Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội, bắt đầu từ 7h đến 22h ngày 25/7 và từ 7h đến 13h ngày 26/7.

Biết ơn, noi gương, học tập Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Xúc động ghi sổ tang, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ vô cùng thương tiếc đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

“Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của đồng chí, chúng tôi nguyện học tập, noi gương đồng chí, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc mà đồng chí trọn đời ấp ủ, phấn đấu hy sinh.

Tên tuổi, sự nghiệp, nhân cách và những cống hiến to lớn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng in đậm trong lòng nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng”, Chủ tịch nước Tô Lâm viết.

Thủ tướng Phạm Minh Chính viết: “Trước anh linh đồng chí Nguyễn Phú Trọng, chúng ta thành kính tôn vinh và biết ơn sâu sắc công lao to lớn, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Nhân dân, của Dân tộc, cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thời đại mới".

leftcenterrightdel
 Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt tay lên linh cữu tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

“Chúng tôi nguyện noi gương, đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hết mình để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hùng cường, thịnh vượng, nhân dân Việt Nam ngày càng hạnh phúc, ấm no”.

Người đứng đầu Chính phủ cũng bày tỏ “xin kính cẩn nghiêng mình biết hơn, học tập, noi gương và vĩnh biệt đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.

Trong niềm tiếc thương vô hạn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn xúc động ghi trong sổ tang: “Vô cùng tiếc thương đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta; người cộng sản kiên trung, mẫu mực, trọn đời vì Đảng, vì nước, vì dân”.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn xúc động ghi sổ tang. Ảnh: TTXVN

“Đồng chí đã dành nhiều thời gian, công sức, trí tuệ đối với vấn đề đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội; có định hướng quan trọng để đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước và kỳ vọng, tin tưởng của cử tri, Nhân dân cả nước.

Đồng chí mất đi là tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với đồng chí, đồng bào, gia quyến và bạn bè quốc tế. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh đồng chí; nguyện tiếp tục đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ, các thế hệ đi trước và đồng chí đã lựa chọn”.

Trước nỗi đau thương mất mát vô cùng to lớn này, Chủ tịch Quốc hội gửi đến gia quyến lời chia buồn sâu sắc nhất.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đặc biệt xuất sắc

“Vô cùng thương tiếc đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi trong sổ tang.

“Đồng chí Nguyễn Phú Trọng mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Xin chia buồn sâu sắc với phu nhân Tổng Bí thư và các cháu trong gia đình về sự mất mát to lớn mà không thể có gì bù đắp nổi”, ông Trương Tấn Sang xin vĩnh biệt đồng chí Nguyễn Phú Trọng.

Trong sổ tang, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi: Vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư của Đảng - người có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

“Công lao của đồng chí với Đảng, với Đất nước, với Nhân dân thật là to lớn. Noi gương đồng chí, chúng tôi là một cán bộ hưu trí ra sức rèn luyện và tiếp tục đóng góp nhỏ bé vào sự nghiệp mà Đảng ta - Bác Hồ đã vạch ra”, ông Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ nỗi mất mát đến gia quyền Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

leftcenterrightdel
 Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc viết trong sổ tang. Ảnh: Đ.X

Thay mặt Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, Phó trưởng Ban Chỉ đạo, ghi sổ tang: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - nhà lãnh đạo có uy tín, đặc biệt xuất sắc, tấm gương sáng ngời, mẫu mực về đạo đức cách mạng, trọn đời vì Nước, vì Dân”.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, bài bản, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, nghiêm minh nhưng rất nhân văn của của Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có bước tiến mạnh, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã thực sự trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận.

“Tư tưởng, đạo đức, tác phong, lối sống của đồng chí mãi là “kim chỉ nam”, tấm gương cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta học tập, noi theo, kiên quyết, kiên trì ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh", ông Lương Cường viết.

Khắc ghi những lời căn dặn sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ghi sổ tang, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến viết: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đoàn Đại biểu Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xin thắp nén tâm nhang, kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt đồng chí Tổng Bí thư kính mến, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người lãnh đạo tài năng, kiệt xuất, nhà lý luận sắc bén, nhà văn hóa lớn".

Theo ông Chiến, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi nhưng tên tuổi, sự nghiệp, tấm lòng nhân ái, trọng dân, thương dân, gắn bó máu thịt với nhân dân còn mãi.

“Chúng ta luôn khắc ghi những lời căn dặn sâu sắc của đồng chí Tổng Bí thư: “Danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất”, “lấy yêu dân làm động lực thực hiện sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “phải xây dựng, củng cố, tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, ông Chiến viết.

Ông Chiến gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến phu nhân của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và toàn thể gia đình, thân tộc. “Mong gia đình sớm vượt qua  nỗi đau thương mất mát lớn lao này”.

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.

leftcenterrightdel
 Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Văn Nên viết sổ tang. Ảnh: TTBC

Thay mặt Thành ủy, HĐND, UBND TP Hồ Chí Minh, Bí thư Nguyễn Văn Nên viết vào sổ tang: “Đồng chí Nguyễn Phú Trọng mất đi là một tổn thất rất lớn lao đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Một mất mát không gì bù đắp được với gia đình, người thân”.

“Chúng tôi luôn nhớ mãi hình ảnh một con người vô cùng giản dị, khiêm nhường, nghị lực phi thường, một nhân cách lớn, một cán bộ, đảng viên mẫu mực, kiên trung, bất khuất; một nhà lãnh đạo đức độ, tài năng, quả cảm; một tấm gương tiêu biểu trong học tập, rèn luyện theo tư tưởng đạo đức phong cách Bác Hồ kính yêu, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, suốt đời vì nước vì dân, tận tụy, tận tâm, tận lực, tận hiến”, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh ghi.

Kính cẩn nghiêng mình tri ân những công lao to lớn mà Tổng Bí thư đã cống hiến và để lại cho đời, trong sổ tang, ông Nên viết, “nguyện học tập, noi gương đồng chí và các bậc tiền nhân, thế hệ nối tiếp thề tiếp nối truyền thống một cách xứng đáng, đoàn kết hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, quyết tâm nhiều hơn nữa, phấn đấu xây dựng TP Hồ Chí Minh “rực rỡ tên vàng” như đồng chí hằng mong ước, chỉ dạy, góp phần vì cả nước, cùng cả nước xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam ngày càng văn minh, hạnh phúc, cường thịnh”.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh gửi tới gia quyến đồng chí Nguyễn Phú Trọng lời chia buồn sâu sắc nhất.

Hương Giang