Ngày 9/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023.

Tinh thần “4 kiên quyết”

Các báo cáo và ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá, tình hình tháng 8 tiếp tục xu hướng tích cực, nhiều lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với tháng 7. Nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận những kết quả đạt được, đồng thời nêu rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức.

Ông lưu ý, tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra; lạm phát tuy được kiểm soát ở mức thấp nhưng vẫn chịu nhiều sức ép. Thu ngân sách Nhà nước 8 tháng giảm 8,8% so với cùng kỳ; nợ xấu có xu hướng tăng. Tăng trưởng tín dụng thấp.

Cầu trên các thị trường lớn, truyền thống suy giảm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 13,1% trong 8 tháng. Tiêu dùng trong nước khó tăng mạnh trong ngắn hạn. Doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn nhiều khó khăn, vướng mắc…

Phân tích nguyên nhân của hạn chế, yếu kém, nêu rõ các bài học kinh nghiệm, người đừng đầu Chính phủ yêu cầu những tháng còn lại của năm nay cần kiên quyết, kiên trì, quyết tâm thực hiện mục tiêu tổng quát đã đề ra.

“Tinh thần đặt ra là: Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn; kiên quyết không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; kiên quyết bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, nhưng cũng cương quyết xử lý những trường hợp nhũng nhiễu, tiêu cực, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; kiên quyết tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế tốt hơn, nâng cao đời sống người dân”, Thủ tướng nói.

Vực dậy công nghiệp, phát huy nông nghiệp và dịch vụ

Thủ tướng quán triệt tập trung thúc đẩy có trọng tâm, trọng điểm 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng). Trong đó, tiếp tục củng cố, phát huy lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, vực dậy lĩnh vực công nghiệp, tập trung cho lĩnh vực chế biến, chế tạo, tháo gỡ khó khăn thị trường, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng...

Chính sách tiền tệ tiếp tục thực hiện chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát và các chính sách khác để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Về phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu, Thủ tướng yêu cầu, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo, các ngành công nghiệp chủ lực; đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa mạnh mẽ.

Trong nông nghiệp thì thúc đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm; tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu nông sản, đồng thời bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

“Phải chuẩn bị tốt việc tổ chức Festival lúa gạo quốc tế vào cuối năm và triển khai hiêu quả chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao”, Thủ tướng lưu ý.

Cạnh đó, phát triển mạnh các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh truyền thông về chính sách thị thực mới, kéo dài thời gian lưu trú và xúc tiến du lịch các thị trường trọng điểm…

Thủ tướng cũng yêu cầu làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở, không để hình thành “điểm nóng”…

Hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bằng các chương trình cụ thể

Giao một số nhiệm vụ cụ thể, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước tập trung tháo gỡ nút thắt vốn tín dụng; tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay.

Thực hiện hiệu quả các gói tín dụng chính sách (trong đó có 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, 15.000 tỷ đồng cho ngành hàng đồ gỗ, thuỷ sản).

“Ngân hàng và doanh nghiệp cần chia sẻ và thấu hiểu, đặt mình vào địa vị người khác, “trong tôi có anh, trong anh có tôi” để xử lý công việc”, theo Thủ tướng.

Bộ Tài chính được yêu cầu thực hiện hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí; tiếp tục đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng; sớm hoàn thiện Dự án Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi).

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; đề xuất việc tăng lương tối thiểu cho công nhân lao động để báo cáo cấp có thẩm quyền.

Thủ tướng cũng giao Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Chính phủ về phương án trình Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội về lộ trình cải cách tiền lương và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 27 của Trung ương.

Các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chủ động có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bằng các chương trình, kế hoạch, dự án cụ thể, người đứng đầu Chính phủ lưu ý.

Hương Giang