Ủy ban Kiểm tra không muốn xử lý cũng không được, các cơ quan điều tra, thanh tra, kiểm toán không muốn xử lý cũng không được vì các cơ quan “có sự kiểm tra, giám sát lẫn nhau”.

"Phòng chống tham nhũng chỉ tiến liên chứ không được thụt lùi"

Về phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, theo ông Học, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, thời gian qua công tác phòng, chống tham nhũng đã không ngừng, không nghỉ dù trong điều kiện dịch bệnh thì thời gian tới, “càng không được phép nghỉ, không được phép ngừng”, phải làm mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa, bài bản, nề nếp hơn nữa.

“Tổng Bí thư nói rằng, bây giờ với nề nếp, kết quả đạt được trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm, thì 6 tháng cuối năm chỉ có tiến liên chứ, không được thụt lùi”, ông Học cho biết.

Có nhiều người nói rằng, trong tình hình dịch bệnh COVID -19 thế này thì chống tham nhũng thế nào?

Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho rằng, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Tổng Bí thư, Thủ tướng đã ra lời kêu gọi, các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác này để bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người dân.

Còn chống tham nhũng là chống “giặc nội xâm”, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý để đem lại niềm tin, lòng tin của người dân đối với Đảng, chế độ. Cho nên, không được lơ là nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng

Ông Học cho biết thêm, tại phiên họp, Tổng Bí thư nói, khi xử lý cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao thì “rất đau” và có dẫn việc mới đây vừa xử lý 1 cán bộ cấp cao, nhưng vì sự nghiệp chung, vì đòi hỏi của người dân, vì niềm tin của người dân thì phải cương quyết xử lý. 

Hương Giang