Sáng 8/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và bộ, ngành, địa phương để lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Bên cạnh điểm cầu tại trụ sở Chính phủ, tại các điểm cầu địa phương có các bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch và phó chủ tịch UBND tỉnh, TP; lãnh đạo các các sở, ban, ngành cùng khoảng 1.200 đại biểu đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn.

Chính phủ đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp

Mở đầu hội nghị, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh bối cảnh trong nước, quốc tế và diễn biến dịch bệnh hiện nay đòi hỏi đã quyết tâm rồi phải quyết tâm hơn nữa, đã cố gắng rồi phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Ông cảm ơn các doanh nhân, doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp trong thời gian qua, đồng thời khẳng định, Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông những khó khăn chồng chất khó khăn của doanh nghiệp.

“Tôi đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp bằng bản lĩnh, trí tuệ vẫn duy trì được sản xuất, kinh doanh, không đứt gãy chuỗi sản xuất, bảo đảm cuộc sống của người lao động, góp phần vào tăng trưởng kinh tế những năm qua và 7 tháng đầu năm 2021. Tôi cũng rất chia sẻ, thấu hiểu với nhiều lĩnh vực kinh doanh dù nỗ lực đến đâu cũng không tránh được sự thua lỗ, thậm chí phá sản nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, của nhân dân, đặc biệt là các ngành hàng không, du lịch…”, Thủ tướng phát biểu.

Theo Thủ tướng, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp đã cố gắng “chung tay, góp sức” hỗ trợ đồng bào gặp khó khăn, hỗ trợ cho cuộc chiến chống dịch COVID-19. Ngay sau khi Quỹ Vaccine được thành lập đến nay, số tiền các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp đã lên tới hơn 8.000 tỷ đồng.

Chính phủ đã sử dụng hơn 2.000 tỷ đồng của quỹ để mua vaccine và sẽ công khai, minh bạch việc sử dụng quỹ vaccine trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Hiện nay các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đóng góp để hỗ trợ mua vaccine, thuốc, cơ sở khám chữa bệnh, vật tư, trang thiết bị y tế, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch... Thậm chí, có những doanh nhân còn sáng tạo cây ATM gạo, ATM oxy và bằng nhiều hình thức khác nhau để hỗ trợ Chính phủ và nhân dân.

Thủ tướng mong, tinh thần ấy, nhiệt huyết của doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục phát huy để góp phần chiến thắng đại dịch COVID-19.

Nhận định, thời gian tới, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức cần có giải pháp tháo gỡ để phục hồi sản xuất, Thủ tướng nêu rõ, hội nghị này tập trung vào 8 từ “Đánh giá - Giải pháp - Thiết thực - Hiệu quả”.

Tinh thần chung là phải đánh giá thực chất, khách quan, toàn diện những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp; phân tích kỹ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và tìm cho được các giải pháp tháo gỡ cụ thể, thiết thực, hiệu quả trong tình hình cấp bách hiện nay cũng như lâu dài.

“Chính phủ luôn đồng hành, quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ doanh nghiệp lúc khó khăn, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Thủ tướng khẳng định.

leftcenterrightdel

Lãnh đạo các bộ, ngành tham dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ. Ảnh: Nhật Bắc 

Các nguồn lực dữ trữ của doanh nghiệp đang cạn dần…

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đại dịch COVID -19 đã tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Khi dịch bệnh COVID -19 bùng phát trở lại lần thứ tư, với tinh thần đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo ban hành thêm nhiều chính sách, giải pháp kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cũng đã và đang nêu cao tinh thần chia sẻ đồng hành cùng đất nước, vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh khó khăn để duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.

“Điều đáng mừng là khi dịch bệnh căng thẳng, các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam không chỉ chủ động có những giải pháp linh hoạt tự thích ứng, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, mà còn có nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ người dân, cộng đồng”, ông nói.

Số liệu thống kê cho thấy, trong 7 tháng năm 2021, doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 105,4 nghìn (tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước), trung bình mỗi tháng có gần 15,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Dù vậy, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, đợt dịch COVID -19 bùng phát lần thứ tư khiến các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

“Các nguồn lực dữ trữ đang cạn dần trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm”, Bộ trưởng cho hay.

Thông qua các kênh trao đổi thông tin trực tiếp và gián tiếp với cộng động doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy có 8 nhóm vấn đề khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối diện.

Trong đó, tổng cầu giảm mạnh khiến các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm; doanh thu giảm mạnh trên diện rộng như doanh thu ngành hàng không sụt giảm trong đợt dịch cao điểm đầu năm 2021 đến 80% so với cùng kỳ năm 2020.

Doanh thu sụt giảm dẫn đến dòng tiền bị thiếu hụt nghiêm trọng, khiến cho các doanh nghiệp rất khó khăn để có thể trang trải các khoản chi phí nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

leftcenterrightdel
 Đại diện các tập đoàn, hiêp hội doanh nghiệp ở đầu cầu trụ sở Chính phủ. Ảnh: Nhật Bắc 

“Do thiếu hụt dòng tiền nên hầu hết các doanh nghiệp khó có thể xoay xở trả lãi vay ngân hàng đúng hạn, dẫn đến tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn, khó có thể tiếp cận các khoản vay mới”, Bộ trưởng phân tích.

Cắt giảm chi phí, gỡ khó khăn về dòng tiền 

Chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao; chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ; lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, kể cả lưu thông trong nước, giữa một số tỉnh, TP do áp dụng các chính sách phòng, chống dịch bệnh chưa thống nhất và hợp lý.

Hậu quả quả việc lưu thông hàng hóa gặp khó khiến các doanh nghiệp bị chậm tiến độ giao hàng/nhập hàng, chi phí lưu kho, lưu bãi, cước vận chuyển tăng, sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ….

Theo Bộ trưởng, điểm đáng lưu ý trong các kiến nghị các doanh nghiệp đều nhấn mạnh đến vấn đề đơn giản hóa các thủ tục, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong thực thi triển khai các quy định, chính sách phòng, chống dịch trên toàn quốc; tính công bằng, minh bạch và thái độ phục vụ sát cánh cùng doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ cấp thực thi.

“Đây là điều doanh nghiệp mong mỏi nhất từ phía các cơ quan chính quyền hơn là các hỗ trợ khác vào lúc này”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu.

Dự báo thời gian tới, diễn biến dịch bệnh COVID -19 tiếp tục có chiều hướng phức tạp với nhiều biến chủng mới, tốc độ lây lan nhanh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức đối với doanh nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị thực hiện 8 nhóm giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn. Theo đó, trước mắt, cần thực hiện các biện pháp, phòng chống dịch COVID -19 linh hoạt, hiệu quả; bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn; hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp…

Còn về lâu dài, theo kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần nâng cao hiệu quả triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; rà soát, tháo gỡ vướng mắc pháp lý; đơn giản hóa tối đa các quy trình, thủ tục hành chính; thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo…

Hương Giang