Sáng ngày 27/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023.

Tích cực tham gia đoàn giám sát

Tại hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Trần Văn Minh cho hay, năm 2022, Thanh tra Chính phủ đã tích cực tham gia 2 đoàn giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”; “việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”.

Thanh tra Chính phủ cũng xây dựng báo cáo gửi đoàn giám sát đúng thời gian và chất lượng nhất.

Theo ông Trần Văn Minh, báo cáo gửi đoàn giám sát của Quốc hội về “thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” đã tập trung đánh giá thực trạng.

“Thông qua công tác thanh tra của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra đã đánh giá và nêu ra những sai phạm phổ biến trên một số lĩnh vực như: Quản lý đầu tư, xây dựng; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; quản lý tài chính, ngân sách; quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại doanh nghiệp, thuế, bảo hiểm.

Đồng thời, nêu rõ hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thanh tra thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, ông nói.

Báo cáo gửi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “về thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021” đã đánh giá tình hình khiếu nại, tố cáo, có so sánh với cùng kỳ; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và kết quả đạt được trong công tác này.

Cùng với đó, chỉ ra những hạn chế, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cũng như hoàn thiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo. 

Nhiều nội dung “nóng” đã được đặt ra

Từ thực tế, Phó Tổng Thanh tra nhấn mạnh, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 có những đổi mới mạnh mẽ, thể hiện sự quan tâm, quyết liệt trong thực hiện trách nhiệm giám sát. 

“Nội dung giám sát được lựa chọn đúng và trúng các chuyên đề được dư luận xã hội và cử tri, Nhân dân cả nước quan tâm”, ông nói.

Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao, có ý kiến cụ thể ngay khi chuẩn bị và trong cả quá trình giám sát. 

Đoàn giám sát đã nêu lên những nội dung yêu cầu báo cáo toàn diện. Nhiều nội dung nóng đã được đặt ra để các địa phương giải trình, qua đó nhận điện được những tồn tại, bất cập xảy ra trong nhiều lĩnh vực. 

“Đoàn giám sát đã truy tới cùng việc làm lãng phí trong đầu tư công, sử dụng ngân sách…”, Phó Tổng Thanh tra cho hay. 

Theo ông, hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội đã có tác động, ảnh hưởng, chuyển biến cả về nhận thức và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 

“Nhiều bộ, ngành, địa phương qua kết quả giám sát ban đầu của đoàn giám sát đã chủ động ban hành kế hoạch, giải pháp, phân công trách nhiệm đối với từng tổ chức, cá nhân để chấn chỉnh, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế đã được đoàn giám sát chỉ ra”, Phó Tổng Thanh tra thông tin.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh hội nghị triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Ảnh: Đ.X

Ông cũng cho rằng, qua kết quả giám sát, đoàn giám sát đã có nhiều kiến nghị rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật; chấn chỉnh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ; đưa ra các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật thuộc nội dung giám sát và liên quan trong thời gian tới.

Theo Phó Tổng Thanh tra, do hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quy mô lớn, phạm vi rộng, giai đoạn nhiều năm, với nhiều chỉ tiêu cụ thể, chi tiết, trong khi thời gian thực hiện nhiệm vụ giám sát tại các đơn vị có hạn nên một số đơn vị được giám sát có những khó khăn nhất định trong quá trình thống kê, tổng hợp số liệu, xây dựng báo cáo; một số mẫu biểu, đề cương chưa phù hợp với các đơn vị có tính chất đặc thù.

Giám sát lĩnh vực dư luận quan tâm, dễ phát sinh tham nhũng

Bên cạnh nhất trí với các chuyên đề mà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn giám sát trong năm 2023, từ kinh nghiệm rút ra qua hoạt động giám sát, Thanh tra Chính phủ có nhiều kiến nghị, đề nghị.

Thanh tra Chính phủ đề nghị, tiếp tục phát huy kết quả công tác giám sát năm 2022, tăng cường hoạt động giám sát đối với các lĩnh vực mà dư luận xã hội, cử tri và Nhân dân quan tâm, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh. 

Phó Tổng Thanh tra cho rằng, qua hoạt động giám sát này để tiếp tục phát hiện, chấn chỉnh, có biện pháp kiến nghị cụ thể về những thiếu sót, hạn chế, vi phạm hoạt động quản lý nhà nước và hoàn thiện thể chế trên lĩnh vực được giám sát. 

Kiến nghị nữa là khi xây dựng kế hoạch giám sát thì cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì cần khảo sát kỹ, lựa chọn nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm.

“Cần đi sâu vào một số đối tượng cụ thể đối với một lĩnh vực hoặc một nhóm lĩnh vực để tối ưu hóa kết quả giám sát, tránh dàn trải”, ông Trần Văn Minh nhấn mạnh. 

Cạnh đó, cần nghiên cứu báo cáo để lựa chọn các đơn vị tốt, có hiệu quả, nội trội để phát huy mô hình tích cực; đồng thời lựa chọn đơn vị có tồn tại, dư luận xã hội và cử tri quan tâm để giám sát sâu, tìm ra những bất cập, để kịp thời chấn chỉnh.

Theo chương trình, tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 tới đây, Quốc hội sẽ cho ý kiến cáo của đoàn giám sát của Quốc hội “việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.

Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm Chủ tịch nước, Thủ tướng và các bộ trưởng vào 2023

Báo cáo tóm tắt đánh giá kết quả thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, năm 2022, hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục được chú trọng với nhiều đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện.

Với năm 2023, Quốc hội sẽ thực hiện chất vấn, xem xét các báo cáo, giám sát việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

leftcenterrightdel
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: Đ.X 

Đáng chý ý, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6 vào cuối năm 2023.

“Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội trên cơ sở xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn để cho ý kiến công tâm, khách quan tại kỳ họp”, ông Cường nói. 

Ban Công tác đại biểu sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng Thư ký Quốc hội để tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm bảo đảm dân chủ, khách quan, đúng quy định của pháp luật.

Về hoạt động giám sát chuyên đề, Quốc hội sẽ giám sát tối cao 2 chuyên đề: “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” tại kỳ họp thứ 5; “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” tại kỳ họp thứ 6. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát 2 chuyên đề: “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” tại phiên họp tháng 8/2023; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” tại phiên họp tháng 9/2023.

Hương Giang