Sáng ngày 23/5, khai mạc Kỳ họp thứ 3, trong 19 ngày làm việc, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng của đất nước.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đến nay, sau khi cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam đang phục hồi và phát triển rõ nét.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch năm 2022.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, thực chất về các báo cáo, tờ trình của Chính phủ. Trong đó, bám sát các yêu cầu, mục tiêu, giải pháp tại các nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế, xã hội, phòng chống dịch COVID-19 năm 2022; các kế hoạch 5 năm 2021-2025; chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội…

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Kỳ họp 3. Ảnh: Đ.X

Đặc biệt, lưu ý những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực; bất ổn của thị trường tiền tệ, tài chính, chứng khoán, trái phiếu, bất động sản ở trong và ngoài nước… để hiến kế, đề xuất giải pháp hoàn thành cao nhất các mục tiêu.

Linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ, tài khóa

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, những tháng đầu năm 2022, nền kinh tế đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trong trạng thái “bình thường mới”.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,1%. Tổng thu ngân sách 4 tháng là 657.400 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2021. Đến cuối tháng 4, dư nợ tín dụng tăng 7,18% so với cuối 2021. Các vi phạm trên thị trường chứng khoán vừa qua được kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm, giúp đảm bảo kỷ cương, kỷ luật thị trường.

Việt Nam xuất siêu trên 2,5 tỷ USD; 80.500 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 4 tháng, tăng gần 27% cùng kỳ.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của Chính phủ, nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, như CPI tháng 4 tăng 2,09% so với cuối năm 2021, gần gấp đôi cùng kỳ 2018 - 2021, tạo áp lực lớn lên điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cả năm 2022, làm giảm hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều chuỗi cung ứng tiếp tục bị ảnh hưởng; giá nguyên vật liệu đầu vào, nhất là xăng dầu có nhiều biến động; chuyển đổi năng lượng còn chậm. Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Cùng đó, quy hoạch còn chậm và nhiều vướng mắc; giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu; quản lý tài sản công, đất đai, tài nguyên còn lãng phí...

leftcenterrightdel
 Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. Ảnh: Đ.X

“Trước diễn biến tình hình trong nước và quốc tế, việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6 - 6,5% là thách thức rất lớn”, Phó Thủ tướng nêu.

12 nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ đưa ra. Trong đó, giải pháp xuyên suốt là chủ động điều hành, linh hoạt phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác.

Cơ cấu lại các ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu; tăng quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả; điều hành, bình ổn giá… cũng là những ưu tiên trong điều hành của Chính phủ.

Nhiệm vụ, giải pháp tiếp theo được Phó Thủ tướng đề cập là thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết điều chuyển vốn từ các nơi chậm giải ngân sang nơi cần vốn, có khả năng giải ngân tốt hơn.

Nguy cơ “nhập khẩu lạm phát”, cần nghiên cứu kịch bản giảm thuế

Trình bày thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lưu ý những rủi ro từ tăng giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là giá xăng dầu sẽ tác động tới lạm phát năm nay.

“Giai đoạn tới cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài, khi giá nhập khẩu nguyên, nhiên liệu sản xuất đều đang trong xu hướng tăng giá mạnh”, cơ quan thẩm tra nêu.

Vì vậy, Chính phủ cần nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn cũng như thực hiện hoãn, giãn việc tăng các sắc thuế, phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Đ.X

Cũng theo ông Vũ Hồng Thanh, giải ngân vốn đầu tư công vẫn trì trệ khi 4 tháng mới đạt gần 16,4%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái và có tới 17 bộ, ngành, cơ quan Trung ương chưa thực hiện giải ngân.

Ông Thanh đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm vấn đề này.

Lo ngại nữa được Uỷ ban Kinh tế nêu là việc giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiệm vụ thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội hiện chậm. Phần lớn các chính sách quan trọng vẫn đang trong quá trình các bộ, ngành xây dựng, hướng dẫn.

Ông Thanh cho hay, hiện Chính phủ mới trình bổ sung gần 18.350 tỷ đồng vào dự toán năm 2022 cho các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, chỉ tương đương 16% tổng số vốn dành cho đầu tư phát triển của chương trình cần được phân bổ, bổ sung dự toán. Điều này dẫn đến áp lực phải giải ngân, tăng bội chi rất lớn trong năm 2023.

Chưa kể, danh mục các dự án, nhiệm vụ dùng vốn của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội vẫn chưa được Chính phủ hoàn thiện, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý lãng phí trong sử dụng đất đai, tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá để trục lợi; nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn; thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản không bền vững, thiếu ổn định.

“Trên thị trường cổ phiếu đã xuất hiện các hiện tượng tăng vốn khống, thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; một số cổ phiếu/nhóm cổ phiếu có biến động giá bất thường, không gắn với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, gây tổn thất trực tiếp cho nhà đầu tư”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế báo cáo trước Quốc hội.

Cử tri bất bình, phẫn nộ với cán bộ bao che cho sai phạm

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho hay, cử tri, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của Quốc hội và điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng.

Cử tri, nhân dân cũng tin tưởng vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến. Ảnh: Đ.X

Đồng tình, ủng hộ chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh... Đảng và Nhà nước tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử công khai các vụ án tham nhũng lớn, xử lý nghiêm khắc cán bộ sai phạm, kể cả cán bộ cấp cao.

Song cử tri, nhân dân còn những trăn trở, băn khoăn, lo lắng. “Cử tri và nhân dân bày tỏ sự bất bình, lên án mạnh mẽ, phẫn nộ đối với những hành vi trục lợi trong công tác phòng chống dịch COVID-19, mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao, có sự tiếp tay, bao che của một số cán bộ, đảng viên”, ông Chiến nhấn mạnh.

Từ đó, mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm, bị can bỏ trốn; công khai, minh bạch kết quả điều tra, xét xử để nhân dân giám sát.

Quyết liệt chống tham nhũng, tiêu cực

Những tháng đầu năm 2022, công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều giải pháp phù hợp và có chuyển biến tích cực.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu dự phiên khai mạc Kỳ họp 3, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Đ.X

Các cơ quan đã phát hiện vi phạm về kinh tế 16.490 tỷ đồng, 3.069ha đất; kiến nghị thu hồi 8.897 tỷ đồng và 114ha đất; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 418 tập thể và 828 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 65 vụ, 37 đối tượng. Các bộ, ngành, địa phương đã giải quyết 5.367/8.773 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện theo tinh thần của Ban Chỉ đạo Trung ương và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của Nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đến giải quyết khiếu nại, tố cáo, tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm.  

Nhìn lại năm 2021, ông Vũ Hồng Thanh nói, trong đấu thầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19 đã xảy ra nhiều vụ việc sai phạm nghiêm trọng như vụ Việt Á, mua trang thiết bị y tế tại CDC Hà Nội… 

Hương Giang